Đình sản nữ (phần 1)
Đình sản nữ có thể được tiến hành bằng nhiều cách, phụ thuộc vào nơi tiến hành (phòng khám hoặc phòng mổ) và thời điểm tiến hành (sau khi sinh hoặc không).
Nội soi ổ bụng được làm trong phòng mổ, ở mọi thời điểm trừ sau khi sinh. Bệnh nhân cần được gây mê toàn thân.
Mở thành bụng nhỏ được làm trong phòng mổ, sau sinh 1 đến 2 ngày. Có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê vùng.
Nội soi buồng tử cung có thể được làm ở phòng khám hoặc phòng mổ, tại mọi thời điểm trừ sau khi sinh. Thường chỉ cần gây tê vùng, đôi khi dùng thêm thuốc an thần.
2. Quyết định đình sản
Đây là một quyết định quan trọng, khi mà người phụ nữ và bạn tình/chồng của họ không muốn có con nữa. Người phụ nữ phải tình nguyện lựa chọn và không bị ép buộc bởi bất kì ai (gia đình, bạn tình/chồng, nhân viên y tế). Họ cần được biết về thủ thuật và lợi ích, nguy cơ cũng như các phương pháp tránh thai khác, đặc biệt là thắt ống dẫn tinh.
Bác sĩ cần cho bệnh nhân biết về thủ thuật, các lựa chọn gây mê/gây tê (gây mê toàn thân, gây tê vùng, gây tê tủy sống) và tỷ lệ có thai sau đình sản (bao gồm khả năng có thai ngoài tử cung – hay gặp ở vòi tử cung). Người phụ nữ có thể thay đổi quyết định bất cứ lúc nào trước khi đình sản.
Đình sản nữ được coi là biện pháp tránh thai không hồi phục, việc nối lại là một phẫu thuật lớn, không phải lúc nào cũng thành công, và hiếm khi được bảo hiểm chi trả.
a. Biện pháp tránh thai khác
Có nhiều lựa chọn khác thay cho đình sản nữ, như thắt ống dẫn tinh, biện pháp tránh thai dài hạn có hồi phục, dụng cụ tử cung và que cấy tránh thai, và các biện pháp tránh thai tạm thời (viên uống tránh thai/miếng dán tránh thai/vòng âm đạo, bao cao su, màng ngăn âm đạo, thuốc tiêm tránh thai.
b. Hối tiếc
Khoảng 2 – 20% phụ nữ cho biết họ hối tiếc vì đã đình sản. Yếu tố có liên quan nhiều nhất là tuổi dưới 30 khi quyết định đình sản. Người phụ nữ càng trẻ thì họ càng dễ hối tiếc vì quyết định của mình. Ngoài ra có những yếu tố khác như mối quan hệ có vấn đề khi quyết định đình sản, stress do những tai biến của thai nghén, và có mối quan hệ mới sau khi đình sản.
Vì những lí do này, phụ nữ dưới 30 tuổi, gần đây mới có thai và có tai biến sản khoa (thai chết lưu, tử vong sơ sinh) hoặc có khó khăn trong mối quan hệ nên nghĩ tới những biện pháp tránh thai khác. Bác sĩ sẽ đề nghị họ nên trì hoãn việc đình sản cho đến khi người phụ nữ chắc chắn với quyết định của mình, hiểu rõ những lợi ích và nguy cơ, cũng như các lựa chọn tránh thai vĩnh viễn khác. Trong thời gian trì hoãn, họ nên sử dụng biện pháp tránh thai dài hạn có hồi phục (như dụng cụ tử cung hoặc thuốc cấy tránh thai). Những biện pháp này có hiệu quả tránh thai tương đương đình sản nhưng họ có thể lấy dụng cụ hoặc thuốc cấy ra nếu người phụ nữ muốn có con.
c. Thời điểm đình sản
Thủ thuật có thể được làm vào bất cứ thời điểm nào, nhưng được làm sau khi sạch kinh sẽ giảm nguy cơ có thai trước khi đình sản.
Đình sản cũng có thể được tiến hành sau sinh, sau sẩy thai, hoặc kết hợp với các phẫu thuật khác (như cắt túi mật). Trong những trường hợp này, tốt nhất là ngay sau khi sinh hoặc trong vòng 24 giờ sau sinh (mặc dù có thể được làm trong vòng 7 ngày) vì giảm nguy cơ có thai trong khi đình sản.
d. Tránh thai trước và sau khi đình sản
Một số biện pháp tránh thai (như bao cao su, màng ngăn âm đạo, viên thuốc tránh thai,…) nên được sử dụng trước khi đình sản để giảm nguy cơ có thai. Việc đình sản ngay sau khi sinh, sau sẩy thai, trong khi có kinh nhằm mục đích giảm nguy cơ có thai tại thời điểm làm thủ thuật.
Đình sản nữ có hiệu quả tránh thai cao nhưng không phòng được các bệnh lây qua đường tình dục. Chỉ có bao cao su mới có cả 2 tác dụng này, đặc biệt với phụ nữ có nhiều bạn tình hoặc bạn tình của họ có nhiều bạn tình.