Người đái tháo đường cần biết: Đường máu tăng đâu chỉ do ăn uống chất đường?
Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta hãy xem cơ thể chế biến thực phẩm ra sao?
Khi chúng ta ăn, thực phẩm được tiêu hóa đến phần nhỏ nhất trong ruột và được hấp thu vào máu. Một số vật chất đó được sử dụng làm năng lượng, một số khác được dùng để xây dựng và tái tạo cơ thể, số còn lại được chuyển đổi thành dạng cất trữ.
Thực phẩm có chứa carbonhydrate (cơm, gạo, bánh mỳ, bánh phở, bún miến, khoai củ, ngô, sắn, các loại quả .)khi vào đến ruột được bẻ gãy đến phần tử nhỏ nhất là đường glucose. Chính vì vậy, khi ở dạng thô, các loại thức ăn ở các dạng rất khác nhau, nhưng vào đến ruột và máu thì đều được chuyển đổi thành đường glucose. Do vậy, ngày nay các bác sỹ và bệnh nhân cần biết tính lượng gram carbonhydrate (hay lượng chất đường) ăn vào, dù thức ăn đó có là cơm, phở, bánh mỳ, khoai củ, sữa hay hoa quả ngọt.
Thực phẩm có chứa chất đạm như thịt, cá, thịt gia cầm, sữa khi vào đến dạ dày- ruột đều bị bẻ gãy thành các axit-amin. Các axit-amin này dùng để xây dựng cơ thể, số không dùng hết được đưa đến gan và chuyển đổi thành đường glycogen để cất trữ. Chính vì vậy khi ăn quá nhiều chất đạm hoặc truyền thừa lượng đạm cũng làm gia tăng đường máu nhưng có độ trễ muộn hơn. Một điều nữa có thể bạn chưa biết? rằng insulin chính là một chất đạm, do vậy dù có ăn nhiều tụy lợn, bò thì cũng không thể làm tăng lượng insulin trong máu được vì insulin có trong tụy bò, lợn đã bị tiêu hóa thành các axit-amin rồi mới được hấp thu vào máu. Các nhà khoa học cũng đã cố gắng tạo ra các dạng thuốc insulin có thể uống bằng cách gói các phần tử insulin vào trong vỏ bọc khó bị phá hủy bởi men tiêu hóa, sau đó chúng sẽ được hấp thu vào máu. Đã tồn tại những chế phẩm insulin uống như vậy, nhưng rất tiếc là việc đó tiêu phí rất nhiều insulin và khả năng hấp thu cũng không đều nhau nên hệ quả là đường máu rất khó ổn định.
Trong đêm, khi ta ngủ, gan biến đổi đường glycogen dự trữ thành đường glucose và đưa chúng vào máu. Chính vì vậy đường máu của chúng ta luôn được duy trì từ 3,3 - 5,5mmol/l (60-100mg/dl). Mỡ và cơ có thể chuyển đổi thành đường glucose nếu chúng ta nhịn ăn lâu ngày. Insulin có vài trò quan trọng điều chỉnh toàn bộ quá trình này. Nếu không đủ lượng insulin, quá trình biến đổi trên trở nên không kiểm soát được và đường máu vẫn tăng cao mặc dù chúng ta không ăn gì.
Khả năng chuyển đổi đường từ các nhóm thức ăn khác nhau:
-
Chất bột đường: 100%.
-
Chất đạm:60%.
-
Chất béo: < 10%.
Ths, Bs Nguyễn Huy Cường