Rối loạn cương dương ở người tiểu đường
Vì tổn thương thần kinh nên dương vật ít nhận cảm được cảm giác hơn, xung động xúc giác ít được truyền về não hơn. Do vậy, khó đạt được sự cương, cũng như duy trì được sự cương cứng.
Vì tổn thương tổ chức cương sẽ dẫn tới hệ quả các sợi cơ trong tổ chức cương đó không giãn đầy đủ, khiến cho dương vật không thể đổ đầy máu trong quá trình cương.
Tổn thương mạch máu cũng dẫn đến khó đổ đầy máu vào trong tổ chức cương.
Đàn ông mắc tiểu đường cũng thường hay mắc cả cao huyết áp. Nhiều loại thuốc điều trị cao huyết áp gây ra chuyện giảm cương dương vật.
Hút thuốc lá, đường máu tăng cao dẫn đến biến chứng mạch máu và biến chứng cương ở người tiểu đường thêm trầm trọng.
Rối loạn cương dương có thường gặp không?
Khoảng 50% nam giới mắc tiểu đường sẽ có thể mắc RLCNC hoặc mất ham muốn tình dục ở một chừng mực nào đó.
Bệnh tiểu đường thường có giai đoạn 'âm thầm’ rất ít triệu chứng cảnh báo. Chính vì vậy người bệnh thường được chẩn đoán muộn. Vấn đề là trong giai đoạn 'âm thầm’ đó, mặc dù đường máu không tăng nhiều, nhưng cũng đủ gây ra các biến chứng lên thần kinh và mạch máu. Điều đó giải thích tại sao nhiều bệnh nhân đã có vấn đề RLCNC ngay khi mới phát hiện ra bệnh.
Xét nghiệm đường máu định kỳ hoặc đến khám chuyên khoa tiểu đường nếu có triệu chứng nhẹ sẽ giúp phòng tránh bệnh được tốt.
Có điều cần lưu ý rằng mức đường máu được coi là bình thường hiện nay là <5,6mmol/l (<100mg/dl), nhưng các mẫu trả lời kết quả ở Việt Nam vẫn ghi mức đường máu bình thường <6,4mmol/l (???). Điều này làm chậm chẩn đoán cho rất nhiều bệnh nhân có rối loạn chuyển hóa đường giai đoạn nhẹ - giai đoạn khá dễ dàng đưa mức đường máu trở về bình thường chỉ bằng chế độ ăn hợp lý và tập thể dục mức độ vừa phải.
Ths, Bs Nguyễn Huy Cường