Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa bệnh chlamydia
Chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở Mỹ. Ở đây có khoảng 4 triệu trường hợp nhiễm chlamydia mỗi năm.
Chlamydia và bệnh lậu (một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác) gây ra những dấu hiệu và triệu chứng giống nhau, bao gồm chảy mủ từ âm đạo hoặc dương vật, và đau khi tiểu tiện. Tuy nhiên, chlamydia thường không gây ra triệu chứng gì. Hơn nữa, chlamydia lại có thể gây ra những biến chứng lâu dài ở những người phụ nữ không được điều trị. Nhưng thật là may mắn, chlamydia lại có thể điều trị được bằng kháng sinh.
NGUYÊN NHÂN CỦA CHLAMYDIA: chlamydia là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Chlamydia trachomatiss gây ra. Bệnh này thường được lây truyền qua con đường quan hệ tình dục. Tuy người đàn ông không xuất tinh nhưng cũng có thể truyền bệnh cho bạn tình. Tuy nhiên, bạn lại không thể bị nhiễm chlamydia qua việc chạm vào các vật dụng khác như bệ xí.
Nguy cơ bị nhiễm chlamydia của bạn càng cao nếu như bạn có nhiều hơn một người bạn tình, hoặc nếu bạn đã từng nhiễm chlamydia trước đó.
TRIỆU CHỨNG CỦA CHLAMYDIA: chlamydia có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, một số người lại không hề có triệu chứng gì. Điều này có nghĩa là nó có thể dễ dàng lây truyền từ người này sang người khác mà họ không hề biết.
Ở phụ nữ, có đến 90% bị nhiễm chlamydia mà không có biểu hiện gì. Trong số những người còn lại, những triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Chảy mủ âm đạo
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Đau bụng
- Đau khi quan hệ
- Đau hoặc rát khi tiểu hiện
Ở đàn ông, cũng có đến 70% mắc chlamydia mà không có triệu chứng gì. Ngoài ra, những biểu hiện phổ biến nhất của chlamydia ở nam giới bao gồm:
- Đau hoặc rát khi tiểu tiện
- Chảy mủ ở dương vật
- Đau hoặc căng cứng tinh hoàn
- Sưng bìu
Những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới còn có thể bị nhiễm chlamydia ở hậu môn.
NHỮNG RỐI LOẠN KHÁC CÓ LIÊN QUAN: ít gặp, những người nhiễm chlamydia bị biến chứng thành viêm khớp, gọi là viêm khớp phản ứng. Ngoài ra, nó có thể gây ra một nhóm các biểu hiện dường như là không liên quan, bao gồm đau khớp (viêm khớp), viêm màng mạch nho mắt (viêm phần bên trong của mắt).
Chlamydia cũng có thể gây ra viêm màng kết. Điều này có thể là do phơi nhiễm với dịch tiết từ cơ quan sinh dục, như tinh dịch hoặc chất nhầy âm đạo của người bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
CHẨN ĐOÁN CHLAMYDIA: xét nghiệm chlamydia được thực hiện bằng một một mẫu nước tiểu hoặc một miếng gạc thấm dịch âm đạo hoặc cổ tử cung (ở nữ) hoặc niệu đạo (ở nam). Kết quả thường có giá trị trong vòng 24 giờ.
SÀNG LỌC CHLAMYDIA: những phụ nữ dưới 25 tuổi có hoạt động tình dục cho dù là không có biểu hiện gì cũng nên đi kiểm tra chlamydia mỗi năm một lần. Đó là vì chlamydia là một bệnh phổ biến ở nhóm tuổi này và bệnh thường không có biểu hiện gì.
KIỂM TRA CÁC BỆNH LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC KHÁC: nếu bạn hoặc bạn tình của bạn được chẩn đoán mắc một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, bạn nên đi kiểm tra sàng lọc các bệnh khác như HIV, lậu, nhiễm khuẩn trichomonas, và giang mai.
