Viêm VA ở trẻ em
VA cấp tính nếu không được điều trị thì sẽ trở thành mạn tính. Viêm V.A mạn tính là tình trạng V.A quá phát hoặc xơ hoá sau viêm nhiễm cấp tính nhiều lần. Ở nước ta tỷ lệ trẻ bị viêm VA chiếm khoảng 30% trẻ em, lứa tuổi nhiều nhất là 2 - 5 tuổi. Viêm VA có thể cấp tính hoặc mạn tính.
Biểu hiện của viêm VA
Trẻ bị viêm VA cấp thường có biểu hiện như sốt cao 38-39 độ C, có thể kèm theo co giật, nghẹt mũi cả hai bên, tình trạng nặng hơn khi nằm khiến trẻ phải thở bằng miệng. Trẻ bị chảy nước mũi đục như mủ tăng dần và một số trẻ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy…).
Viêm VA mạn là tình trạng VA quá phát sau nhiều lần viêm cấp. Trẻ nghẹt mũi thường xuyên, chảy mũi xanh, 2 bên mũi lúc nào cũng có nước mũi, trẻ thường xuyên thở bằng miệng và thỉnh thoảng có những đợt cấp bộc phát. Trẻ sẽ hay sốt vặt, chậm phát triển hơn so với trẻ cùng lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống kém, người gầy, da xanh
Biến chứng của viêm VA
Trẻ thường bị nghẹt mũi nên thường phải thở bằng miệng, nói giọng mũi kín và ho khan. Do thiếu oxy nên trẻ sẽ luôn mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung, lực học bị giảm sút so với bạn bè cùng trang lứa.
Nếu VA quá phát to có thể làm tắc nghẽn hô hấp, gây ra hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Biến chứng thường gặp nhất là viêm thanh khí phế quản xuất hiên cơn khó thở đột ngột, dữ dội về đêm và nếu trẻ bị hen phế quản thì sẽ làm cho cơn hen xuất hiện mau hơn và nặng hơn.
Biến chứng viêm tai giữa, viêm đường tiêu hoá, áp xe thành sau họng, nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes) thì có thể gây viêm khớp hoặc viêm cầu thận cấp. Biến chứng của viêm VA mạn tính có thể làm biến dạng lồng ngực, lưng (cong, gù).
Nếu mũi không hoạt động lâu ngày thì xương hàm trên không phát triển đúng, nhỏ hơn so với xương hàm dưới; hàm trên vẩu, xương hàm dưới nhô ra, da xanh, miệng há, 2 mắt mở to… gây dị dạng mặt.
Có nên nạo V.A không?
Nhiệm vụ của VA là nhận biết và định dạng các yếu tố gây bệnh xâm nhập cơ thể và giúp cơ thể sản xuất các kháng nguyên bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên VA không phải là cơ quan duy nhất làm nhiệm vụ này, vì vậy nếu trẻ bị viêm VA nặng, việc nạo VA là cần thiết.
Mặt khác, khi VA bị viêm mãn tính, nó không còn đảm bảo được chức năng bảo vệ cơ thể nữa mà còn gây bít tắc cửa mũi sau, cản trở đường thở bằng mũi, ứ đọng dịch và mủ ở mũi, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Do đó, trong trường hợp này nạo VA là cần thiết. Nạo VA là một thủ thuật đơn giản, có thể thực hiện dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ, thủ thuật chỉ diễn ra trong vài phút và bệnh nhân có thể về nhà sau khi nghỉ ngơi. Trẻ sau nạo vẫn có thể ăn uống bình thường và không cần kiêng nói.