7 cách phòng ngừa đột quỵ hiệu quả
1. Hạ huyết áp
Cao huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ. Người mắc cao huyết áp có nguy cơ đột quỵ lớn gấp 4 lần so với người bình thường. Vì vậy, chúng ta nên giữ huyết áp ở mức dưới 120/80 hay một mức phù hợp với cơ địa của mình, chẳng hạn như 140/90. Nếu cần, hãy dùng thuốc giảm huyết áp.
2. Giảm cân
Béo phì và các hệ quả như cao huyết áp và tiểu đường làm tăng nguy cơ đột quỵ. Chỉ cần giảm khoảng 5 kg là bạn đã có thể giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ trong tương lai. Với người Việt Nam, tốt nhất là nên duy trì chỉ số cơ thể (BMI) ở mức 23 hoặc thấp hơn.
3. Uống bia rượu một cách điều độ
Sử dụng một chút cồn mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Các nghiên cứu cho thấy những người uống một ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thấp hơn người bình thường. Bạn nên chọn rượu vang đỏ vì có chứa resveratrol, có lợi cho tim và não. Tuy nhiên, nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên rất cao nếu bạn uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày. Vì thế, mỗi ngày bạn chỉ nên dùng 150 ml rượu vang hoặc 1 lon bia 330ml hay 45 ml rượu mạnh.
4. Điều trị rung nhĩ (atrial fibrillation)
Rung nhĩ là một dạng nhịp tim bất thường, gây ra cục máu đông trong tim. Những cục máu đông sau đó có thể đi đến não, gây đột quỵ. Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ lên gần 5 lần. Vì thế, nếu bạn có các triệu chứng như đau tim hoặc thở hổn hển, hãy đi khám ngay.
5. Điều trị đái tháo đường
Đường máu cao dần dần làm hỏng các mạch máu, khiến cho cục máu đông dễ hình thành hơn. Vì vậy, bạn nên theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách ăn kiêng, tập thể dục và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Không hút thuốc lá
Hút thuốc làm gia tăng sự hình thành cục máu đông vì khiến máu trở nên đặc hơn và tăng số lượng mảng bám tích tụ trong động mạch. Hãy bỏ thuốc và sử dụng các biện pháp hỗ trợ bỏ hút thuốc như kẹo hoặc miếng dán nicotine, nếu cần. Hầu hết người hút thuốc đều phải cố gắng vài lần mới bỏ được thuốc lá. Vì vậy, đừng bỏ cuộc vì mỗi lần nỗ lực sẽ đưa bạn đến gần hơn với thành công.
7. Thay đổi thói quen sinh hoạt
- Không dùng quá 1.500 mi-li-gam muối (khoảng một nửa muỗng cà phê) mỗi ngày.
- Tránh các thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem.
- Ăn 4-5 loại trái cây và rau củ mỗi ngày, ăn cá 2-3 lần một tuần và dùng ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo vài lần trong ngày.
- Không nạp quá 1.500 đến 2.000 calo một ngày (tùy theo mức độ hoạt động và BMI hiện tại của bạn).
- Sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy khi có thể.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, ở cường độ vừa phải. Bạn có thể chơi các môn thể thao như đi bộ, cầu lông, tennis, bơi lội. Khi tập thể dục, hãy vận động đến mức nhịp tim tăng khiến bạn có cảm giác thở khó, nhưng vẫn có thể nói chuyện.