Những sai lầm phụ nữ thường mắc
1. Vệ sinh cơ quan sinh dục quá đáng
Theo tiến sĩ Patricia Sulak, giáo sư sản - phụ khoa tại Đại học Y khoa A&M, bang Texas, Mỹ, âm đạo của phụ nữ có chứa nhiều vi khuẩn có ích. Những vi sinh vật này có khả năng ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh, khiến cho khu vực này luôn tự làm sạch một cách tự nhiên. Nếu vệ sinh cơ quan sinh dục một cách quá đáng bằng xà phòng, dung dịch tẩy rửa không phù hợp, phấn hay sản phẩm có mùi thơm thì rất dễ làm lớp da nhạy cảm của âm đạo bị sưng đỏ, đau rát. Nếu có thì chỉ nên sử dụng một chất tẩy rửa dịu nhẹ, không mùi để vệ sinh.
2. Uống nhiều loại thuốc không cần đơn bác sĩ trong thời gian mang thai
Phụ nữ trong khi mang thai có thể sử dụng nhiều loại thuốc không cần tới đơn của bác sĩ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là không cần sự tư vấn của bác sĩ. Những loại thuốc thông thường như Tylenol (Paracetamol), thuốc kháng Histamine (chữa dị ứng), thuốc tiêu hóa, thuốc trị tiêu chảy và những rối loạn ở dạ dày đều có thể sử dụng khi mang thai, chỉ cần có sự ưng thuận của thầy thuốc. Tuy nhiên như Aspirin thì có thể ảnh hưởng tới thời gian mang thai, hay Ibuprofen có thể ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển hệ tuần hoàn của bào thai. Vì vậy sự tư vấn của bác sĩ là cần thiết.
3. Không thắc mắc về kết quả chụp tia X vú
Nếu bạn có cảm giác có một cục thịt nhỏ trong ngực mà sau khi chụp tia X bác sĩ không nói gì về vấn đề đó thì cần phải yêu cầu làm thêm xét nghiệm chứ không nên tin vào kết quả. Hàng năm có gần 10.000 người bị ung thư vú đã phải trải qua thời gian chẩn đoán kéo dài, vì ngay từ đầu các bác sĩ không chẩn đoán những tảng nhỏ trong ngực của bệnh nhân là dấu hiệu của bệnh ung thư vú.
4. Không để tâm đến những biến đổi của dịch tiết ra lúc hành kinh
Khi phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, trung bình lượng máu chiếm 36% trong chất dịch tiết ra. Nếu có những thay đổi nhỏ xảy ra như kỳ kinh ngắn hơn hay chất dịch đậm đặc hơn chút ít so với bình thường thì không sao, vì đó có thể là hậu quả của việc di chuyển nhiều hay chế độ dinh dưỡng hàng ngày tạo ra. Nhưng nếu chất dịch rất khác so với những lần trước như quá đậm đặc hay quá loãng và hiện tượng này diễn ra hơn một lần kinh nguyệt thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay. Đó có thể là dấu hiệu của sự mang thai hay viêm màng trong tử cung.
5. Có suy nghĩ thể trọng không ảnh hưởng tới sức khỏe tình dục
Trên thực tế, phụ nữ quá gầy có thể không có kinh nguyệt hoặc kinh nguyệt không đều. Trong khi đó, cơ thể nhiều chất béo quá sẽ sinh ra nhiều hormone estrogen, dễ dẫn đến nguy cơ bị ung thư tử cung và ung thư vú.
Ngoài ra, những phụ nữ béo phì sử dụng thuốc ngừa thai sẽ có nhiều nguy cơ bị “vỡ kế hoạch” (mang thai), vì lượng estrogen thái quá do các tế bào mỡ sản sinh có thể làm biến đổi cơ chế chuyển hóa của hormone trong thuốc ngừa thai. Các kết quả nghiên cứu còn cho thấy trẻ sinh ra từ những người mẹ béo phì khi mang thai có nguy cơ chết non gấp đôi những đứa trẻ sơ sinh có mẹ bình thường về thể trọng.
6. Tin rằng thuốc ngừa thai làm tăng nguy cơ ung thư vú
Theo một nghiên cứu do Đại học John Hopkins (Mỹ) tiến hành, thì trong 10.000 phụ nữ dù dùng thuốc ngừa thai dạng nào, trong thời gian bao lâu đều không có tác động hay ảnh hưởng gì tới nguy cơ bị ung thư vú.