Nguyên nhân và biểu hiện hạ đường huyết
Hạ đường huyết là gì?
Hạ đường huyết là một tình trạng đặc trưng bởi mức độ thấp bất thường lượng đường trong máu. Một vài triệu chứng của hạ đường huyết thì rất nhẹ như vã mồ hôi, đói nhưng một vài triệu chứng khác thì lại rất nặng, đôi khi có thể dẫn đến hôn mê .
Hạ đường huyết thường ít gặp ở những người bình thường nhưng lại thấy khá phổ biến ở những bệnh nhân đái tháo đường. Thiếu hụt đường huyết trầm trọng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người bình thường?
Những nguyên nhân có thể gây hạ đường huyết ở người bình thường bao gồm:
- Một số loại thuốc
- Uống nhiều rượu
- Một số bệnh lí cụ thể gây hại đến gan,thận
- Chứng chán ăn tâm lí- Đây là tình trạng rối loạn ăn uống, người mắc bệnh này thường luôn nghĩ mình luôn béo, xấu và nhịn ăn để giảm cân
- Các khối u hoặc các bệnh lí ở tụy- Một cơ quan quan trọng trong cơ thể, giúp sản xuất hormon và các dịch tiêu hóa để phân giải thức ăn
- Tác dụng phụ của việc giảm cân bằng phẫu thuật cắt dạ dày
- Rối loạn một số hormone bẩm sinh
Các dấu hiệu của hạ đường huyết?
Dưới đây là các dấu hiệu điển hình của hạ đường huyết (hình 1):
- Vã mồ hôi, chân tay run
- Đói
- Bồn chồn, lo lắng
Khi lượng đường trong máu quá thấp, các dấu hiệu nguy hiểm có thể xuất hiện:
- Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
- Mệt mỏi, đi lại không vững
- Lú lẫn
- Ngất
Hình 1: Các dấu hiệu hạ đường huyết
Một vài trường hợp, các dấu hiệu của hạ đường huyết xuất hiện vài giờ sau khi bắt đầu ăn, những trường hợp khác thì các dấu hiệu có thể xuất hiện khi người đó không ăn
Làm thế nào để tôi biết mình có phải bị hạ đường huyết không ?
Để chẩn đoán tình trạng hạ đường huyết, bạn cần phải có các dấu hiệu/ triệu chứng dưới đây:
- Có các triệu chứng của hạ đường huyết
- Khi có các triệu chứng của hạ đường huyết và kiểm tra đường máu thì thấy đường máu thấp bất thường
- Sau khi uống một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nâng đường huyết lên mức bình thường thì cảm thấy dễ chịu, tỉnh táo hơn.
Khi bạn có các triệu chứng trên, để chẩn đoán chính xác đó có phải là tình trạng hạ đường huyết hay không các bác sĩ sẽ cho làm một số xét nghiệm máu để xác định. Có thể các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian để làm xuất hiện các triệu chứng trên rồi từ đó tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán.
Sau khi có thể chắc chắn rằng bạn bị hạ đường huyết, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân :
- Các xét nghiệm máu khác
- Chụp CT, Cộng hưởng từ hoặc siêu âm
Điều trị hạ đường huyết ở người bình thường như thế nào?
Nguyên tắc điều trị hạ đường huyết là vừa nâng nhanh chóng đường huyết lên mức bình thường, đồng thời tìm ra nguyên nhân gây hạ đường huyết.
Các bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn sẽ tư vấn cho bạn cách xử trí khi bị hạ đường huyết. Thông thường, để nhanh chóng nâng đường huyết lên mức bình thường bạn sẽ được khuyên nên ăn hoặc uống những thứ có chứa đường (bảng 1). Tùy vào tình trạng hạ đường huyết của bạn, các bác sĩ sẽ khuyên bạn luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.
Bảng 1: Những loại đồ ăn/uống có đường dùng để nâng nhanh đường huyết
3 - 4 viên đường |
½ cốc nước hoa quả |
30g nho khô |
4-5 cái bánh qui |
1 thìa đường |
1 thìa mật ong hoặc siro ngô |
6-8 viên kẹo |
Trong trường hợp hạ đường huyết nặng gây ra tình trạng hôn mê thì cần tiêm ngay dưới da 1liều Glucagon. Glucagon là một loại hormone giúp nhanh chóng nâng đường huyết lên mức bình thường và làm giảm/hết các triệu chứng của hạ đường huyết. Nếu bạn được yêu cầu phải dùng Glucagon để phòng hạ đường huyết, hãy chắc chắn rằng bạn biết cách tiêm Glucagon (hình 2, hình 3, hình 4). Các thành viên trong gia đình cũng nên học cách tiêm Glucagon để đề phòng trường hợp bạn không thể tự tiêm Glucagon.
Hình 2: Bộ dụng cụ tiêm Glucagon
Hình 3: Cách tiêm Glucagon
Hình 4: Vị trí tiêm Glucagon
Dựa vào nguyên nhân gây hạ đường huyết, bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. Ví dụ như nếu nguyên nhân gây hạ đường huyết là do dùng một số loại thuốc nhất định thì các bác sĩ sẽ yêu cầu ngưng sử dụng thuốc đó và chuyển sang dùng thuốc khác. Trong trường hợp nghi ngờ có khối u tụy cần làm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, siêu âm nội soi… để phát hiện bệnh sớm và tiến hành làm phẫu thuật để cắt bỏ khối u.
Trong trường hợp nào cần đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu?
Người nhà, bạn bè nên đưa người đó đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu:
- Sau khi ăn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường mà đường huyết vẫn rất thấp
- Sau khi tiêm Glucagon 15 phút mà người đó vẫn trong tình trạng lơ mơ, lú lẫn, mất định hướng
- Ngất mà xung quanh không có Glucagon để tiêm
Khi bị hạ đường huyết, không nên để người đó tự đi đến bệnh viện vì sẽ rất nguy hiểm nếu như họ ngã hoặc ngất trên đường. Một khi đã gọi được cấp cứu, người bị hạ đường huyết sẽ nhanh chóng được truyền đường qua tĩnh mạch để ngay lập tức nâng đường huyết lên mức bình thường.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội