Khám sức khoẻ dành cho nữ giới trong độ tuổi từ 18 đến 39
Việc khám sức khỏe 6-12 tháng/lần sẽ giúp bạn:
- Kiểm tra xem bạn có vấn đề gì về sức khỏe hay không
- Đánh giá rủi ro mắc bệnh trong tương lai
- Tạo động lực để duy trì một lối sống lành mạnh
- Kiểm tra các kháng thể và tiêm nhắc các loại vắc xin, nếu cần thiết
- Cập nhật thông tin y tế và các bác sĩ chuyên khoa uy tín để đặt khám trong tương lai.
Những thông tin hữu ích
Ngay cả khi cảm thấy khỏe mạnh, bạn vẫn nên khám sức khỏe định kỳ. Thói quen đơn giản này có thể giúp bạn tránh được rủi ro phát hiện bệnh tật khi đã quá muộn. Ví dụ, cách duy nhất để biết được bạn có bị cao huyết áp hay không là nhờ việc đo huyết áp thường xuyên. Hiếm khi bạn phát hiện ra các triệu chứng của tình trạng tăng đường huyết và cholesterol, trong khi chỉ cần một xét nghiệm công thức máu đơn giản là bạn có thể biết được mức đường huyết và cholesterol. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về các thời điểm khám sức khoẻ dành cho phụ nữ từ 18 đến 39 tuổi.
Ảnh: Khách hàng nữ đang tham gia khám sức khoẻ tổng quát tại phòng khám đa khoa quốc tế Monaco, Quận 3.
Tầm soát cao huyết áp
Kiểm tra huyết áp 3 đến 5 năm một lần. Nếu số tâm thu từ 120 đến 139, hoặc số tâm trương từ 80 đến 89 mm Hg, bạn nên kiểm tra huyết áp hàng năm. Nếu bị tiểu đường, bệnh tim hay các vấn đề về thận thì bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, ít nhất mỗi năm một lần. Bạn cũng có thể mua máy đo huyết áp tự động để tự đo tại nhà. Nếu số bên trên (tâm thu) lớn hơn 140 hoặc số bên dưới (tâm trương) lớn hơn 90, hãy đặt lịch khám tổng quát tại một phòng khám đa khoa hay bệnh viện đa khoa.
Kiểm tra mỡ máu (Cholesterol)
Phụ nữ nên bắt đầu kiểm tra mỡ máu (cholesterol) từ độ tuổi 20 đến 45 tuổi. Nếu có mức cholesterol bình thường thì chỉ cần làm xét nghiệm 5 năm/lần, nhưng nếu có sự thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như tăng cân hay áp dụng chế độ ăn kiêng thì cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn. Đặc biệt, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận hay các vấn đề khác về sức khỏe thì cần phải kiểm soát chặt chẽ mức cholesterol.
Tầm soát tiểu đường
Nếu huyết áp trên 135/80 mm Hg, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm xét nghiệm đường huyết. Ngoài ra, khi chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn 23, tức là thừa cân theo tiêu chuẩn của người châu Á, bạn cũng cần làm xét nghiệm này.
Kiểm tra sức khoẻ răng miệng
Đi nha sĩ mỗi năm một lần hoặc hai lần để khám và vệ sinh răng miệng. Nha sĩ sẽ khuyên bạn có cần thăm khám thường xuyên hơn hay không.
Ảnh: Khách hàng đang theo dõi sức khoẻ răng miệng tại phòng khám đa khoa quốc tế Sài Gòn
Kiểm tra thị lực
Nếu bạn gặp vấn đề về mắt, hãy khám mắt mỗi 2 năm hoặc lâu hơn theo lời khuyên của bác sĩ. Hãy khám mắt ít nhất mỗi năm một lần nếu bạn bị tiểu đường.
Tiêm chủng
Mỗi năm bạn nên tiêm phòng cúm. Sau tuổi 19, nên tiêm phòng vắc-xin uốn ván -bạch hầu và ho gà (TdAP). Bạn nên tiêm phòng uốn ván - bạch hầu 10 năm một lần. Nếu bạn sinh sau năm 1980 và chưa bao giờ bị thủy đậu hoặc tiêm ngừa văcxin thủy đậu thì bạn nên chủng ngừa 2 mũi vắcxin thủy đậu. Phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 26 nên tiêm vắc-xin papilloma (HPV) nếu chưa tiêm đủ ba mũi vắc xin chủng ngừa HPV.
Kiểm tra thể chất
Ngoài việc kiểm tra huyết áp và BMI, có thể bác sĩ sẽ hỏi thêm về:
- Những căng thẳng trong cuộc sống
- Chế độ ăn kiêng và tập luyện
- Việc sử dụng rượu và thuốc lá
- Các vấn đề an toàn lao động
Tự khám vú và chụp nhũ ảnh
Phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng để kịp thời phát hiện triệu chứng bất thường, đồng thời trao đổi ngay với bác sĩ để được chỉ định chụp nhũ ảnh, siêu âm vú, hoặc chụp MRI, nếu cần thiết. Nếu mẹ hoặc chị/em gái của bạn bị ung thư vú ở tuổi còn trẻ thì bạn nên chụp nhũ ảnh hàng năm và nên bắt đầu trước độ tuổi mà thành viên trẻ nhất trong gia đình bị chẩn đoán mắc ung thu vú.
Ảnh: Khách hàng nữ đến tư vấn khám tại bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn
Tầm soát ung thư cổ tử cung
Bắt đầu từ 21 tuổi, phụ nữ nên khám phụ khoa và xét nghiệm Pap smear mỗi 3 năm một lần để tầm soát ung thư cổ tử cung. Nếu đã trên 30 tuổi và xét nghiệm Pap smear và HPV bình thường thì chỉ cần làm xét nghiệm Pap smear mỗi 5 năm một lần. Nếu tử cung và cổ tử cung bị cắt bỏ và bạn chưa được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cổ tử cung, bạn có thể không cần phải làm xét nghiệm Pap smear nữa. Phụ nữ có hoạt động tình dục thường xuyên nên được kiểm tra chlamydia và lậu đến khi 25 tuổi. Sau đó thì chỉ cần khám bệnh hoa liễu (bệnh lây truyền qua đường tình dục) nếu có nguy cơ cao.
Một số xét nghiệm khác
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tầm soát ung thư ruột già (đại tràng) nếu trong gia đình đã có người bị ung thư đại tràng hoặc chính bạn có khối u hoặc bị bệnh viêm ruột.
Phụ nữ dưới 40 tuổi không cần phải kiểm tra mật độ xương.
Vui lòng gọi điện đến tổng đài EasyCare (028) 7300 7115 (không tính phí) ngay hôm nay để được tư vấn, đặt lịch tầm soát và khám chuyên khoa phù hợp.