Tiền sử gia đình và ung thư vú
Xác định nguy cơ ung thư vú theo quan hệ huyết thống
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, nếu một phụ nữ có người thân bị ung thư vú nằm trong nhóm cận huyết “bậc 1”, như mẹ hoặc chị, em gái, thì nguy cơ họ cũng sẽ bị ung thư vú là khoảng 30%. Nếu người thân đó bị ung thư ở cả hai vú thì nguy cơ sẽ tăng lên 36%. Nếu người thân bị ung thư vú nằm trong nhóm cận huyết "bậc 2" (bà, cô hay cháu gái), thì tỉ lệ rủi ro khoảng 22%. Còn nếu người thân bị ung thư vú nằm trong nhóm cận huyết "bậc 3" (chị em họ, cụ ngoại hoặc bà dì) thì nguy cơ là 16%.
Tuy nhiên, tiền sử gia đình không chắc sẽ dẫn đến ung thư vú. Các chuyên gia ước tính chỉ có 5% đến 10% trường hợp ung thư vú là do di truyền. Ngoài ra, dường như không có mối liên hệ chặt chẽ giữa đột biến gen và khả năng gia tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Sàng lọc bệnh sớm nếu có tiền sử gia đình bị ung thư vú
Hầu hết phụ nữ dưới 35 tuổi đều không tầm soát ung thư vú khi khám sức khỏe hàng năm. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư vú, các chuyên gia khuyên họ nên bắt đầu tầm soát ung thư vú từ năm 25 tuổi.
Trung tâm Ung thư Sloan-Kettering khuyến cáo rằng nếu có người thân bị ung thư vú nằm trong nhóm cận huyết “bậc 1” thì phụ nữ nên bắt đầu chụp nhũ ảnh hàng năm trước 10 năm so với tuổi của người thân trẻ nhất khi bị phát hiện ung thư vú. Ví dụ, nếu người mẹ bị phát hiện bị ung thư vú ở tuổi 42, thì người con gái nên bắt đầu chụp nhũ ảnh hàng năm từ tuổi 32. Đối với những phụ nữ trong nhóm nguy cơ này, các chuyên gia cũng khuyên họ nên khám vú ở cơ sở y tế ít nhất hai lần mỗi năm và tự kiểm tra vú hàng tháng, bắt đầu từ tuổi 20.
Hiện vẫn có một số tranh luận về vai trò của việc chụp cộng hưởng từ (MRI) trong tầm soát ung thư vú. Một số nghiên cứu cho thấy chụp MRI hiệu quả hơn các kỹ thuật chẩn đoán khác và các bác sĩ ở Sloan Kettering khuyên phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú nên chụp cả MRI và nhũ ảnh hàng năm. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào cho thấy có mối tương quan giữa việc chụp MRI với khả năng giảm tử vong do ung thư vú.
Phòng ngừa ung thư vú
Nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá và chế độ ăn uống giàu chất béo sẽ làm gia tăng nguy cơ ung thư. Vì vậy, lối sống lành mạnh đặc biệt quan trọng đối với người có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Phòng ngừa bằng thuốc, vitamin theo chỉ định của bác sĩ là một biện pháp khác. Một số loại thuốc dùng để ngăn chặn bệnh tái phát cũng được kê toa cho những phụ nữ muốn phòng tránh ung thư vú, nhưng chỉ dành cho những người trên 35 tuổi. Các thuốc này ngăn chặn hoạt động của hoocmon nữ estrogen, được cho là kích thích một số loại ung thư. Nhưng điều đó có nghĩa là những loại thuốc này cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vì vậy, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không được phép sử dụng những loại thuốc này.
Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, các nghiên cứu cho thấy những thuốc như Tamoxifen (Nolvadex) và Evista (Raloxifene) có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú xâm lấn đến 50% và giảm đến 30% nguy cơ ung thư vú không xâm lấn. Tuy nhiên, chúng cũng có những tác dụng phụ, với các triệu chứng tương tự như hiện tượng mãn kinh, bao gồm: tăng cân, sốt đột ngột (hot flashes) và khô âm đạo.
Phương pháp phòng ngừa cực đoan nhưng hiệu quả là loại bỏ một hoặc cả hai vú trước khi ung thư phát triển. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng phẫu trị làm giảm nguy cơ ung thư vú đến 90%. Loại bỏ buồng trứng cũng là một giải pháp phẫu trị hiệu quả, nhưng cũng chan đầy nước mắt, đặc biệt là đối với những phụ nữ trẻ mong muốn có thể sinh con.
Tầm soát ung thư thường xuyên giúp bạn có thể phát hiện sớm và điều trị/ phòng ngừa một cách phù hợp, do đó tiết kiệm được thời gian, chi phí và nâng cao tuổi thọ. Bên cạnh, bạn cũng có thể thay đổi cách sống để duy trì một thể chất khoẻ mạnh. Tuy nhiên, bạn nên dành thời gian xem xét từng lựa chọn một cách cẩn thận và tìm kiếm lời khuyên từ một bác sĩ hoặc chuyên gia di truyền đáng tin cậy trước khi quyết định.
Vui lòng gọi điện đến tổng đài EasyCare (028) 7300 7115 (không tính phí) ngay hôm nay để được tư vấn, đặt lịch tầm soát và khám chuyên khoa phù hợp.