Làm gì khi trẻ quấy khóc bất thường?
Quấy khóc là một tình trạng khá phổ biến, xảy ra trên 40% trẻ sơ sinh, thường bắt đầu giữa lúc trẻ được 3 đến 6 tuần tuổi và thường tự hết khi trẻ được trên 4 tháng. Mọi trẻ sơ sinh đều khóc nhiều nhất vào khoảng ba tháng đầu, có thể tới 2 tiếng một ngày. Tuy vậy có thể phân biệt tình trạng quấy khóc bất thường khác với tình trạng khóc sinh lý bình thường ở một số điểm sau:
- Cơn quấy khóc có thời điểm khởi đầu, kết thúc rõ ràng và thường xảy ra vào buổi tối. Nguyên nhân trẻ quấy khóc không rõ ràng, có thể ngay sau khi vừa cười đùa, bú sữa, thậm chí khi đang ngủ.
- Tiếng khóc the thé, ngằn ngặt rất khác tiếng khóc bình thường, giống như tiếng trẻ khóc hét khi bị đau.
- Kèm theo một số triệu chứng cơ thể do tăng trương lực cơ khi khóc như: mặt trẻ đỏ lên trong khi vùng da quanh mồm tái xanh; bụng phập phồng và cứng; lưng cong lên; chân co vào bụng, ngón chân lạnh; bàn ngón tay nắm chặt; cánh tay cứng chặt.
- Trẻ quấy khóc bất thường rất khó dỗ dành. Tuy ngừng khóc nhưng trẻ vẫn còn nức nở. Trẻ có thể quấy khóc sau khi đánh hơi hoặc sau khi có nhu động ruột.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc bất thường, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có giải pháp thích hợp
Trẻ bị đói - Khi trẻ khóc, hãy thử cho trẻ bú sữa để xác định nguyên nhân có phải do trẻ đói hay không. Thông thường trẻ dưới 3 tháng tuổi phải được cho ăn mỗi 2 đến 4 giờ, có thể bạn chưa cho bé ăn đủ khiến bé bị đói và khóc.
Trẻ bị đau - Kiểm tra toàn bộ cơ thể bé xem bé có bị khó chịu hay xây xước chỗ nào không. Kiểm tra thân nhiệt của bé: nóng, lạnh hay bình thường. Kiểm tra quần áo, tã quấn, bao tay hay bỉm, có chỗ nào quấn quá chặt hay không.
Trẻ bị mệt hoặc bị kích thích quá mức - trẻ sơ sinh thường khóc khi bị mệt hoặc bị kích thích quá mức từ việc cưng nựng, bao bọc của cha mẹ. Cha mẹ nên nới lỏng tã quấn, tạo khoảng trống cho chân bé được quẫy đạp, cho bé ngậm núm vú giả hay cho bé nằm xe đẩy, cũi có thể sẽ giúp bé nín khóc và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Cha mẹ có thể quấn tã cho trẻ khi trẻ quấy khóc. Điều này giúp vỗ về bé tốt hơn
Trẻ bị khó chịu do thức ăn - Thông qua sữa mẹ trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng hay nhạy cảm với thực phẩm mẹ ăn. Những thực phẩm như sữa, trứng, lúa mạch và các loại hạt mẹ ăn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các thành phần của sữa mẹ và gây ra các phản ứng ở trẻ như: đau bụng, đi ngoài, nôn trớ. Một số trẻ cũng có thể dị ứng với đạm sữa bò trong các loại sữa công thức, sữa bột gây ra các triệu chứng như: mẩn ngứa, khò khè, nôn, đi ngoài.
Nếu đã loại bỏ mọi nguyên nhân mà bé vẫn quấy khóc, cha mẹ nên đưa bé tới gặp nhân viên y tế để được thăm khám kỹ càng hơn.
Biện pháp
Mục đích của việc điều trị là làm giảm tần suất quấy khóc của trẻ, giúp cha mẹ có kiến thức và kinh nghiệm trong việc dỗ dành trẻ. Sau đây là một vào lời khuyên cho cha mẹ
Đối với trẻ bú bình - Thay bình sữa, núm vú giả, núm vú quá cứng có thể làm bé khó chịu. Cho bé ăn ở tư thế dựng đứng, giúp trẻ sau khi ăn ợ hơi dễ dàng hơn. Chọn loại bình sữa được thiết kế làm giảm lượng hơi đi vào khi trẻ bú sữa.
Bình sữa cong giúp làm giảm lượng hơi bé bú vào bụng
Đối với trẻ bú mẹ - Mẹ nên thử các thực phẩm lành tính, tránh hoặc sử dụng ít các món dễ gây dị ứng như: sữa, trứng, các loại hạt, nhất là ở các mẹ có tiền sử chàm dị ứng, hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng hay ở các bé không uống được sữa bò. Nếu tình trạng quấy khóc của bé không cải thiện, mẹ có thể tiếp tục sử dụng các món trên.
Một vài nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cho trẻ uống sữa đậu nành nếu có dị ứng với sữa bò, tuy nhiên cha mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ nếu có ý định thay đổi lâu dài sữa bò bằng sữa đậu nành.
Địu bé trước ngực cũng là một cách vỗ về bé hiệu quả
Vỗ về trẻ bằng cách bế nựng, địu trước ngực, cho trẻ nằm nôi, võng. Nhẹ nhàng mát xa cho bé, vùng bụng, tay chân, chườm ấm bụng bé bằng chai nước ấm (đảm bảo nhiệt độ nước không quá nóng).
Cho bé uống men tiêu hóa - Trong men tiêu hóa có chứa các vi khuẩn có lợi cho đường ruột của trẻ. Một hệ tiêu hóa không khỏe mạnh gây khó chịu có thể là nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên quấy khóc. Mặc dù men tiêu hóa rất lành tính, cha mẹ vẫn nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế trước khi cho bé dùng.
Khi nào nên đưa trẻ tới bệnh viện?
Cha mẹ nên đưa bé đi kiểm tra sức khỏe nếu trẻ quấy khóc kèm theo những dấu hiệu sau:
- Trẻ khóc liên tục trên 2 giờ
- Trẻ quấy khóc bất thường dù đã trên 4 tháng tuổi
- Trẻ nhẹ cân, lười ăn
Cha mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện trong trường hợp trẻ quấy khóc và:
- Trẻ khóc sau khi bị thương, ngã, bị va đập hoặc bị rung lắc thô bạo
- Trẻ sốt trên 38oC
- Trẻ không chịu ăn uống trong một vài giờ, nôn trớ nhiều, phân có máu, lơ mơ, phản xạ kém.
Cha mẹ thường cảm thấy mệt mỏi, thất vọng thậm chí bực tức, cáu bẳn khi trẻ quấy khóc quá nhiều. Điều này là hoàn toàn toàn bình thường, những lúc quá nóng giận cha mẹ nên nhờ người trông bé một lúc để được một mình yên tĩnh và bình tâm lại. Tuyệt đối không vì quá tức giận mà đánh trẻ, rung lắc thô bạo, việc này không những không khiến trẻ ngừng khóc mà còn có thể gây ra những chấn thương vùng đầu cổ vô cùng nguy hiểm.
Hãy liên hệ tổng đài EasyCare (028) 7300 7115 (không tính phí) ngay hôm nay để được tư vấn về chương trình và đặt lịch khám chữa bệnh tại chuyên khoa phù hợp.
Nguồn: Lê Thùy Linh - Cử nhân điều dưỡng tiên tiến K1 - ĐH Y Hà Nội