Nguyên nhân và cách chữa dậy thì muộn
Thế nào là dậy thì muộn? — Dậy thì là thuật ngữ chỉ sự thay đổi trong cơ thể, từ đó một đứa trẻ dần trở thành người lớn. Dậy thì muộn là khi cơ thể đứa trẻ bắt đầu những thay đổi đó muộn hơn nhiều so với bình thường.
Dậy thì thường bắt đầu từ 9-12 tuổi ở trẻ nữ và 10-13 tuổi ở trẻ nam. Đối với dậy thì muộn:
●Trẻ nữ không có bất kì dấu hiệu gì của thời kì dậy thì khi 12 tuổi. Thông thường, dấu hiệu đầu tiên của thời kì dậy thì ở trẻ nữ là ngực lớn hơn.
●Trẻ nam không có bất kì dấu hiệu gì của thời kì dậy thì khi 14 tuổi. Dấu hiệu đầu tiên của thời kì dậy thì ở trẻ nam thường là tinh hoàn lớn hơn.
Nguyên nhân của dậy thì muộn là gì? — Dậy thì được tạo nên bởi sự thay đổi hormone trong cơ thể. Não bộ sẽ chỉ huy các hormone làm bắt đầu giai đoạn dậy thì. Những hormone này sẽ đến tinh hoàn (ở nam) và buồng trứng (ở nữ). Não bộ đưa ra tín hiệu đến tinh hoàn để sản xuất hormone testosterone, đến buồng trứng để sản xuất hormone estrogen. Estrogen và testosterone là nguyên nhân gây ra những thay đổi trong cơ thể.
Dậy thì muộn khi giai đoạn này không xảy ra đúng thời gian. Điều đó có thể là bình thường và không phải nguyên do của bệnh lí nào cả. Một số trẻ bắt đầu dậy thì muộn do:
●Thể trạng phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ khác. Điều này có thể là bình thường.
●Dậy thì muộn di truyền. Nếu như bố mẹ trải qua dậy thì muộn thì những đứa trẻ của họ có khả năng cao cũng như vậy. Điều này đặc biệt đúng ở nam giới.
Một số trẻ khác bị dậy thì muộn là do nguyên nhân bệnh lí nào đó, ví dụ như:
●Sự phát triển bất thường hoặc những vấn đề khác ở não, buồng trứng hoặc tinh hoàn.
●Bị bệnh lí nào đấy trong một thời gian dài.
●Các nguyên nhân bẩm sinh do bất thường ở gen.
Trẻ em (đặc biệt ở nữ) có thể dậy thì muộn nếu như quá gầy, ăn uống không đủ chất hoặc tập thể dục quá mức.
Đứa trẻ có cần làm xét nghiệm gì không? — Có. Nếu đứa trẻ không có bất kì dấu hiệu gì của dậy thì, bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể muốn tìm hiểu nguyên nhân về điều đó. Đứa trẻ sẽ được khám và có thể được chỉ định:
●Làm xét nghiệm máu
●Chụp X quang tay và bàn tay để xác định mức độ phát triển của đứa trẻ.
Tùy thuộc vào những kết quả này, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT, siêu âm hay các test chẩn đoán hình ảnh khác ở não hoặc ổ bụng. Các xét nghiệm chuẩn đoán hình ảnh mang lại cái nhìn sâu hơn về bộ phận bên trong cơ thể.
Bác sĩ và điều dưỡng sẽ khám lại nhiều lần để theo dõi sự phát triển và trưởng thành của đứa trẻ.
Dậy thì muộn được chữa trị như thế nào? — Phương pháp điều trị phụ thuộc vào độ tuổi của đứa trẻ và nguyên nhân của việc dậy thì muộn.
Nếu dậy thì muộn do nguyên nhân bệnh lí nào đó, bác sĩ sẽ chữa trị bệnh lí đó (nếu có thể). Các phương pháp khác có thể sử dụng thuốc (hormone) hoặc phẫu thuật. Thường thì sau điều trị trẻ sẽ bắt đầu dậy thì.
Nếu đứa trẻ hoàn toàn bình thường nhưng chậm lớn hay dậy thì muộn di truyền trong gia đình thì lời khuyên thường là “theo dõi và chờ đợi” cho thời kì dậy thì tự bắt đầu. Nếu đứa trẻ nhẹ cân hoặc tập thể dục quá mức, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên để giúp đứa trẻ có cân nặng và lối sống khỏe mạnh.
Một số trẻ (hầu hết là nam) hoàn toàn bình thường nhưng chậm lớn được điều trị bởi hormone để giúp thời kì dậy thì bắt đầu. Bác sĩ thường khuyến nghị phương pháp điều trị này chỉ khi dậy thì muộn có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của đứa trẻ.
Cần lưu ý điều gì để giúp đứa trẻ? — Bạn có thể động viên đứa trẻ không lo lắng về bản thân. Chỉ ra những ưu điểm của con thay vì tập trung để ý vào những thay đổi của cơ thể. Một số trẻ trải qua dậy thì muộn có thể không thích ứng được bởi chúng trông nhỏ hơn những đứa trẻ cùng tuổi.
Nếu trẻ bị trêu chọc hay đổi xử tệ, hãy nói với bác sĩ hoặc điều dưỡng để tìm cách giúp đỡ.
Lê Thân Phương
Cử nhân tiên tiến-Đại học Y Hà Nội