Chứng trào ngược acid dạ dày ở trẻ sơ sinh
Hình 1: Hệ tiêu hóa ở trẻ em
Đa số trẻ sơ sinh, ngay cả trẻ khỏe mạnh bình thường đều có thể nôn, trớ sữa, thức ăn sau khi ăn - đây là hiện tượng sinh lí bình thường, không gây ảnh huởng đến sức khỏe đứa trẻ và sẽ tự biến mất khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, khi tình trạng nôn trớ ngày càng kéo dài và mức độ nghiêm trọng hơn thì được gọi là chứng trào ngược acid dạ dày và cần phải điều trị.
Những trẻ sơ sinh nào có nguy cơ cao mắc chứng trào ngược acid dạ dày? - Những trẻ có khả năng cao mắc chứng trào ngược dạ dày - thực quản, bao gồm:
- Trẻ đẻ non (đặc biệt trẻ đẻ sớm trước 3 tuần so với thời gian dự kiến)
- Trẻ sớm tiếp xúc với khói thuốc lá
- Trẻ có những bệnh lí, vấn đề sức khỏe (Hội chứng Down, liệt não bộ hoặc các bệnh lí liên quan đến tủy sống)
Làm thế nào để tôi biết trẻ có bị chứng trào ngược acid dạ dày không? - Hãy quan sát và để ý trẻ nhỏ, nếu chúng bị nôn, trớ sữa, thức ăn ngay sau ăn mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa trẻ thì đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần cho trẻ ăn, uống thật chậm, quan sát đứa trẻ, giữ chúng ở tư thế thẳng lưng khi ăn và hạn chế cho trẻ nằm ngay sau ăn.
Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện các biểu hiện dưới đây thì bạn cần chú ý vì có thể trẻ nhỏ mắc chứng trào ngược acid dạ dày:
- Trẻ bỏ ăn
- Trẻ thường xuyên quấy khóc, la hét, uốn cong lưng
- Thường hay bị nghẹn
- Nôn vọt
- Sút cân hoặc không tăng cân dù ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Tôi có nên đưa trẻ đến khám bác sĩ hoặc điều dưỡng không? - Nếu trẻ nhà bạn thường xuyên nôn trớ và có các biểu hiện kể trên, hãy đưa trẻ đến khám bác sĩ hoặc điều dưỡng. Tại đó, các bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ đánh giá tình trạng đứa trẻ và dựa vào những biểu hiện của trẻ nhỏ để chỉ định cho bé làm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân.
Trong trường hợp chứng nôn trớ ở trẻ hoàn toàn bình thường, không gây ra bất kì ảnh hưởng nào đến sức khỏe đứa nhỏ thì không cần điều trị. Các bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ tư vấn cho bạn cách cho trẻ ăn, ngủ để hạn chế tình trạng nôn trớ đó.
Tôi có thể làm gì để giúp trẻ hạn chế tình trạng trào ngược acid dạ dày? - Nếu trẻ bị nôn trớ quá nhiều và cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, bạn có thể giúp trẻ bằng cách:
- Giữ trẻ thẳng lưng sau khi ăn: Sau khi ăn 20-30 phút, bạn nên hạn chế cho trẻ nằm hoặc ngồi ngay mà nên giữ trẻ thẳng đứng để hạn chế tình trạng nôn trớ thức ăn. Hơn nữa, luôn luôn đặt trẻ ở tư thế nằm thẳng, tránh nằm nghiêng sang hai bên vì chúng có thể tạo áp lực, đè ép lên dạ dày gây nôn trớ
- Bỏ hút thuốc: Nếu bạn hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc, hãy từ bỏ việc hút thuốc và tránh xa những nơi có khói thuốc độc hại. Thuốc lá không những làm tăng cao nguy cơ bị chứng trào ngược acid ở trẻ sơ sinh mà còn gây ra vô số những tác hại khác đến sức khỏe của đứa trẻ.
- Loại bỏ sữa bò hoặc sữa đậu nành ra khỏi chế độ dinh dưỡng của trẻ: Một số trẻ nhỏ gặp vấn đề trong việc tiêu hóa sữa bò hoặc sữa đậu nành, vì vậy, sau khi uống những loại sữa này trẻ rất dễ bị nôn trớ. Nếu trẻ đang bú thì nên cho trẻ bú hoàn toàn sữa mẹ và không dùng thêm bất kì loại sữa ngoài nào khác. Ngoài ra, bạn có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức - đây là loại sữa không chứa sữa bò hoặc sữa đậu nành, hoàn toàn tốt với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ.
- Cho trẻ sử dụng các loại sữa ở dạng đặc hơn: Bạn cũng có thể cho thêm các loại ngũ cốc dinh dưỡng (yến mạch…) vào trong bình sữa rồi cho trẻ bú. Khi uống những loại sữa đặc hơn thế này cũng có thể giúp cải thiện tình trạng trào ngược acid ở trẻ nhỏ.
Điều trị chứng trào ngược acid dạ dày thực quản ở trẻ sơ sinh như thế nào? - Đa số để điều trị chứng trào ngược acid dạ dày ở trẻ sơ sinh, các bác sĩ sẽ không cho trẻ dùng thuốc mà sẽ yêu cầu bà mẹ thay đổi phương pháp và chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp kể trên mà vẫn không có tác dụng thì lúc đó trẻ sẽ phải dùng thuốc. Có rất nhiều loại thuốc giúp điều trị chứng trào ngược dạ dày những không phải thuốc nào cũng tốt và an toàn với trẻ sơ sinh:
- Thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Lansoprazole): Những thuốc này giúp làm giảm tiết dịch acid dạ dày. Đôi khi, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ dùng chúng nhưng sẽ phải ngưng sử dụng chúng ngay nếu sau vài tuần sử dụng mà chúng không có tác dụng.
- Những thuốc khác: Một số thuốc khác được sử dụng để điều trị chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh gồm Ranitidine, Famotidine - chúng giúp hạn chế tiết dịch acid nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Các thuốc chống acid dạ dày thường không được kê đơn cho trẻ nhỏ vì chúng không hiệu quả trong việc giảm tiết dịch dạ dày mà còn không an toàn đối với trẻ
Hãy tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu như bạn có ý định cho trẻ sơ sinh dùng bất kì thuốc gì để điều trị chứng trào ngược acid dạ dày - thực quản.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến
Đại Học Y Hà Nội