Triệu chứng , cách chữa và phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ em
Viêm tai giữa là gì ?
Viêm tai giữa là một tình trạng gây đau trong tai, sốt và ảnh hưởng tới khả năng nghe. Viêm tai giữa thường gặp ở trẻ em.
Viêm tai giữa ở trẻ em thường xảy ra sau một cơn cảm lạnh. Dịch tăng tiết và tích tụ ở vùng giữa tai, sau màng nhĩ. Lượng dịch này có thể bị viêm nhiễm và đè ép lên màng nhĩ và khiến màng nhĩ bị sưng phồng lên (Hình 1), gây ra các triệu chứng của bệnh.
Hình 1. Viêm tai giữa
Hình trái:bên trong tai bình thường. Hình phải: bên trong tai bị viêm. Lượng dịch bị viêm nhiễm trong tai làm màng nhĩ bị sưng phồng lên. Thông thường, dịch trong tai sẽ theo ống vòi nhĩ chảy xuống cổ họng. Tuy nhiên khi bị viêm nhiễm, các tổ chức xung quanh sưng phòng lên làm bít ống vòi nhĩ, gây tích tụ dịch trong vùng tai giữa.
Ở trẻ em, lượng dịch này có thể ở lại trong tai từ vài tuần đến vài tháng dù đã hết viêm, hết đau. Chính lượng dịch này gây ra tình trạng điếc thường là nhẹ và tạm thời. Nếu mất thính lực trong một khoảng thời gian dài, khả năng ngôn ngữ và giao tiếp cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là ở trẻ em.
Triệu chứng của bệnh viêm tai giữa?
Các dấu hiệu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bao gồm:
- Sốt
- Kéo tai
- Quấy khóc hoặc ít vận động hơn thường ngày
- Chán ăn, bỏ ăn
- Nôn trớ hoặc tiêu chảy
Làm thế nào để biết con tôi bị viêm tai giữa?
Nếu nghi ngờ con mình bị viêm tai giữa, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để được khám xét và kết luận chính xác.
Làm sao để con tôi mau khỏe?
Bạn có thể cho trẻ uống các loại thuốc để giảm đau như acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin). Tuy nhiên, tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi. Aspirin có thể gây ra hội chứng Reye, là tình trạng vô cùng nguy hiểm có thể dẫn tới tử vong.
Hầu hết các bác sĩ không khuyến cáo điều trị viêm tai giữa bằng thuốc cảm hay thuốc ho. Các loại thuốc đó thường có tác dụng phụ nguy hiểm trên trẻ nhỏ.
Điều trị viêm tai giữa như thế nào?
Bác sĩ có thể cho trẻ dùng kháng sinh để điều trị tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên trong trường hợp viêm tai giữa do nguyên nhân virus, kháng sinh không có tác dụng. Thêm vào đó, nhiều trường hợp viêm tai giữa ở trẻ em được ghi nhận khỏi mà không cần thuốc kháng sinh.
Kháng sinh thường được kê đơn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Với trẻ em trên 2 tuổi, bác sĩ thường trì hoãn và theo dõi các dấu hiệu trong vòng 1, 2 ngày trước khi sử dụng kháng sinh nếu trẻ vốn có sức khỏe tốt và tình trạng đau, sốt không nghiêm trọng. Việc sử dụng kháng sinh cần được bàn bạc kĩ lưỡng dựa trên tuổi, tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của trẻ.
Khi nào tôi nên đưa con đi tái khám?
Bạn nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ nếu:
- Sau 1 tới 2 ngày, tình trạng đau và sốt không thuyên giảm, lúc này bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho trẻ.
- Sau 2 ngày sử dụng kháng sinh, tình trạng của trẻ không được cải thiện hay tồi thêm.
Một vài tháng sau khi đã khỏi viêm tai giữa, bạn nên đưa con mình tới gặp bác sĩ nếu trẻ dưới 2 tuổi hoặc trẻ gặp khó khăn về vấn đề về ngôn ngữ và giao tiếp. Các bác sĩ và điều dưỡng sẽ làm kiểm tra để đảm bảo lượng dịch trong tai trẻ đã ra ngoài hết và đảm bảo khả năng nghe của trẻ.
Trong trường hợp dịch tích tụ trong tai tới vài tháng và gây ảnh hưởng tới khả năng nghe, bác sĩ sẽ làm tiểu phẫu đặt một ống nhỏ qua màng nhĩ để dẫn dịch ra ngoài (Hình 2).
Hình 2. Tiểu phẫu dẫn dịch qua màng nhĩ
Hình trái: màng nhĩ sưng phồng do dịch tích tụ bên trong. Hình phải: dịch chảy ra qua ống nhỏ đặt qua màng nhĩ.
Làm sao để phòng tránh viêm tai giữa cho trẻ?
Nếu con bạn bị mắc viêm tai giữa nhiều lần, hãy chú ý cách phòng tránh. Bác sĩ có thể gợi ý đưa trẻ đi tiêm vắc-xin định kỳ (nếu trẻ chưa tiêm). Các bác sĩ cũng đưa ra những lơi ích và nguy cơ cho trẻ khi kê đơn kháng sinh hàng ngày trong vòng vài tháng hay làm tiểu phẫu đặt ống qua màng nhĩ.
Lê Thùy Linh
Cử nhân tiên tiến – Đại học Y Hà Nội