Người đái tháo đường cần lưu ý gì khi đi du lịch
Chuẩn bị thuốc men (insulin, bơm tiêm, bông cồn, thuốc uống ), các phương tiện thử máu, thử nước tiểu. Với trường hợp đi dài ngày, cần phải tiên liệu trước số lượng thuốc cần đem (nên đem dư hơn lượng cần dùng vì các chuyến đi có thể phải kéo dài hơn dự kiến).
Trong các loại giấy tờ tuỳ thân, nên tự trang bị thêm thẻ ghi rõ mình bị mắc đái tháo đường, thuốc đang dùng hiện nay, để trong trường hợp hôn mê hạ đường huyết, nhân viên cứu hộ có thể biết cách xử lý một cách nhanh nhất.
Một số vấn đề y học thường gặp khi đi du lịch
Say xe
Khi nôn có thể khiến bạn không thể ăn được, do đó có nguy cơ hạ đường máu. Dự phòng bằng cách dùng một số thuốc chống nôn như viên VOMINA uống 1/2 đến 1 viên trước khi đi 30 phút, sau đó cứ 4 giờ uống thêm 1/2 viên nếu không có viên VOMINA có thể đến hiệu thuốc yêu cầu các loại thuốc tương tự, nên đem theo nhiều hơn liều định dùng vì người khác có thể không có. Trường hợp không thể ăn được, không nên uống thuốc hạ đường huyết: bỏ một viên thuốc còn đỡ nguy hại hơn là uống thuốc mà không ăn được (nguy cơ hạ đường huyết).
Sự nóng bức, viêm kết mạc mắt do quá nắng: trang bị kính dâm, mũ, nón. Trong trường hợp quá nóng cần phải uống đủ nước, ăn thức ăn có thêm muối và lưu ý bảo quản insulin ở nơi mát nhất có thể.
Đi ỉa chảy
Là một bệnh hay gặp khi thay đổi thức ăn, nước uống kể cả nước đá. Đề phòng với những thức ăn nghi ngờ. Khi đi ngoài nhiều cần phải uống bù đủ nước, dùng thuốc cầm đi ngoài (ví dụ Loperamide hoặc Imodium 2 viên, sau mỗi lần đi ngoài uống thêm 1 viên, liều tối đa 8 viên/ngày).
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết do vận động thể lực quá mức: khi đi du lịch bao giờ cũng kèm theo các hoạt động thể lực nhiều hơn bình thường (đi dạo, bơi lội ). Vận động thể lực làm giảm đường máu (do tăng tiêu thụ) ở người đái tháo đường đang có mức đường máu tốt. Nhưng trong trường hợp đường máu tăng cao nhiều, vận động thể lực mạnh có thể dẫn đến tình trạng đường máu tăng cao thêm (nếu đường máu đang không ổn định, không nên đi xa; tốt hơn hết hãy đến gặp bác sỹ).
Để tránh hạ đường huyết do vận động nhiều cần phải:
- Giảm 30% liều định tiêm hoặc sulfamide hạ đường huyết (Diamicron, Amaryl, Glyburide..) còn 1/2 liều thông thường nếu thấy sẽ vận động nhiều.
- Đem theo thường xuyên bên mình các chất bột-đường: bánh quy, bánh mỳ, quả chín Sau 30 phút vận động nên ăn thêm một chút.
- Không tiêm insulin vào vùng dự định sẽ vận động nhiều (không tiêm vào đùi khi đi bộ).
- Sau khi vận động nhiều tác dụng hạ đường máu vẫn còn tiếp tục nhiều giờ sau đó (do đường tiếp tục được nạp trở lại vào cơ đã bị cạn kiệt khi vận động). Mũi tiêm insulin tiếp theo vẫn cần giảm liều (thường giảm 30% liều định tiêm), chế độ ăn cần lưu ý tăng hơn ngày thường. Nếu có điều kiện thử đường máu và đường niệu thường xuyên hơn để có thêm thông tin xử lý cho sát với diễn biến thực.
Hạ đường huyết do không còn dự trữ đồ ăn:
- Khi bơi lội một mình: hãy để đồ ăn thức uống trên bờ, trong áo bơi vài thanh bánh bọc kín.
- Khi đi trên phương tiện giao thông có thể gặp những sự cố như hỏng xe, tắc đường: hãy đem theo đồ ăn dự phòng.
- Khi ngủ ở khách sạn: để đồ ăn trên bàn ngủ.
Vấn đề bảo vệ bàn chân
Đi du lịch nghĩa là sử dụng nhiều đến chân, và trong chừng mực nhất định có thể gây nên những phiền toái: đi bộ leo núi, đi trên cát nóng, dẫm phải vỏ ốc, vỏ hà gây chày xước da chân.
Vì vậy không nên đi chân trần. Giày dép đúng tiêu chuẩn, tránh đi giày dép quá mới. Cắt móng chân, rửa và lau khô chân, tránh đi tất bằng sợi nhân tạo, nên dùng loại bằng sợi bông, sợi len.
Bảo quản insulin
Khi nhiệt độ <300 C việc bảo quản insulin không có gì phức tạp (ở nhiệt độ này insulin bền vững tới 4-6 tuần), chỉ cần tránh ánh nắng trực tiếp, không để gần nơi sinh nhiệt (lò sưởi, gần động cơ ô-tô ). Khi có điều kiện để ngăn mát tủ lạnh.
Ths. Bs Nguyễn Huy Cường