Đại tiện không tự chủ ở trẻ em
Nguyên nhân của đại tiện không tự chủ ở trẻ em? — Táo bón thường là nguyên nhân chính dẫn đến đại tiện không tự chủ ở trẻ em. Táo bón có thể khiến trẻ cảm thấy đau rát mỗi lần đi. Táo bón cũng khiến mỗi lần đi ít và ít lần đi hơn bình thường. Hầu hết trẻ bình thường đều đi đại tiện phân mềm mỗi ngày 1 lần.
Trẻ bị táo bón thường có xu hướng nhịn đi tiêu, dẫn đến các dây thần kinh và cơ kiểm soát việc đại tiện hoạt động không tốt, phân sẽ ứ lại trong đường ruột. Nhưng một số bị “són” ra ngoài, gây nên đại tiện không tự chủ.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
● Các vấn đề về dạy trẻ đi nhà vệ sinh
● Do tâm lí căng thẳng hoặc thay đổi thời gian sinh hoạt của trẻ
● Một số tình trạng bệnh lý
Có nên đưa trẻ đi khám? — Có nếu trẻ thường xuyên đi đại tiện ra quần hoặc những nơi không phải nhà vệ sinh.
Trẻ có cần phải làm xét nghiệm? — Có thể. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ khám và trò chuyện với bạn và con. Hầu hết trẻ không cần làm xét nghiệm. Nhưng nếu có, các xét nghiệm có thể bao gồm:
● Chụp X quang ổ bụng – kiểm tra phân có ứ lại trong đường ruột hay không.
● Xét nghiệm máu – kiểm tra các tình trạng bệnh lý có thể dẫn đến đại tiện không tự chủ.
● Xét nghiệm nước tiểu – Một số trẻ đại tiện không tự chủ thường bị cả tiểu tiện không tự chủ. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cách điều trị đại tiện không tự chủ? — Điều này còn phụ thuộc vào nguyên nhân. Đối với đại tiện khong tự chủ do táo bón, bác sĩ có thể:
● Kê thuốc ngăn phân ứ trong đường ruột.
● Kê thuốc nhuận tràng giúp trẻ dễ đi hơn.
● Giúp trẻ có thói quen đi vệ sinh tốt bằng cách:
-
Để trẻ ngồi lên bệ vệ sinh vài phút sau mỗi bữa ăn.
-
Thưởng cho trẻ mỗi lần ngồi đi vệ sinh dù có đi được hay không.
-
Theo dõi thời gian mỗi lần trẻ đại tiện giúp bạn và bác sĩ có thêm thông tin cần thiết.
-
Luôn bĩnh tình và giữ thái độ tích cực kể cả khi trẻ đại tiện không tự chủ. Không la mắng trẻ. Trẻ bị la mắng có thể bị căng thẳng và làm cho tình trạng tệ hơn.
Nếu các tình trạng bệnh lý khác gây nên đại tiện không tự chủ, bác sĩ có thể tìm ra và chữa trị. Nếu tâm lý căng thẳng là một nguyên nhân, các phương pháp giúp trẻ có thói quen đi vệ sinh tốt có thể giúp ích.
Hỏi bác sĩ về chế độ ăn đơn giản có thể giúp trẻ, ví dụ như:
● Cho trẻ ăn nhiều hoa quả, rau củ, ngũ cốc và thực phẩm nhiều chất xơ
● Tránh sữa, sữa chua, phô mai và kem
● Cho trẻ uống nhiều nước
Nếu trẻ đại tiện không tự chủ, chỉ dựa vào thay đổi chế độ ăn sẽ không giải quyết được tình trạng.
Đại tiện không tự chủ có thể phòng tránh được không? — Nếu táo bón hoặc tình trạng căng thẳng gây nên, bạn có thể:
● Dùng thuốc cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ.
● Giúp trẻ duy trì thói quen đi vệ sinh tốt.
● Hãy kiên nhẫn. Có thể mất hàng tháng hoặc lâu hơn để trẻ vượt qua đại tiện không tự chủ.
Nếu bác sĩ hoặc điều dưỡng chỉ định thuốc nhuận tràng, không ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Một số cha mẹ lo sợ rằng thuốc nhuận tràng không an toàn hoặc sẽ gây nên các vấn đề sức khỏe sau này. Nhưng sự thật là thuốc nhuận tràng cho trẻ em vô cùng an toàn. Dừng thuốc quá sớm có thể làm tình trạng đại tiện không tự chủ quay lại và tệ hơn.
(Biên dịch: Lê Thân Phương – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến K1 – ĐH Y Hà Nội)