Điều trị cảm lạnh, sốt và cúm ở trẻ em
Cảm lạnh ở trẻ em có thể bắt đầu với tình trạng hắt hơi, ho, đau nhức nhẹ, hay đau bụng dai dẳng.
Cách thức giảm sốt
Theo các bác sĩ nhi khoa, nếu thân nhiệt của trẻ cao hơn 38 độ C thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, sốt trên 38 độ C từ ba ngày trở lên, chưa được chủng ngừa bệnh cúm và có các triệu chứng khác thì cần phải gọi bác sĩ ngay.
Nếu không thuộc trường hợp trên thì có thể cho trẻ dùng ibuprofen hoặc acetaminophen dành cho trẻ em để hạ sốt và giảm đau. Không nên dùng aspirin cho trẻ em vì aspirin làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye, một căn bệnh nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, làm tổn thương não và gan.
Ngoài ra, dưới đây là một số cách giảm sốt cho trẻ.
- Cho trẻ tắm nước ấm.
- Không bôi rượu, chườm nước lạnh hay nước đá.
- Không nên đắp quá nhiều chăn mền cho trẻ, mà nên để trẻ mặc quần áo nhẹ và nghỉ ngơi ở nhiệt độ phù hợp.
- Theo dõi các triệu chứng mất nước.
Khi nào thì nên gọi bác sĩ nhi khoa
Nếu trẻ bị sốt cao hoặc mất nước, bạn cần gọi bác sĩ ngay. Ngoài ra, hãy cho trẻ đi khám bệnh nếu:
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi, và bạn nghi ngờ rằng bé bị cúm;
- Trẻ dưới 12 tháng tuổi và không đi tiểu hoặc uống nước thường xuyên;
- Trẻ có nước mũi màu xanh hoặc màu vàng;
- Trẻ đã bị sốt từ ba ngày trở lên.
Hãy đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu nếu bé khó thở, có vẻ rất đau, không chịu ăn uống, phát ban hoặc nếu bạn thấy lo lắng.
Ăn uống để điều trị cảm lạnh
Một số nghiên cứu cho thấy ăn canh gà hầm có thể giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe và tăng cường hydrat hóa. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều chất lỏng như sữa, nước và dung dịch điện giải như Pedialyte hoặc Gatorade.
Các biện pháp điều trị tại nhà khác
Có thể cho trẻ hít hơi từ vòi nước nóng hoặc dùng nước xịt mũi dạng phun sương để giảm nghẹt mũi. Nếu trẻ trên 2 tuổi, bạn có thể dùng dầu xoa ngực bạc hà để làm lỏng đờm cho trẻ dễ khạc ra hơn. Sau khi trẻ hết bị sổ mũi, bạn có thể bôi va-zơ-lin dưới mũi để làm dịu hiện tượng khô da.
Làm cách nào để giảm ho và đau họng?
Cảm lạnh thường là thủ phạm gây ra những cơn đau họng kéo dài khoảng 4-5 ngày. Dưới đây là một số phương thức giảm đau họng cho trẻ em.
- Trẻ em trên 1 tuổi: Uống 1 muỗng cà phê mật ong để giảm ho.
- Trẻ em trên 2 tuổi: Pha nước ấm với 1/2 muỗng cà phê mật ong và chanh.
- Trẻ em từ 6 tuổi trở lên: có thể dùng kẹo ngậm giảm ho và súc miệng bằng nước muối.
Viêm họng do nhiễm liên cầu khuẩn thường phát triển rất nhanh và không đi cùng với các triệu chứng cảm lạnh khác. Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn, bạn nên đưa con đến bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa lớn để làm xét nghiệm.
Cân nhắc khi cho trẻ uống thuốc ho hoặc cảm lạnh
Nếu trẻ dưới 4 tuổi thì không nên dùng thuốc ho hoặc thuốc không kê toa, mà chỉ nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Các loại thuốc không kê toa hầu như không có tác dụng ở trẻ mới biết đi và có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Thay vì dùng thuốc không kê toa, bạn nên cho trẻ uống nhiều chất lỏng để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Ngoài ra, nên dùng dụng cụ hút mũi và máy tạo ẩm để cải thiện sức khỏe cho bé.
Nên thận trọng với các loại thuốc có tác dụng giảm nhiều triệu chứng cùng một lúc (như sốt, ho, sổ mũi …). Bạn chỉ nên dùng các loại thuốc điều trị đúng các triệu chứng của trẻ. Điều này có nghĩa là bạn chỉ nên dùng các loại thuốc không kê toa điều trị nhiều triệu chứng nếu trẻ có tất cả những triệu chứng như vậy.
Để tránh dùng thuốc quá liều, hãy đọc kỹ và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp với trọng lượng và tuổi của trẻ. Hãy dùng dụng cụ đo lường thuốc, nếu có. Ngoài ra, cần lưu ý là các tên thuốc khác nhau có thể có cùng một hoạt chất. Ví dụ: acetaminophen/paracetamol là hoạt chất chính của Tylenol, Paradol, và Efferalgan. Hãy xem kỹ các thành phần của thuốc để tránh nguy cơ quá liều. Cũng đừng quên đọc phần "Cảnh báo" để hiểu các phản ứng phụ và tương tác thuốc.
Thuốc thông mũi, thuốc long đàm và thuốc chống ho
Thuốc thông mũi làm giảm sưng khoang mũi, giúp trẻ bớt đau. Có thuốc xịt mũi, nhỏ mũi, và thuốc uống. Không nên dùng thuốc xịt mũi hay nhỏ mũi quá 2-3 ngày liên tục.
Thuốc long đàm giúp làm loãng dịch mũi, khiến trẻ dễ ho hơn. Để thuốc hoạt động hiệu quả, cần cho trẻ uống nhiều nước.
Thuốc chống ho không có tác dụng loại trừ dịch nhầy. Vì vậy, nó không thể triệt tiêu nguyên nhân gây ho.
Có nên đánh thức trẻ khi đến giờ uống thuốc?
Một trong những phương pháp chữa cảm lạnh phổ biến tốt nhất là nghỉ ngơi. Vì vậy, hãy để trẻ ngủ thoải mái và bỏ qua một liều thuốc không kê toa nếu cần. Hãy cho trẻ uống đúng liều khi tỉnh giấc.
Nếu trẻ không hết bệnh sau khi dùng thuốc không kê toa liên tục 4 ngày thì bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ.
Có nên cho trẻ uống thêm liều khác nếu nôn ra?
Nếu không dung nạp được thuốc, trẻ sẽ nhổ ra hoặc nôn ra. Sự lo lắng có thể khiến bạn muốn cho con uống đủ một liều khác. Tuy nhiên, đừng làm như vậy vì một số loại thuốc có thể đã được hấp thu, và bạn có thể khiến trẻ bị ngộ độc thuốc.
Tốt nhất là nên tham vấn bác sĩ nhi khoa nếu bạn gặp tình huống này. Nếu con bạn nhổ ra vì không thích uống thuốc, thì nên hỏi dược sĩ xem bạn có thể trộn thuốc với một chút đồ ăn hoặc thức uống được không.
Có nên cho trẻ uống một nửa liều dành cho người lớn?
Đừng bao giờ làm như vậy. Bạn chỉ nên dùng thuốc có ghi rõ là “dùng cho trẻ em”.