Đái dầm ở trẻ em
Có những nguyên nhân khác nhau gây ra đái dầm, bao gồm:
- Hành vi và thói quen của trẻ, ví dụ như trẻ tăng động có thể đái dầm vì trẻ nhịn tiểu lâu mới vào nhà vệ sinh.
- Táo bón, là khi trẻ gặp khó khăn với nhu động ruột.
- Có các vấn đề hoặc nhiễm trùng hệ tiết niệu.
- Có các vấn đề hệ thần kinh trung ương.
Con bạn có thể cần gặp bác sỹ nếu:
- Trẻ tức giận hoặc căng thẳng gây ra bởi đái dầm
- Xuất hiện đái dầm sau khoảng thời gian trẻ có thể tự chủ tiểu tiện.
- Khi đi tiểu có cảm giác đau hoặc đi tiểu liên tục
- Sau khi tiểu xong vẫn còn nước tiểu rỉ ra.
- Có nhiễm trùng hệ tiết niệu, táo bón hoặc các bệnh khác có thể là nguyên nhân gây ra đái dầm.
Bác sỹ sẽ trao đổi với bạn về các triệu chứng của con bạn và khám cho trẻ. Họ cũng có thể yêu cầu làm xét nghiệm nước tiểu. Trước đó, họ có thể yêu cầu bạn theo dõi trẻ trong vài ngày về:
- Lượng nước trẻ uống
- Tần suất trẻ đi tiểu và đi đại tiện
- Đái dầm xảy ra khi nào
Hầu như đái dầm không phải do các vấn đề sức khỏe gây ra trừ một số trường hợp. Nếu bác sỹ tìm ra vấn đề sức khỏe, họ sẽ điều trị các vấn đề tìm ra hoặc thực hiện thêm một số xét nghiệm, hoặc cho trẻ gặp chuyên gia.
Bạn có thể thực hiện một số điều sau tại nhà để dừng tình trạng đái dầm của trẻ:
- Tạo một lịch trình cho trẻ đi tiểu mỗi lần sau khoảng 2 đến 3 giờ trong ngày. Thưởng cho trẻ để trẻ thực hiện theo lịch trình.
- Cho trẻ thực hiện theo lời khuyên của bác sỹ hướng dẫn tư thế ngồi khi đi tiểu
- Nhắc nhở trẻ không nhịn đi tiểu, và tiểu trước khi chúng có cảm giác căng tức buồn đi tiểu
- Cho trẻ ngồi một vài phút sau khi đi tiểu để loại bỏ hết lượng tiểu cặn trong cơ thể
- Tránh sử dụng xà phòng hoặc bong bóng bồn tắm vào vùng sinh dục ở trẻ nữ. Vì chúng có thể gây kích thích vùng sinh dục hoặc làm đái dầm nghiêm trọng hơn.
- Điều trị tình trạng táo bón của trẻ nếu trẻ bị táo bón.
Với bất cứ kế hoạch nào thì cả bạn và trẻ đều muốn dừng tình trạng đái dầm của trẻ. Việc này có thể thể rất khó và cần một thời gian dài. Hãy nhớ rằng trẻ không thể tự cải thiện tình trạng đái dầm. Do đó bạn không nên trừng phạt, quát mắng hoặc tức giận với trẻ.
Nếu trẻ vẫn còn đái dầm sau khi đã thử các mẹo ở trên, bạn hãy trao đổi với bác sỹ. Họ sẽ thực hiện các xét nghiệm hoặc gợi ý các cách điều trị khác để cải thiện tình trạng này ở trẻ.
(Biên dịch: Cấn Thị Hoa – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến khóa 1 – Đại học Y Hà Nội)