Phòng ngừa và điều trị viêm gan siêu vi C
Phương thức lây nhiễm vi rút viêm gan C
Việc lây nhiễm vi rút viêm gan C là do tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Khoảng 6% dân số Việt Nam hiện đang bị nhiễm vi rút viêm gan C nhưng nhiều người không biết là mình đã bị nhiễm vi rút này vì có thể 10-30 năm sau bệnh mới phát ra. Do đó, họ có thể vô tình lây truyền vi rút viêm gan C cho người khác khi dùng chung kim tiêm hay quan hệ tình dục không an toàn.
Khoảng 5% trẻ em có mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan C bị lây nhiễm khi bú sữa mẹ do nhũ hoa bị nứt và chảy máu. Tuy nhiên, khoảng 40% trong số này có khả năng tự khỏi trước 2 tuổi.
Triệu chứng viêm gan C
Khoảng 20% - 30% bệnh nhân có triệu chứng viêm gan C cấp tính trong vòng 6 tháng (thường là sau 6-7 tuần) kể khi nhiễm vi rút viêm gan C, với các biểu hiện như: sốt, mệt mỏi, đau bụng, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau khớp, nước tiểu sẫm màu, phân màu xám, vàng da và vàng mắt … Sau đó, một số người sẽ không còn vi rút nữa, trong khi 75% - 85% sẽ phát triển bệnh viêm gan C mạn tính với các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, chai gan và ung thư gan.
Xét nghiệm viêm gan C
Có thể chẩn đoán viêm gan C bằng một số xét nghiệm máu. Đầu tiên là xét nghiệm tìm kháng thể viêm gan C (anti-HCV). Nếu kết quả dương tính thì có nghĩa là bệnh nhân đã hoặc đang bị nhiễm siêu vi C. Khi đó, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm tìm RNA HCV trong máu để kiểm tra xem bệnh nhân hiện có đang bị viêm gan C hay không và xét nghiệm để đo lượng vi rút trong cơ thể.
Nếu xác định bệnh nhân đã bị viêm gan C, bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm sinh thiết gan để đánh giá mức độ tổn thương gan. Có nhiều chủng virut viêm gan C khác nhau nên cũng cần thực hiện xét nghiệm xác định kiểu gen vi rút (genotype) để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Ai nên làm xét nghiệm viêm gan C?
- Những người đang hoặc đã từng tiêm chích ma túy.
- Nhân viên y tế có tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể.
- Những người có quan hệ tình dục với người bị nhiễm viêm gan siêu vi C mạn tính.
- Những người đã sử dụng máy lọc máu trong một thời gian dài.
- Những người đã từng được truyền máu hoặc ghép tạng trước tháng 07/1992
- Người nhiễm HIV
- Người từ 50 tuổi trở lên
Điều trị viêm gan C
Nếu bị nhiễm vi rút viêm gan C thì bạn nên tiêm vắc xin viêm gan A và B để dự phòng đồng nhiễm từ các vi rút này đồng thời theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm bệnh gan mạn tính và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ.
Có thể điều trị viêm gan C mạn tính, nhưng chi phí mua thuốc khá cao. Quá trình điều trị phụ thuộc vào tình trạng cấp tính hay mạn tính, chủng (kiểu gen) của vi rút, lượng vi rút trong cơ thể, mức độ tổn thương gan, và mức độ đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân. Vì thế, phác đồ điều trị viêm gan C cho mỗi bệnh nhân là khác nhau. Sau khi ngừng điều trị 6 tháng, nếu xét nghiệm máu không tìm thấy vi rút viêm gan C thì bệnh nhân được xem là đã khỏi bệnh.
Phòng tránh lây nhiễm vi rút viêm gan C
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu hay bơm kim tiêm với người khác.
- Tránh xăm mình, xỏ khoen, hay châm cứu bằng các dụng cụ bị nhiễm bẩn.
- Nếu bạn đã bị nhiễm vi rút viêm gan C thì không được hiến máu, tinh trùng hay hiến tạng và tránh cho con bú sữa mẹ khi nhũ hoa bị nứt nẻ hay chảy máu.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.