Triệu chứng chửa ngoài tử cung cần đề phòng
Chửa ngoài tử cung là gì? Chửa ngoài tử cung là khi phôi thai nằm ở sai vị trí trong cơ thể người phụ nữ, bên ngoài tử cung. Chửa ngoài tử cung là một tình trạng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng.
Sự mang thai bắt đầu khi một trứng của người phụ nữ kết hợp với một tinh trùng của người đàn ông. Những tế bào này lớn lên thành một nhóm tế bào lớn hơn, gọi là “phôi thai”. Bình thường, phôi thai sẽ bám vào niêm mạc tử cung; sau đó phát triển thành đứa trẻ.
Ảnh minh họa: Quá trình thụ thai diễn ra trong cơ thể người phụ nữ
Để thụ thai (theo cách truyền thống), người phụ nữ phải quan hệ tình dục với người đàn ông trong khoảng thời gian rụng trứng (rụng trứng là khi một trứng được giải phóng ra từ buồng trứng). Sau đó, những bước tiếp theo sẽ xảy ra:
- Tinh trùng của người đàn ông bơi lên âm đạo, đi vào tử cung, và đi lên ống dẫn trứng.
- Khi tinh trùng gặp trứng, phải có ít nhất một tinh trùng đi qua được lớp vỏ ngoài của trứng và đi vào bên trong, quá trình này được gọi là “sự thụ tinh”
- Trứng mới được thụ tinh phải đi xuống tử cung
- Trứng đã được thụ tinh sẽ tự bám chặt vào thành tử cung, đó chính là “sự làm tổ”
Trong chửa ngoài tử cung, một trứng của người phụ nữ cũng kết hợp với một tinh trùng của người đàn ông và hình thành nên một phôi thai. Nhưng phôi thai này không bám vào niêm mạc tử cung, mà thay vào đó nó bám vào một vị trí sai lệch trong cơ thể và bắt đầu lớn dần lên. Mặc dù phôi thai có thể lớn lên nhưng nó không thể phát triển thành một đứa bé. Khi kích thước của phôi thai to dần lên nó có thể gây đau, chảy máu và có thể gây ra các vấn đề khác. Một số trong những biến chứng đó có thể đe dọa tính mạng.
Phần lớn các trường hợp chửa ngoài tử cung, phôi thai làm tổ ở lớp niêm mạc của một ống dẫn trứng (ống dẫn trứng là ống nối buồng trứng với tử cung), trường hợp này còn được gọi là “thai ở vòi trứng”. Trong một số ít trường hợp, phôi thai cũng có thể bám vào cổ tử cung, buồng trứng, hoặc trong ổ bụng.
Một số phụ nữ có khả năng có chửa ngoài tử cung cao hơn người khác; cụ thể là:
- Ống dẫn trứng bất thường hoặc bị tổn thương, ví dụ như đã từng bị nhiễm trùng hoặc phẫu thuật.
- Đã từng có chửa ngoài tử cung
- Đang dùng một số biện pháp điều trị để giúp thụ thai
- Hút thuốc
Những người sử dụng dụng cụ tử cung để tránh thai có ít nguy cơ bị chửa ngoài tử cung hơn những người khác. Nhưng nếu người phụ nữ đang sử dụng dụng cụ tử cung mà có thai thì sẽ có nguy cơ cao bị chửa ngoài tử cung.
Những triệu chứng của chửa ngoài tử cung là gì? Không phải lúc nào những người có chửa ngoài tử cung cũng có biểu hiện ở giai đoạn sớm như:
- Đau bụng dưới
- Chảy máu âm đạo (chảy máu có thể nhiều hoặc ít, hoặc thậm chỉ là đốm máu hoặc đốm nâu ở đáy quần lót)
Một số người hoàn toàn không hề có biểu hiện gì cho đến khi chửa ngoài tử cung gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn. Ví dụ, chửa ngoài tử cung phát triển trong ống dẫn trứng có thể gây ra vỡ ống dẫn trứng. Nếu điều này xảy ra, những triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau nặng ở vùng bụng dưới
- Chảy nhiều máu từ âm đạo
- Ngất, hoặc cảm thấy choáng.
Nếu bạn đang mang thai và có bất cứ triệu chứng nào kể trên, hãy đến phòng cấp cứu sớm nhất có thể.
Có xét nghiệm nào để kiểm tra chửa ngoài tử cung không? Để kiểm tra xem bạn có chửa ngoài tử cung hay không, bác sĩ có thể làm:
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone hCG. Xét nghiệm này kiểm tra khi bạn mang thai và lượng hCG mà thai sản xuất ra.
- Test chẩn đoán hình ảnh là siêu âm để nhìn phôi thai bên trong cơ thể bạn.
Đôi khi, kết quả xét nghiệm chỉ ra kết quả ngay sau đó. Còn trong những trường hợp khác, các bác sĩ cần phải làm lại các xét nghiệm sau mỗi vài ngày để biết chắc rằng bạn có chửa ngoài tử cung hay không.
Chửa ngoài tử cung được điều trị như thế nào? Bác sĩ có thể điều trị chửa ngoài tử cung theo 2 cách, tùy thuộc vào kích thước của phôi, triệu chứng của người mang thai và các yếu tố khác. Cả 2 biện pháp điều trị đều nhằm mục đích loại bỏ phôi thai ra khỏi cơ thể, cụ thể là:
- Điều trị bằng thuốc: bác sĩ có thể kê cho bạn một liều thuốc tiêm. Loại thuốc này sẽ làm dừng sự phát triển của phôi thai và làm cho nó bị phân hủy. Những người được điều trị bằng phương pháp này cần phải làm các xét nghiệm máu tiếp theo trong vài tuần sau đó để chắc chắn biện pháp này có hiệu quả.
- Điều trị bằng phẫu thuật: bác sĩ có thể làm phẫu thuật để loại bỏ phôi thai, trong đó có thể cần hoặc không cần phải cắt ống dẫn trứng.
Chửa ngoài tử cung có thể phòng được không? Phần lớn những trường hợp chửa ngoài tử cung không thể phòng được. Nhưng những người bị nhiễm các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ có nguy cơ bị chửa ngoài tử cung cao hơn. Để làm giảm nguy cơ mặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bạn nên sử dụng bao cao su khi quan hệ.
Tôi có thể mang thai trở lại được không? Hầu hết các trường hợp đều có thể mang thai bình thường sau khi chửa ngoài tử cung. Nhưng hãy cho bác sĩ biết nếu bạn muốn mang thai trở lại. Bằng cách này bác sĩ có thể theo dõi quá trình mang thai của bạn để chắc chắn mọi thứ đều bình thường.
Thủy Ngô
Cử nhân tiên tiến, Đại học Y Hà Nội