Tìm hiểu về sàng lọc phát hiện ung thư vú hiệu quả
Sàng lọc ung thư vú là gì?
Sàng lọc ung thư vú là cách các bác sỹ kiểm tra để phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư đối với những phụ nữ không có các triệu chứng của ung thư vú. Test chính được sử dụng để sàng lọc ung thư vú là một loại x-quang đặc biệt gọi là nhũ ảnh (x-quang vú). Kết hợp với việc thăm khám vú thường xuyên.
Mục đích của sàng lọc ung thư vú là phát hiện ung thư sớm, trước khi nó có cơ hội phát triển, lan rộng hoặc gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những phụ nữ được sàng lọc ung thư vú sớm sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do bệnh.
Ai nên sàng lọc ung thư vú?
Các chuyên gia đã khuyến cáo rằng hầu hết phụ nữ từ 50 đến 70 tuổi nên sàng lọc ung thư vú sớm, ngay cả với những phụ nữ lớn tuổi khỏe mạnh (Sàng lọc nên bao gồm cả x-quang vú và khám vú). Một số phụ nữ tuổi từ 40 đến 49 cũng nên khám sàng lọc. Ví dụ, những phụ nữ có nguy cơ cao bị ung thư vú đôi khi cần bắt đầu khám sàng lọc từ khi còn trẻ. Bao gồm:
- Những người có gen làm tăng nguy cơ ung thư vú, ví dụ như gen “BRCA”
- Trong gia đình có người bị ung thư vú từ khi còn trẻ
Bạn nên thảo luận với bác sỹ hoặc điều dưỡng để quyết định khi nào bạn nên bắt đầu sàng lọc.
Những lợi ích của việc sàng lọc ung thư vú là gì?
Lợi ích chính của việc khám sàng lọc là giúp các bác sỹ phát hiện ung thư sớm, từ khi còn dễ điều trị. Điều này cũng làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú.
Những bất lợi của việc sàng lọc ung thư vú là gì? Bao gồm:
- Dương tính giả: X-quang vú đôi khi đưa ra kết quả “dương tính giả”, có nghĩa là những hình ảnh gợi ý ung thư vú, trong khi thực tế không phải như vậy. Điều này có thể dẫn đến việc lo lắng cho người bệnh và họ phải làm thêm những test kiểm tra không cần thiết – bao gồm sinh thiết trong một số trường hợp, việc làm sinh thiết có thể gây đau cho người bệnh. “Dương tính giả” thường xảy ra ở những phụ nữ dưới 50 tuổi so với những người lớn tuổi hơn.
- Tiếp xúc với tia phóng xạ: Cũng giống như tất cả các xét nghiệm x-quang khác, bạn sẽ có nguy cơ tiếp xúc với các tia phóng xạ khi làm x-quang vú. Nhưng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng số người được cứu sống nhờ chẩn đoán ung thư sớm có giá trị hơn nhiều so với một bộ phận nhỏ bị các nguy cơ do tiếp xúc với tia phóng xạ.
Điều gì xảy ra khi làm x-quang vú?
Trước khi tiến hành x-quang vú. Bạn sẽ cần phải cởi quần áo từ eo lên và mặc quần áo bệnh viện. Sau đó từng bên vú sẽ được chụp x-quang. Mỗi bên vú sẽ được chụp hai lần, một lần chụp từ trên xuống dưới và một lần từ bên vú. Điều này giúp các bác sỹ chẩn đoán hình ảnh có thể quan sát được tất cả các mô. Để giúp các mô vú được quan sát dễ hơn, điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên sẽ đè mỗi bên vú giữa hai tấm bảng. Việc này có thể gây khó chịu, nhưng nó chỉ kéo dài trong một vài giây. Nếu có thể, hãy tránh chụp x-quang vú ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Vú của bạn sẽ nhạy cảm hơn trong thời kỳ này. Cũng như tránh việc sử dụng lăn khử mùi dưới cánh tay vào ngày bạn chụp x-quang vú.
Điều gì xảy ra sau khi chụp x-quang vú?
Bạn sẽ được nhận kết quả x-quang vú ngay nếu bác sỹ chẩn đoán hình ảnh (người đọc kết quả x-quang vú cho bạn) có thể đọc luôn. Nếu không, bạn nên gọi điện để lấy kết quả trong vòng 30 ngày. Nếu bạn không nhận được kết quả, hãy gọi cho bác sỹ hoặc điều dưỡng. Đừng cho rằng kết quả x-quang vú của bạn là bình thường nếu bạn không nhận được thông tin gì từ bác sỹ.
Nếu kết quả x-quang vú của tôi bất thường thì sao?
Nếu kết quả x-quang vú của bạn bất thường, đừng hoảng sợ. Chín trên mười phụ nữ có kết quả x-quang vú bất thường nhưng KHÔNG phải ung thư vú. Bạn cần làm thêm một số test để chẩn đoán chính xác ung thư vú hay không.
Nếu bác sỹ nghĩ rằng kết quả bất thường của bạn không phải do ung thư, bác sỹ có thể sẽ gợi ý bạn nên chờ và làm lại x-quang vú sau 6 tháng. Nếu bác sỹ nghĩ rằng kết quả bất thường đó có thể do ung thư, bác sỹ sẽ yêu cầu bạn làm thêm một số test. Các test khác có thể bao gồm x-quang vú kỹ hơn, gọi là x-quang chẩn đoán, hoặc siêu âm vú. Siêu âm vú có thể được tiến hành đối với những phụ nữ có x-quang vú với mật độ mô vú dày. Bởi vì nếu mật độ mô vú dày sẽ khiến việc x-quang vú gặp khó khăn khi đọc kết quả.
