Làm gì khi trẻ bị nhẹ cân
Những nguyên nhân có thể khiến trẻ bị nhẹ cân?
- Trẻ sinh non, thiếu tháng
- Không ăn đủ lượng – Trẻ có thể gặp vấn đề trong việc bú, mút. Hoặc cha mẹ không cho bé ăn đủ lượng
- Gặp vấn đề về miệng, họng, dạ dày hoặc thậm chí vấn đề về tim mạch
- Thay đổi môi trường, căng thẳng trong gia đình
- Bị phân tán và không tập trung trong khi ăn
Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ tìm hiểu về thói quen ăn uống của trẻ để lập kế hoạch và chế độ ăn giúp trẻ tăng cân. Cha mẹ nên thông báo cho bác sĩ biết nếu trẻ có những vấn đề như: nôn trớ, tiêu chảy, không ăn một vài loại thực phẩm nhất định hay uống quá nhiều trong một ngày.
Hầu như các bé đều được điều trị nhẹ cân tại nhà bằng cách thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên một vài bé có thể cần nhập viện trong 1 thời gian ngắn để bác sĩ có thể theo dõi sát sao hơn.
Tôi có thể làm gì để giúp bé tăng cân?
Điều chỉnh thực đơn ăn uống - Bạn có thể cho trẻ ăn những thực phẩm giàu năng lượng, ví dụ như: pho mát, bơ, dầu thực vật, nước thịt, mayonnaise, kem chua (sour cream). Trẻ có thể bổ sung vitamin hằng ngày, việc tham khảo chuyên gia là cần thiết. Với bữa phụ, bạn có thể cho bé ăn pho mai, hoa quả...
Trong bữa ăn, hạn chế cho trẻ uống nước. Mỗi ngày, bạn chỉ nên cho bé uống nước hoa quả từ 120 đến 240 ml (từ nửa cốc đến đầy cốc thủy tinh). Hạn chế lượng nước ngọt có ga, thay vào đó hãy cho bé uống sữa tươi hoặc sữa bột.
Nếu bé nhà bạn chỉ thích ăn một vài món? Đừng quá lo lắng về việc thay đổi thực đơn, quan trọng là bé hấp thu đủ năng lượng và chất đạm.
Bạn có thể cắt nhỏ thực phẩm vừa nắm tay của trẻ, ví dụ chuối, đỗ xanh, khoai tây cắt miếng... Việc tự cầm thức ăn cho vào miệng có thể giúp bé ăn tốt hơn.
Điều chỉnh thời gian ăn uống – Trẻ muốn tăng cân cần được ăn nhiều bữa hơn trong ngày. Cha mẹ có thể cho trẻ ăn mỗi 3 – 4 giờ, với thực đơn 3 bữa chính + 3 bữa phụ một ngày. Nên tránh ăn bữa phụ ngay sau bữa chính. Cha mẹ hãy cố gắng tạo cho trẻ thói quen ăn uống đúng giờ giấc và duy trì đều đặn hằng ngày.
Trước bữa ăn khoảng 1 tiếng, cha mẹ không nên cho bé ăn hay uống (trừ nước lọc) để tạo sự đói bụng, thèm ăn cho trẻ. Trong mỗi bữa ăn nên cho bé ăn những loại thực phẩm bé thích, tạo không khí thoải mái, không nên quát nạt, mắng mỏ trẻ. Tuy nhiên bữa ăn cũng không nên kéo dài quá 20 phút (ở trẻ lớn).
Tập thói quen tự ăn cho trẻ ban đầu bằng cách cho trẻ cầm những miếng thức ăn nhỏ. Bạn có thể dùng 2 chiếc thìa, 1 để bón cho bé, 1 để cho bé tự cầm xúc. Việc bé làm bẩn người và vương vãi thức ăn là không tránh khỏi, hãy chuẩn bị báo cũ trải dưới chỗ ngồi, việc này sẽ giúp bạn dọn dẹp “chiến trường” dễ dàng hơn.
Thay đổi vị trí ngồi ăn – Việc thay đổi vị trí cho ăn đôi lúc cũng giúp bé ăn tốt hơn, ví dụ cho bé ngồi ăn chung với cả nhà. Việc ngồi ăn chung với bố mẹ, anh chị có thể giúp bé vui vẻ và học cách tự ăn nhanh hơn. Hạn chế tối đa việc làm trẻ xao nhãng, mất tập trung bằng ti vi, điện thoại.. đây là thói quen ăn uống rất không tốt. Khi trẻ đã đủ cứng cáp, bạn có thể đặt trẻ ngồi ăn ngay ngắn trong ghế tập, với bát thìa trước mặt.
Các phương pháp điều trị khác?
Một vài trường hợp trẻ có thể cần tới các biện pháp can thiệp hay vật lý trị liệu nếu nguyên nhân gây ra tình trạng nhẹ cân là do vấn đề y khoa.
Dù giúp bé tăng cân bằng phương pháp nào, cha mẹ cũng nên theo dõi cân nặng và sự phát triển của bé theo định kỳ.
(Biên dịch: Lê Thùy Linh – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến K1 – ĐH Y Hà Nội)