Tầm soát ung thư: cân nhắc lợi và hại
Ai nên khám tầm soát ung thư?
Việc tầm soát ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, môi trường sống, thói quen ăn uống, tiền sử bệnh của bản thân và gia đình … Ví dụ, nếu bạn có một trong các đặc điểm sau thì nên tầm soát ung thư sớm hơn và thường xuyên hơn những người khác:
- Đã mắc ung thư trước đây
- Thành viên trong gia đình có tiền sử mắc ung thư
- Cấu trúc hoặc thành phần gene bất thường có nguy cơ đột biến gây ung thư
- Nghiện thuốc lá hoặc nghiện rượu
- Làm việc trong môi trường độc hại
Các phương pháp tầm soát ung thư
Có nhiều thủ thuật tầm soát từ đơn giản đến phức tạp, với mức độ chính xác khác nhau. Bác sĩ chuyên khoa ung bướu là người sẽ đưa ra khuyến nghị thực hiện các thủ thuật phức tạp khi cần thiết. Dưới đây là thông tin vắn tắt về các thủ thuật này.
- Khám thực thể: Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân và kiểm tra các dấu hiệu bất thường về cơ thể (nhìn, sờ, dùng ống nghe …).
- Xét nghiệm: Xét nghiệm máu, nước tiểu, và phân để phát hiện sự tăng giảm bất thường các thành phần vật chất trong cơ thể, nhằm phát hiện các dấu ấn ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh: Sử dụng các thiết bị y tế hiện đại như X-quang kỹ thuật số, siêu âm màu ba chiều, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), hoặc chụp cắt lớp phát xạ (PET) giúp bác sĩ có thể nhìn sâu hơn để phát hiện khối u, và tổn thương ở từng cấu trúc xương, khoang, bề mặt các bộ phận mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
- Sinh thiết: Các bác sĩ không chỉ dùng một phương pháp tầm soát nói trên để chẩn đoán là bệnh nhân có bị ung thư hay không. Nếu một kết quả xét nghiệm tầm soát có bất thường, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra ung thư. Ví dụ, chụp nhũ ảnh cho thấy một khối u ở vú, thì đó có thể là ung thư hoặc một cái gì đó khác, nên cần thêm các xét nghiệm chẩn đoán để tìm hiểu xem khối u có phải là ung thư hay không. Sinh thiết (biopsy) là một xét nghiệm chẩn đoán, trong đó bác sĩ dùng kim, máy bấm, dao mổ hay dụng cụ nội soi … lấy một mẫu nhỏ mô cơ thể (đặc biệt là khối u) để kiểm tra dưới kính hiển vi nhằm xác định có tế bào ung thư không. Thủ thuật này có dùng thuốc tê nên không đau.
Những rủi ro trong quá trình tầm soát ung thư
Việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát ung thư có thể phát sinh một số rủi ro như:
- Kết quả sai (âm tính giả hoặc dương tính giả). Vì vậy, nên sử dụng kết hợp một số hoặc nhiều thủ thuật nhằm đưa ra kết quả chính xác nhất.
- Chảy máu trong ruột già, do thiết bị nội soi hậu môn gây rách niêm mạc.
- Nhiễm xạ khi chẩn đoán hình ảnh, mặc dù khả năng này khá thấp.
- Sang chấn tâm lý (người bệnh bị suy sụp tinh thần hoặc tự tử sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư)
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư định kỳ nhằm kịp thời chữa trị khi tiên lượng còn cao. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị tâm lý và trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi thực hiện nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc.
Vui lòng gọi điện đến tổng đài EasyCare (028) 7300 7115 (không tính phí) ngay hôm nay để được tư vấn, đặt lịch tầm soát và khám chuyên khoa phù hợp.