Những điều cần biết để chăm sóc trẻ sau tiêm phòng
Trẻ sốt sau tiêm phòng
Sau khi tiêm phòng trẻ rất hay bị sốt, sốt có thể xuất hiện vài giờ hoặc một ngày sau tiêm, thường trẻ sốt nhẹ, nhưng cũng có trường hợp trẻ sốt cao, quấy khóc, bỏ bú. Vậy khi trẻ sốt cha mẹ cần làm gì?
Đầu tiên cha mẹ cần cặp nhiệt độ xem trẻ sốt bao nhiêu độ, nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ thì chưa sử dụng thuốc mà hãy chú ý cho trẻ mặc quần áo rộng, thoải mái, nằm phòng thoáng, lau người cho trẻ bằng nước ấm các vị trí trán, cổ, nách, bẹn. Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ vẫn kết hợp các biện pháp như trên và cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ theo liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng tối thiểu sau 4 – 6 tiếng mới sử dụng lại, nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi nên hỏi ý kiến của bác sỹ rồi mới sử dụng thuốc. Khi trẻ sốt rất dễ mất nước nên nếu trẻ chỉ ăn sữa mẹ thì mẹ chú ý cho trẻ bú tăng cường, ngoài ra bổ sung nước cho trẻ bằng Orezol hoặc nước cháo muối, nếu trẻ đã ăn dặm thì chú ý cho trẻ ăn uống đa dang, lựa chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, chú ý giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ, tránh để trẻ nhiễm lạnh.
Tấy đỏ vị trí tiêm
Sau tiêm phòng trẻ cũng có thể bị sưng, đỏ vị trí tiêm, nhưng hiện tượng này hiếm gặp hơn sốt, khi đó cha mẹ có thể đắp những miếng gạc lạnh vào vị trí sưng đỏ, đắp 10-15 phút rồi dừng lại nghỉ một lúc rồi tiếp tục, nhưng nếu sưng tấy càng lan rộng thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Cha mẹ cũng cần chú ý khi trẻ tiêm phòng lao thì sau 3,4 tuần hoặc lâu hơn sẽ thấy nốt sưng nhỏ, sau 10-15 ngày sẽ có hiện tượng rò dịch rồi kín miệng làm vảy và tạo sẹo nhỏ thường gọi là chủng lao nên trong trường hợp này cha mẹ không cần lo lắng nhiều mà chú ý vệ sinh vùng da tránh vết loét bội nhiễm.
Cha mẹ cần lưu ý sau khi đưa trẻ đi tiêm về mà trẻ sốt cao, uống thuốc không hạ, co giật, bé phát ban, quấy khóc nhiều, tím tái thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
Tiêm phòng là việc làm rất cần thiết để chăm sóc cho sức khỏe của bé , vì thế mỗi bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đủ, đúng thời điểm và biết cách chăm sóc trẻ khi gặp những biến chứng sau tiêm.