Nếu các test khác vẫn chỉ ra những dấu hiệu nghi ngờ, bác sỹ hoặc điều dưỡng sẽ yêu cầu bạn làm sinh thiết. Khi làm sinh thiết, một bác sỹ sẽ lấy các mẫu mô vú và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư. Sinh thiết luôn được làm bằng cách lấy một số mô từ vú bằng một chiếc kim khi tiến hành x-quang vú hoặc siêu âm vú. Nhưng trong một số trường hợp, sinh thiết sẽ liên quan đến một cuộc tiểu phẫu.
Khám vú thì sao?
Bác sỹ hoặc điều dưỡng nên tiến hành khám vú như là một phần trong quy trình sàng lọc ung thư vú. Khi khám, bác sỹ hoặc điều dưỡng sẽ quan sát vú của bạn và sau đó cẩn thận khám cả hai vú và vùng dưới cánh tay. Họ sẽ quan sát và tìm các u cục, sự thay đổi núm vú hoặc bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hay da có thể gợi ý ung thư.
Một số phụ nữ cũng có thể tự khám. Không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng tự khám vú sẽ làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú, và hầu hết các chuyên gia không khuyến cáo tự khám. Nếu bạn quyết định tự khám vú, hãy chắc chắn rằng bạn biết cách làm sao cho đúng cách (Bảng 1)
Bảng 1: Làm sao để tự khám vú
Thời gian tốt nhất để tiến hành tự khám vú là một tuần sau kỳ kinh nguyệt. Nếu bạn không còn kinh nguyệt, bạn có thể khám vú bất kỳ lúc nào. Một số phụ nữ tự khám vú mỗi tháng một lần. Một số khác thì ít hơn hoặc không bao giờ. Làm bất kỳ điều gì mà bạn thấy thoải mái nhất. |
Bắt đầu bằng việc tự đứng trước gương. Chống 2 tay ở 2 bên sườn. Kiểm tra sự thay đổi màu sắc và cấu trúc da vú, và kiểm tra các vết lõm. Quan sát núm vú. Một số phụ nữ có núm vú đảo ngược, nghĩa là núm vú thụt vào trong thay vì ra ngoài. Điều đó là bình thường miễn là chúng nhìn không thay đổi theo thời gian. |
Đưa 2 tay lên quá đầu và quay về một bên. Quan sát toàn bộ một bên vú trong gương. Nếu cần thiết, nâng mỗi bên vú lên để nhìn rõ vùng da dưới vú. |
Nằm xuống và đưa tay trái qua đầu (điều này giúp vú phẳng hơn và dễ dàng để khám). Sử dụng tay phải để khám vú trái, bắt đầu từ vùng trên vú gần nách và đi lên đi xuống qua vú (giống như cắt một bãi cỏ). Bắt đầu khám vú bằng cách xoay tròn 3 ngón giữa. Sử dụng phần thịt đầu ngón tay, không dùng móng tay. Bắt đầu từ trong quầng vú vừa ấn nhẹ vừa di chuyển lần ra ngoài theo đường xoắn ốc. Tại mỗi điểm, ấn 3 vòng: một vòng rất nhẹ, một vòng hơi mạnh hơn, và một vòng ấn sâu xuống. Sau đó đổi tay và làm tương tự với bên còn lại. |
Nếu sờ thấy xương sườn trong vú cũng hết sức bình thường. Những khối u cục bất thường sẽ có xu hướng chắc, cứng, có bờ không đều và đôi khi cảm thấy như bị kẹt trong ngực. Nếu bạn không chắc liệu khối u cục đó có bình thường hay không, hãy đến gặp bác sỹ hoặc điều dưỡng. |
Tôi có thể chụp MRI vú thay vì x-quang vú không?
Phụ nữ có thể đã nghe đến MRIs vú trên các phương tiện thông tin rất nhiều. Nhưng MRIs vú không phải dành cho tất cả mọi người. Nếu so sánh với x-quang vú, MRIs vú sẽ cho nhiều “dương tính giả” hơn và đôi khi dẫn đến việc làm sinh thiết không cần thiết. Tuy nhiên, MRIs vú đôi khi được dung để giúp phát hiện ung thư vú ở những phụ nữ trẻ có nguy cơ cao. Các bác sỹ không khuyến cáo làm MRIs vú để sàng lọc ung thư vú ở những người không có nguy cơ ung thư vú cao. Trong một số trường hợp, MRIs không thay thế x-quang vú. Chúng được sử dụng cùng với x-quang vú ở những người có nguy cơ cao nếu cần thiết.
Tôi nên chụp x-quang vú bao lâu một lần?
Không có một lịch trình nào được cho là tốt nhất để kiểm tra x-quang vú. Chúng tôi gợi ý tiến hành sàng lọc cứ mỗi 2 năm đối với hầu hết phụ nữ, việc tiến hành kiểm tra có thể thường xuyên hơn phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ của từng.
Thường xuyên sàng lọc (x-quang vú kết hợp khám vú) nên được tiến hành liên tục ngay cả khi bạn khỏe mạnh.
Dương Thùy Linh (Mun)
Cử nhân Điều dưỡng tiên tiến - ĐHYHN