Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tự kỷ
Dấu hiệu trẻ bị tự kỷ
Cho đến nay chưa ai tìm ra được nguyên nhân của tự kỷ, mặc dù thế giới không ngừng nghiên cứu về loại rối loạn này. Có những yếu tố góp phần trong rối loạn tự kỷ như di truyền hoặc một số tổn thương não. Tuy nhiên tự kỷ không phải do lỗi của cha mẹ thiếu chăm sóc hoặc do phản ứng vaccine tiêm chủng.
Những dấu hiệu tự kỷ đầu tiên thường xuất hiện trước ba tuổi. Bằng giáo dục và thực hành, một số nhà lâm sàng có khả năng xác định những dấu hiệu báo động ở trẻ dưới một tuổi. Tuy nhiên thường từ 15 đến 18 tháng tuổi là thời gian các bậc phụ huynh cần lưu ý sự chậm hoặc mất một số kỹ năng trong sự phát triển của trẻ. Nếu thấy trẻ có những dấu hiệu dưới đây nên đưa ngay đến khám với một chuyên viên tâm lý tại các bệnh viện nhi hoặc tâm thần nhi:
Chậm phát triển ngôn ngữ và xã hội: trẻ có vẻ sống trong thế giới riêng tư, kém tiếp xúc mắt và không đáp ứng khi được gọi tên. Lúc đầu phụ huynh có thể nghĩ trẻ có vấn đề về thính lực. Ngoài ra, trẻ không dùng ngón trỏ để chỉ các đồ vật trẻ cần hoặc quan tâm và không nói những từ đơn giản như gọi “ba, mẹ” lúc một tuổi. Trẻ chậm hoặc không nói. Cũng có một số ít trẻ nói được và có triệu chứng nhẹ hơn, được gọi là hội chứng Asperger.
Hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại: trẻ không khởi xướng hoạt động, không biết luân phiên, không có khả năng chia sẻ vui thích… Cách dùng bàn tay và ngón tay cũng bất thường (không chỉ bằng ngón trỏ một đồ vật để người khác nhìn) hoặc rập khuôn, không phản ứng với kích thích giác quan, ít hoặc không tưởng tượng.
Trẻ không thích chơi giả bộ (thay vì đút cho búp bê hoặc gấu bông uống sữa thì trẻ thích xếp đồ chơi như ôtô thành hàng dài thật ngay ngắn). Trẻ khó thay đổi thói quen hằng ngày như chỉ thích ăn vài loại thức ăn, từ nhà đến trường qua con đường quen thuộc. Nếu thay đổi thói quen đó trẻ dễ nổi cáu, la hét để phản đối…
Giảm trí thông minh: các khó khăn giao tiếp sẽ làm cho trẻ khó theo học trong các trường bình thường. Khả năng tiếp nhận kiến thức cũng chậm. Trẻ thường tập trung vào các chi tiết nhỏ như quan tâm đến bánh xe thay vì toàn xe ôtô. Một số trẻ có biệt tài như vẽ tranh, thuộc lòng một số nhãn hiệu xe, đếm số giỏi, tự biết đọc rất sớm, chơi một nhạc cụ sau khi nghe tiếng đàn. Trẻ cũng khó kiểm soát cơn giận, kháng cự với sự thay đổi và quá hoặc kém nhạy cảm với một số đồ vật, âm thanh…
Ngoài những khiếm khuyết trên, trẻ tự kỷ có biểu hiện lo lắng như hốt hoảng và bấn loạn khi bị tách lìa khỏi cha mẹ và nhà cửa; không chịu đến nhà trẻ hay trường mẫu giáo; bồn chồn và dễ bực bội; ngủ không yên và có ác mộng;…
Điều trị sớm sẽ cứu được trẻ
Trẻ tự kỷ sẽ phát triển tốt nhất nếu được phát hiện sớm và can thiệp một cách phù hợp. Cũng giống như trẻ bình thường, phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ tự kỷ bằng cách trở thành một người chăm sóc trẻ đầy yêu thương, tích cực, sáng tạo với sự tôn trọng những sở thích và hiểu biết những điểm mạnh (để giúp trẻ phát huy) cũng như những thách thức (để giúp trẻ vượt qua).
Hiện trên thế giới có hàng trăm phương pháp điều trị tự kỷ. Tuy nhiên chúng ta cần biết rằng các phương pháp này giúp chăm sóc trẻ hơn là chữa lành trẻ. Mỗi trẻ tự kỷ có cách phát triển phức tạp và đa dạng, vì thế cần được tiếp cận khác nhau. Phụ huynh cần tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn để biết những phương pháp nào có chứng cớ khoa học đáng tin cậy và không tác hại đến sức khoẻ của trẻ.
Phương pháp can thiệp có chứng cớ khoa học là phương pháp can thiệp tâm lý – giáo dục, giúp trẻ cải thiện các kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội và hành vi thích ứng. Chưa có thuốc nào có thể chữa lành rối loạn tự kỷ. Bác sĩ tâm thần có thể điều trị các rối loạn kèm theo tự kỷ như kém tập trung, lo âu, trầm cảm… Các phương pháp khác như châm cứu, oxy cao áp, khử chất độc trong cơ thể… chưa có chứng cớ khoa học công nhận và có khi còn làm hại cho trẻ.
Ngoài ra, trẻ tự kỷ cần có chương trình giáo dục đặc biệt để giúp phát triển tối ưu kỹ năng hành vi, xã hội và trí tuệ. Không ai có thể tiên đoán về tương lai của trẻ tự kỷ nhưng một số có thể sống tự lập nếu khả năng ngôn ngữ khá. Chẩn đoán và điều trị trễ (sau ba tuổi) có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.