Chăm sóc vết cắt và vết xước trên da cho trẻ
Bài viết này sẽ trao đổi về các vết cắt và xước trên da mà không cần khâu.
Để chăm sóc các vết cắt và xước như vậy, hãy làm theo các bước sơ cứu cơ bản sau:
- Làm sạch vùng da bị cắt hoặc xước: Rửa sạch bằng xà bông và nước sạch. Nếu vết thương bẩn, dính thủy tinh và những thứ khác mà bạn không loại bỏ hoặc làm sạch được, hãy gọi cho bác sỹ.
- Cầm máu: Nếu vết cắt hoặc vết xước chẩy máu, hãy băng ép bằng khăn hoặc gạc sạch vào vết thương trong vòng 20 phút. Bạn có thể làm máu chảy chậm bằng cách giữ vùng bị thương cao hơn vị trí tim. Nếu máu không ngừng chảy sau 20 phút, hãy gọi bác sỹ.
- Bôi lớp mỏng thuốc mỡ kháng sinh vào vết thương
- Dùng gạc che vết thương, chú ý giữ gạc khô và sạch. Thay gạc 1 đến 2 lần mỗi ngày cho đến khi vết thương được chữa lành.
- Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng trên vết thương
Hầu hết các vết cắt và xước đều tự khỏi trong 7 đến 10 ngày và sẽ để lại sẹo. Đảm bảo không tự ý bóc lớp sẹo ra.
Bạn nên gọi cho bác sỹ hoặc điều dưỡng nếu trẻ có các dấu hiệu của nhiễm trùng, bao gồm:
- Sốt
- Đỏ, sưng phồng, nóng và đau tăng dần vùng xung quanh vết cắt
- Chảy mủ từ vết cắt hoặc xước
- Có các vệt đỏ trên da xung quanh vết thương
Vết cắt do vật sắc nhọn đâm có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
Trẻ có thể cần đến liều chống uốn ván, phụ thuộc vào độ tuổi và mũi uốn ván được tiêm lần cuối cùng của trẻ là khi nào. Uốn ván là một nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây cứng cơ và co cơ gây ra bởi vi khuẩn phát triển những nơi bẩn. Hầu hết trẻ em được tiêm phòng uốn ván theo định kỳ.
Nếu da trẻ bị thương có vết cắt, đặc biệt là vết cắt bẩn hoặc sâu, hãy trao đổi với bác sỹ xem bạn có cần tiêm phòng uốn ván không.
(Biên dịch: Cấn Thị Hoa – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến khóa 1 – Đại học Y Hà Nội)