Hở hàm ếch và sứt vòm miệng
Những trẻ sinh ra bị hở hàm ếch có những khía hình chữ V ở môi trên. Một số khác bị hở môi trên rộng hơn hoặc lỗ bắt nguồn từ đáy mũi. Sứt vòm miệng có thể ở phía trước hoặc phía sau vòm miệng ở một bên hoặc cả 2 bên. Những đứa trẻ có những vấn đề đó có thể gặp khó khăn trong việc ăn uống.
Trong một vài trường hợp, hở hàm ếch có thể được sàng lọc bằng siêu âm hoặc các chẩn đoán hình ảnh khác trong quá trình mang thai. Việc xác định sứt vòm miệng bằng siêu âm khó khắn hơn. Nếu kết quả siêu âm cho thấy trẻ có hở hàm ếch hoặc sứt vòm miệng, bác sỹ thường siêu âm thêm để phát hiện các dị tật khác. Bác sỹ có thể gợi ý các xét nghiệm khác như chọc ối, thủ thuật dùng kim tiêm chọc vào tử cung mẹ và rút dịch xung quanh trẻ ra một lượng nhất định. Kiểm tra lượng dịch này để xác định các vấn đề di truyền.
Trong hầu hết các trường hợp, hở hàm ếch và sứt vòm miệng có thể khắc phục bằng phẫu thuật. Đối với hở hàm ếch, bác sỹ thường phẫu thuật trong một vài tháng tuổi đầu tiên của trẻ, có thể trước khi trẻ 1 tuổi. Đối với sứt vòm miệng, bác sỹ thường làm phẫu thuật trước khi trẻ 18 tháng tuổi. tuy nhiên thời gian phẫu thuật cho mỗi trẻ là khác nhau. Một vài trẻ cần phải làm nhiều hơn một lần phẫu thuật.
Con bạn có thể phải thực hiện các phẫu thuật khác khi lớn lên. Thậm chí sau phẫu thuật, trẻ bị hở hàm ếch hay sứt vòm miệng còn có những vấn đề khác như:
- Thiếu răng, thừa răng, răng mọc lệch: rất nhiều trẻ cần niềng răng sau khi đã mọc răng vĩnh viễn.
- Khó nói: một vài trẻ cần làm việc với chuyên gia trị liệu giọng nói để có thể nói một cách rõ ràng.
- Nhiễm trùng tai và điếc: đối với trẻ bị nhiễm trùng tai, bác sỹ sẽ gợi ý dùng những ống nhỏ trong màng nhĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp trẻ nghe tốt hơn.
Hở hàm ếch và sứt vòm miệng có thể ngăn ngừa. Những phụ nữ có nguy cơ sinh con mắc dị tật bẩm sinh hở hàm ếch và sứt vòm miệng do có những hoạt động sau trong quá trình mang thai, bao gồm:
- Dùng các thuốc như thuốc điều trị co giật, thuốc Methotrexate để điều trị ung thư và các bệnh khác.
- Hút thuốc lá
- Uống rượu
- Không dùng đủ acid folic trong quá trình mang thai.
Những phụ nữ mang thai hoặc có kế hoạch mang thai nên dùng nhiều loại vitamin trước khi sinh trong đó có ít nhất 400 microgram acid folic. Họ không nên hút thuốc hoặc uống rượu và nên thông báo với bác sỹ về các thuốc họ đang dùng.
(Biên dịch: Cấn Thị Hoa – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến khóa 1 – Đại học Y Hà Nội)