BIẾN CHỨNG CỦA CHLAMYDIA: ở nữ giới, chlamydia có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng gọi là bệnh viêm khung chậu (PID). Nếu chlamydia không được điều trị, thì có tới 30% trong số đó sẽ phát triển thành PID. PID có thể để lại sẹo ở ống dẫn trứng, dẫn đến vô sinh và làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung.
ĐIỀU TRỊ CHLAMYDIA: việc điều trị chlamydia là giống nhau ở cả nam và nữ. Đối với hầu hết các loại nhiễm trùng, các bác sĩ sẽ kê kháng sinh với một liều uống duy nhất, đó là thuốc azithromycin. Azithromycin an toàn cho cả phụ nữ có thai.
Những người dị ứng với azithromycin (erythromycin) có thẻ uống một loại kháng sinh khác là doxycycline, nhưng thuốc này phải uống 2 lần một ngày và uống trong vòng 7 ngày. Doxycycline không được sử dụng cho phụ nữ có thai vì nó có nguy cơ gây hại cho sự phát triển của xương và răng của bào thai.
Một số người bị nhiễm chlamydia có thể cũng bị nhiễm cả lậu. Do đó, việc kiểm tra lậu cũng được làm đồng thời với việc kiểm tra chlamydia. Nếu bệnh nhân bị cả 2 bệnh này, việc điều trị sẽ cần phải bổ sung thêm.
ĐIỀU TRỊ CHO BẠN TÌNH: việc điều trị là quan trọng cho bạn và bất cứ ai mới có quan hệ tình dục với bạn (trong vòng 60 ngày gần đây, hoặc người cuối cùng có quan hệ tinh dục với bạn), họ có thể có hoặc không có triệu chứng gì hoặc là âm tính với chlamydia. Bác sĩ của bạn sẽ yêu cầu bạn nói với bạn tình để họ được điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ của bạn sẽ kê đơn thuốc cho cả 2 người.
Bạn không nên quan hệ tình dục trong vòng một tuần sau khi được điều trị. Có thể bạn sẽ bị nhiễm chlamydia nhiều hơn một lần.
Nếu đã thực hiện đúng điều trị, bạn sẽ không cần phải đi kiểm tra lại ngay để chắc chắn rằng bạn đã khỏi bệnh trừ khi bạn vẫn tiếp tục có các triệu chứng. Nếu các triệu chứng tái phát hoặc xảy ra lần đầu tiên sau khi bạn đã được điều trị, bạn nên đi gặp bác sĩ lần nữa
Người ta khuyến cáo rằng, những người đã từng bị nhiễm chlamydia nên đi kiểm tra lại một lần nữa sau 3 đến 6 tháng kể từ khi được chẩn đoán bệnh, vì có nhiều người (khoàng 25% trong một vài nghiên cứu) bị nhiễm bệnh trở lại từ những người bạn tình không được điều trị.
PHÒNG BỆNH CHLAMYDIA: cách hiệu quả nhất để phòng chlamydia là tránh qua hệ tình dục. Nhưng vì biện pháp này không khả thi với hầu hết mọi người, nên người ta đưa ra những lời khuyên dưới đây:
- Đàn ông nên dùng bao cao su cho mỗi lần quan hệ tình dục
- Thảo luận về việc kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục với bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn. Nếu bạn là nữ dưới 25 tuổi, hãy đòi hỏi nếu bạn có quyền được sàng lọc chlamydia hàng năm.
- Gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của chlamydia hoặc một bệnh nhiễm trùng khác.
- Không quan hệ tình dục nếu bạn hoặc bạn tình có mủ bất thường ở cơ quan sinh dục, đau rát khi tiểu tiện, hoặc ngứa hoặc loét cơ quan sinh dục
TÔI CÓ THỂ LẤY THÊM THÔNG TIN Ở ĐÂU? Người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho bạn là nguồn thông tin tốt nhất cho những câu hỏi và những mối quan tâm xoay quanh vấn đề của bạn.
Ngô Thị Thủy
Cử nhân tiên tiến, Đại học Y Hà Nội