Khi nào phụ nữ nên chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh sau khi phẫu thuật ngực
Những người đã phẫu thuật cắt bỏ khối u, một phần hoặc toàn bộ mô vú, hay đặt túi ngực nên lưu ý những hướng dẫn đặc biệt về việc chụp nhũ ảnh để tầm soát ung thư.
Chụp nhũ ảnh sau khi cắt bỏ khối u
Nếu đã từng cắt bỏ khối ung thư (cùng một phần mô lành tuyến vú), và xạ trị, bạn nên chụp nhũ ảnh theo định kỳ 6 tháng hoặc hàng năm vì bức xạ trong quá trình xạ trị có thể gây biến đổi gen ở mô tuyến vú và da.
Trong trường hợp đã tái tạo phần mô bị loại bỏ bằng cách cấy các mô tự thân (lấy từ các phần khác của cơ thể), bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân chụp nhũ ảnh sau khi điều trị làm cơ sở theo dõi tiến trình hồi phục và giúp phát hiện các khối u bất thường trong tương lai.
Sáu tháng sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tiếp tục chụp nhũ ảnh cả hai bên ngực theo định kỳ hàng năm như những phụ nữ bình thường khác. Tuy nhiên, bác sĩ điều trị có thể khuyên bệnh nhân chụp nhũ ảnh phần vú đã phẫu thuật 6 tháng/lần trong vài năm tiếp theo. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa nhằm đưa ra kế hoạch tầm soát ung thư phù hợp nhất với tình huống của mình.
Chụp nhũ ảnh sau khi loại bỏ mô tuyến vú
Nếu đã cắt bỏ hoàn toàn một bên vú thì bạn không cần chụp nhũ ảnh cho bên vú đó nữa vì không còn biểu mô tuyến vú. Tuy nhiên, bạn nên chụp nhũ ảnh bên vú còn lại theo định kỳ hàng năm, vì nếu một bên vú đã bị ung thư thì bên vú còn lại có thể cũng sẽ bị ung thư.
Nếu bạn chỉ phẫu thuật cắt bỏ một phần biểu mô tuyến vú, giữ lại núm vú và một phần biểu mô tuyến vú liền kề, thì bạn vẫn cần chụp nhũ ảnh định kỳ để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Chụp nhũ ảnh sau khi tái tạo vú
Nếu tái tạo vú sau khi cắt bỏ hoàn toàn mô tuyến vú thì bạn không cần chụp nhũ ảnh định kỳ ở bên vú đã thẩm mỹ nữa mà chỉ cần khám thực thể với bác sĩ phụ khoa. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật đặt túi ngực và không cắt bỏ mô tuyến vú thì bạn vẫn cần chụp nhũ ảnh định kỳ.
Nếu tái tạo vú bằng cách sử dụng mô từ một phần khác của cơ thể, thì thông thường bạn sẽ không cần chụp nhũ ảnh cho bên vú đã phẫu thuật. Lý do cũng là vì không còn mô tuyến vú. Tuy nhiên, trong trường hợp này, bác sĩ vẫn có thể chỉ định chụp nhũ ảnh nếu:
- Bệnh nhân có nguy cơ cao bị tái phát cục bộ
- Việc khám thực thể trở nên khó khăn
- Có bất thường đáng ngờ xảy ra
Thông thường, bệnh nhân có thể cảm nhận được sự xuất hiện của các khối u hay hiện tượng vôi hóa trong các mô tái tạo. Đó là hiện tượng hoại tử chất béo (u lành tính), và có thể nhìn thấy khi chụp nhũ ảnh. Hiện tượng này bắt nguồn từ việc các tế bào mỡ bị chết đi sau phẫu thuật tái tạo ngực. Không giống như ung thư, các u này sẽ giữ nguyên kích thước hoặc nhỏ dần theo thời gian.
Chụp MRI ngực có thể mang lại hiệu quả cao hơn trong việc tầm soát ung thư đối với những phụ nữ đã tái tạo vú và có nguy cơ tái phát ung thư cao.
Trên đây chỉ là những hướng dẫn chung. Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được tư vấn phù hợp.