Biến chứng bàn chân và cách chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Nguyên nhân gây biến chứng bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Đường huyết tăng cao kéo dài làm tổn thương thần kinh, làm giảm hoặc mất khả năng cảm nhận đau, nóng, lạnh, do đó người bệnh không cảm nhận được các vết thương xảy ra ở bàn chân, đây là cửa ngõ cho vi trùng dễ dàng xâm nhập.
Các bệnh nhân đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, mạch máu hẹp và tắc làm giảm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét ở chân. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.
Ngoài ra, lượng đường máu tăng cao khiến cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở người bệnh diễn ra chậm và kém hiệu quả hơn. Nếu có bất kì vết loét nào thì nguy cơ bị nhiễm trùng lan rộng là rất lớn.
Các tổn thương bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Chai chân: Chai chân hình thành do tăng áp lực ở gan bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường. Do việc chai chân cũng hay xảy ra ở người bình thường nên các bệnh nhân đái tháo đường thường chủ quan, dẫn tới các vết chai có điều kiện phát triển nhiều, nứt, loét và trở thành ổ nhiễm trùng.
Thay đổi ngoài da: Da chân của bệnh nhân đái tháo đường thường bị khô, nứt nẻ, bong tróc do các dây thần kinh điều khiển các hoạt động làm ẩm da đã bị tổn thương.
Biến dạng bàn chân: Do biến chứng thần kinh nên bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường bị giảm hoặc mất cảm giác, dẫn tới các vị trí chịu áp lực ở tư thế đứng của người bệnh sẽ có những biến đổi của cơ, da và các khớp. Hậu quả là bàn chân bị biến dạng và rất dễ bị loét ở những chỗ phải chịu áp lực cao.
Loét bàn chân: Các vết loét thường bắt đầu chỉ là những vết xước nhỏ nhưng không được điều trị kịp thời mà bị nhiễm trùng lan rộng ra toàn bộ bàn chân. Loét chân thường xảy ra ở mu bàn chân và ngón cái. Khi vết loét đã bị nhiễm trùng lan rộng, việc điều trị nội khoa bằng thuốc thường không đem lại kết quả nữa.
Cách chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh nhân phải kiểm tra bàn chân hàng ngày để kịp thời phát hiện các vết thương. Nếu phát hiện bàn chân có vết thương phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được chỉ dẫn điều trị. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà.
- Luôn giữ chân khô ráo, sạch sẽ. Buổi tối trước khi đi ngủ rửa chân hàng ngày bằng nước ấm, lau khô bàn chân và kẽ giữa các ngón chân nhẹ nhàng, dưỡng ẩm các ngón chân và bàn chân bằng kem.
- Không đi chân trần, không ngâm chân vào nước nóng, không tự ý cắt bỏ các vết chai trên bàn chân. Nếu có tê nhức cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa ngay.
- Không được cắt sâu vào khóe móng khi cắt móng chân. Chỉ nên dùng dũa để dũa móng chân một cách nhẹ nhàng.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn giày dép thích hợp. Nên đi giày vừa chân, thoải mái. Trước khi đi giày cần kiểm tra xem có vật lạ (như đinh, kim nhọn) bên trong hay không để tránh làm tổn thương bàn chân.