Triệu chứng thấp khớp ở trẻ vị thành niên
Có một vài loại thấp khớp khác nhau, bao gồm:
- Viêm khớp hệ thống: Xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể tấn công các khớp, có thể gây ra sốt và phát ban. Trẻ từ 1 đến 16 tuổi có thể bị viêm khớp hệ thống, và phổ biến ở bé trai như bé gái.
- Viêm đa khớp: Viêm ít nhất ở 4 khớp và kéo dài trên 6 tháng, thường gặp ở bé gái hơn.
- Viêm thiểu khớp: Viêm ít hơn 5 khớp và kéo dài trên 6 tháng, đây là loại phổ biến nhất của thấp khớp vị thành niên, chiếm hơn một nửa trong số trẻ bị thấp khớp vị thành niên. Loại này phổ biến ở bé gái, và thường khởi phát từ 2-3 tuổi. Trẻ lớn hơn 10 tuổi thường hiếm gặp.
Các triệu chứng của thấp khớp vị thành niên bao gồm:
- Sốt: trẻ bị viêm khớp hệ thống thường bị sốt vào cùng một thời điểm hằng ngày từ 2 tuần hoặc kéo dài hơn. Hết sốt trong ngày nhưng tái lại vào cùng thời điểm trong ngày tiếp theo.
- Phát ban: Trẻ bị viêm khớp có thể bị phát ban, là những mảng đỏ nhỏ. Đặc biệt dễ nhận ra khi trẻ có sốt. Phát ban có thể biến mất khi hạ sốt, và xuất hiện khi sốt quay trở lại.
- Khớp sưng cứng đau: Có thể xảy ra ở khớp cổ tay, khủy tay, gối, mắt cá chân hoặc bàn tay, hông, phía trên lưng, hàm. Viêm khớp thường xảy ra ở cùng một khớp ở 2 bên cơ thể, chẳng hạn ở cả 2 khớp gối, 2 khớp cổ tay. Một vài trẻ có cứng và sưng khớp mà không bị đau. Chẳng hạn, trẻ có thể đi tập tễnh vào buổi sáng, và đi tốt hơn một lát sau đó.
Nếu con bạn bị sưng đau cứng khớp, việc gặp bác sỹ là vô cùng quan trọng.
Bác sỹ sẽ khám và hỏi về triệu chứng của trẻ. Có rất nhiều bệnh gây ra các triệu chứng tương tự như thấp khớp như nhiễm trùng, ung thư… Bác sỹ có thể chỉ định xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh đó. Một vài trẻ bị thấp khớp có thể bị “viêm màng bồ đào” – một bệnh về mắt. Thường thì “viêm màng bồ đào” không gây ra triệu chứng cho đến khi nó gây tổn thương mắt, do đó việc gặp bác sỹ mắt đối với trẻ bị thấp khớp là vô cùng quan trọng để kiểm tra tình trạng mắt.
Thấp khớp vị thành niên có thể điều trị bằng:
- Thuốc: Bác sỹ sử dụng một vài loại thuốc khác nhau để điều trị bệnh này ở trẻ, và có tác dụng giảm đau, cứng khớp, thậm chí là sốt, phát ban và các dấu hiệu khác. Những thuốc đó bao gồm thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (tên nhãn hiệu: Advil, Motrin) và naproxen (tên nhãn hiệu: Aleve). Một vài loại thuốc khác như thuốc dạng viên hoặc thuốc tiêm trực tiếp vào khớp.
Bác sỹ có thể khuyến cáo:
- Vật lý trị liệu, nếu viêm khớp gây ra các vấn đề về cơ.
- Thuốc để điều trị các vấn đề do viêm khớp gây ra như “viêm màng bồ đào”, vấn đề về phát triển thể chất.
- Phẫu thuật để giải quyết các vấn đề gây ra bởi viêm khớp, chẳng hạn một chân dài hơn chân còn lại.
Cấn Thị Hoa – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến khóa 1
Đại học Y Hà Nội