Những vacxin nào an toàn cho phụ nữ có thai?
Tại sao tôi lại phải tiêm vacxin? Việc tiêm chủng vacxin giúp bạn phòng được một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Việc tiêm vacxin ngay cả khi bạn không có thai cũng rất quan trọng. Còn nếu bạn đang mang thai và bị một bệnh nhiễm trùng nào đó, thì bạn có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Tiêm vacxin cũng có thể giúp phòng bệnh cho thai nhi.
Những điều cần biết về vacxin nếu tôi có ý định mang thai là gì? Nếu bạn có ý định mang thai, hãy đảm bảo rằng bạn được tiêm vacxin đúng thời điểm. Điều này có nghĩa là bạn phải được tiêm tất cả các loại vacxin mà bác sĩ khuyến cáo. Nếu bạn không dám chắc là mình đã được tiêm tất cả các loại vacxin, bác sĩ có thể sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra.
Một điều đặc biệt quan trọng là, tất cả phụ nữ cần phải được tiêm vacxin sởi, quai bị, rubella, và thủy đậu trước khi mang thai. Đó là vì những loại vacxin này không thể tiêm được cho phụ nữ có thai. Nếu những người chưa được tiêm phòng mà bị mắc những bệnh nhiễm trùng này trong khi mang thai, họ có thể sẽ gặp vấn đề về sức khỏe. Những vấn đề này có thể bao gồm:
- Thai nhi bị dị tật bẩm sinh
- Sinh quá sớm
- Sẩy thai
- Lây truyền bệnh nhiễm trùng sang cho thai nhi
Những người chưa tiêm vacxin phòng sởi, quai bị, rubella, và thủy đậu nên được tiêm ít nhất là 1 tháng trước khi mang thai.
Ngoải ra, vacxin HPV cũng là một loại vacxin quan trọng mà người phụ nữ cần được tiêm trước khi mang thai vì đây cũng là một loại vacxin không thể dùng cho phụ nữ có thai.
Nếu tôi đã từng bị thủy đậu thì tôi có cần phải tiêm vacxin thủy đậu nữa không? Không. Nếu bạn đã từng bị thủy đậu trước đó, thì bạn không cần phải tiêm vacxin vì những người đã từng bị thủy đậu sẽ không thể bị bệnh lại lần nữa.
Những vacxin nào là an toàn cho phụ nữ có thai? Một số loại vacxin an toàn cho phụ nữ có thai, những vacxin này có tác dụng phòng bệnh:
- Cúm: tất cả những người trưởng thành nên tiêm vacxin cúm hàng năm. Nhưng việc tiêm vacxin cúm cho phụ nữ có thai cũng đặc biệt quan trọng. Đó là vì phụ nữ có thai có xu hướng bị cúm nặng hơn những người khác, và vacxin cúm có thể giúp họ phòng được bệnh. Nó cũng có thể giúp đứa trẻ phòng được cúm trong vài tháng đầu đời.
- Bạch hầu, ho gà, uốn ván: uốn ván làm cho cơ hoạt động một cách bất thường. Bạch hầu có thể gây ra một lớp màng dày ở trọng họng và gây ra các vấn đề về hô hấp. Ho gà có thể gây ra ho nặng. Tất cả phụ nữ mang thai nên được tiêm vacxin bạch hầu, ho gà, uốn ván vào tuần từ 27 đến 36 của thai kỳ, kể cả khi họ đã tiêm trước đó.
- Một số người sẽ được tiêm một số loại vacxin khác trong khi mang thai. Ví dụ, họ cần phải tiêm một số vacxin nào đó nếu họ có các vấn đề sức khỏe khác hoặc có kế hoạch đi đến một đất nước khác.
Tôi cần phải tiêm bao nhiêu liều vacxin? Mỗi loại vacxin đều hoạt động khác nhau. Một số loại có tác dụng chỉ sau 1 liều, trong khi những loại khác lại cần 2 liều hoặc nhiều hơn thì mới có tác dụng. Hầu hết các loại vacxin cần vài tuần để đi vào hoạt động.
Vacxin có thể gây ra những tác dụng phụ gì? Thông thường, vacxin không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên những tác dụng phụ có thể xảy ra là:
- Tấy đỏ, sưng nhẹ, hoặc đau nhức ở vị trí tiêm
- Sốt nhẹ
- Phát ban nhẹ
- Đau đầu hoặc đau người
Đôi khi vacxin cũng gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng hơn, ví dụ phản ứng dị ứng nặng, nhưng tác dụng phụ này lại rất hiếm gặp.
Điều gì xảy ra nếu tôi bị dị ứng với trứng? Nếu bạn bị dị ứng với trứng, hãy nói cho bác sĩ hoặc điều dưỡng biết. Vì để đảm bảo chất lượng của vacxin mà một số loại có chứa trứng ở trong đó. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ nói cho bạn biết vacxin nào là an toàn cho bạn.
Điều gì xảy ra nếu tôi có thai mà chưa từng được tiêm vacxin sởi, quai bị, rubella, hoặc thủy đậu? Nếu bạn có thai và chưa từng được tiêm những vacxin kể trên và cũng chưa từng bị những bệnh nhiễm trùng này, thì bạn nên tránh tiếp xúc với những người bị những bệnh nhiễm trùng đó.
Nếu bạn thấy ai đó xung quanh mình bị thủy đậu, hãy gọi cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ có thể sẽ kê thuốc cho bạn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thủy Ngô
Cử nhân tiên tiến, Đại học Y Hà Nội