Đái tháo đường type 1
- Cơ thể sử dụng đường không tốt nên phải huy động chất béo thay thế dẫn đến gầy sút và tích tụ thể ceton.
- Phản ứng tự nhiên của cơ thể phải ăn nhiều để bù lượng đường mất qua nước tiểu.
- Trước năm 1922 tất cả bệnh nhân mắc ĐTĐ type 1 đều chết sau vài tháng. Từ ngày con người biết chiết suất và tinh chế insulin từ tụy bò, lợn, tất cả bệnh nhân đều sống với điều kiện phải tiêm đều đặn insulin. Loại insulin, liều lượng, số lần tiêm (phụ thuộc vào số bữa ăn và hoạt động thể lực) do bác sĩ chuyên khoa lựa chọn và điều chỉnh.
Phân loại ĐTĐ type 1
ĐTĐ type 1 do bệnh tự miễn dịch
Còn gọi là ĐTĐ phụ thuộc insulin, ĐTĐ type 1 hoặc ĐTĐ ở người trẻ do phá huỷ tế bào bêta tuyến tụy bởi chất trung gian miễn dịch. Sự phá huỷ này có thể nhanh hoặc chậm. Dạng phá hủy nhanh thường xảy ra ở trẻ em, nhưng cũng có khi gặp ở người lớn. Dạng phá huỷ chậm thông thường hay gặp ở người lớn gọi là ĐTĐ tự miễn dịch âm ỉ ở người lớn (LADA: Latent autoimmune diabetes in adults).
Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên biểu hiện nhiễm toan ceton là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Nhưng cũng có người chỉ có tăng đường máu lúc đói vừa phải và bệnh nặng lên rất nhanh khi có nhiễm khuẩn hoặc stress. Thậm chí có người (thường là người lớn) vẫn còn đủ tế bào bêta sản xuất insulin nên không bị nhiễm toan ceton trong nhiều năm liền.
ĐTĐ type 1 vô căn (không thấy căn nguyên tự miễn)
Một số thể ĐTĐ type 1 vẫn chưa biết rõ bệnh căn. Những bệnh nhân này có thiếu hụt tiết insulin thường xuyên và có khuynh hướng nhiễm toan ceton nhưng không thấy rõ bằng chứng bệnh lý tự miễn dịch. Người châu Á và châu Phi thường mắc loại ĐTĐ type 1 vô căn này. Một dạng thức khác của ĐTĐ type 1 vô căn quan sát thấy ở châu Phi, châu Á: những bệnh nhân ĐTĐ ở đây biểu hiện thiếu hụt insulin hoàn toàn theo từng thời kỳ.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Cường - Phòng và điều trị ĐTĐ. NXB Y học