7 cách tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ
1. Cho trẻ bú sữa mẹ là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch
Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể có ích cho hệ miễn dịch của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ chính là cách tốt nhất giúp trẻ phòng chống nhiều căn bệnh thường gặp như tiêu chảy, táo bón, dị ứng, viêm đường ruột,…
Để trẻ phát triển một cách toàn diện, các bà mẹ nên cho con bú trong vòng một năm hoặc ít nhất là vài tháng sau sinh để xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ.
2. Cho trẻ ăn thực phẩm có lợi cho hệ miễn dịch
Chế độ dinh dưỡng hợp lý với đầy đủ, đa dạng thực phẩm là tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. Bên cạnh các bữa ăn chính, bạn cần cho trẻ ăn những loại trái cây giàu sinh tố như cam, lê, đu đủ, xoài, dâu tây,… bằng cách ăn trực tiếp hoặc ép lấy nước uống. Mẹ cũng cần tổng hợp các loại thức ăn giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻnhư các loại rau củ giàu vitamin và chất xơ như cà rốt, súp lơ, cà chua, bí đỏ, rau dền,… cũng nên được kết hợp chung với thịt, cá, trứng để bữa ăn của trẻ đầy đủ chất, hỗ trợ tốt cho hệ miễn dịch.
3. Ngủ đủ giấc
Trẻ ngủ sâu và đủ giấc là điều quan trọng để phát triển hệ miễn dịch. Trẻ sơ sinh cần ngủ khoảng 18 giờ/ ngày, trẻ tập đi cần ngủ 12-13 giờ/ ngày, trẻ mẫu giáo cần ngủ 10 giờ/ ngày. Nếu trẻ không ngủ trong cả ngày hoặc không ngủ trưa, bạn nên cho trẻ đi ngủ sớm hơn vào buổi tối.
4. Cho trẻ vận động
Vận động đều đặn hàng ngày có tác dụng thúc đẩy những tế bào miễn dịch phát triển dài hạn. Với những trẻ đã bắt đầu tập đi hoặc lớn hơn, bạn nên tạo điều kiện khuyến khích trẻ vận động bằng cách tham gia những bài tập thể dục, những trò chơi đơn giản, hoặc cho trẻ chạy nhảy vui chơi ngoài trời. Với trẻ sơ sinh, vận động cho trẻ bằng những bài massage nhẹ nhàng khắp cơ thể, vừa giúp kết nối tình cảm hai mẹ con vừa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
5. Giữ môi trường sống lành mạnh
Bảo vệ trẻ trước môi trường sống nhiều vi khuẩn xung quanh, đặc biệt lúc thời tiết thay đổi, là cách góp phần hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ. Bạn hãy nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi chơi ngoài trời, sau khi vuốt ve vật nuôi,… đồng thời dạy trẻ biết cách giữ gìn vệ sinh cơ thể hàng ngày, lưu ý giữ ấm cho trẻ vào ngày lạnh, luôn chuẩn bị khăn ướt để vệ sinh cho trẻ khi ra ngoài,…
Khói thuốc lá không chỉ ảnh hưởng xấu đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Nếu muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần bỏ thuốc lá, hoặc ít nhất là không hút thuốc ở nhà để tránh làm ảnh hưởng đến trẻ.
6. Tình yêu thương sẽ giúp trẻ khỏe mạnh
Cha mẹ nào cũng hiểu rằng tình yêu thương sẽ giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, nhưng không ít người bỏ qua điều này khi nuôi dạy trẻ. Theo nghiên cứu khoa học, tình yêu của cha mẹ sẽ giúp trẻ giảm thiểu những căng thẳng và lo lắng dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời nhờ hệ thống miễn dịch được tăng cường khi giảm thiểu căng thẳng, trẻ sẽ phát triển toàn diện về thể chất và tâm lý.
7. Không lạm dụng thuốc kháng sinh
Mặc dù thuốc kháng sinh rất cần thiết để chữa một số loại bệnh, nhưng lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ diệt cả những vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ. Thay vì cho trẻ uống thuốc kháng sinh ngay khi vừa chớm bệnh, mẹ hãy để cơ thể trẻ tự kiểm soát bệnh ở mức độ hợp lý. Trong trường hợp phải dùng thuốc kháng sinh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.