Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch thực quản là gì? — Giãn tĩnh mạch hay gặp ở thực quản và dạ dày. Ở những bệnh nhân xơ gan, giãn tĩnh mạch do dòng máu qua gan bị tắc nghẽn bởi sẹo, gây tăng áp lực trong tĩnh mạch cửa – nơi đưa máu từ ruột về gan. Tình trạng này gọi là tăng áp mạch cửa.
Tăng áp mạch cửa dẫn đến tăng áp tĩnh mạch ở dưới thực quản và dạ dày. Những tĩnh mạch này không chịu được với tăng áp lực cao nên chúng sẽ bị giãn ra. Sau khi giãn, tĩnh mạch có thể to ra (nếu bệnh gan nặng lên) hoặc nhỏ đi (nếu bệnh gan cải thiện).
Biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản? — Giãn tĩnh mạch thực quản là một biến chứng nguy hiểm tiềm tàng của xơ gan. Nếu không điều trị, 25 đến 40% bệnh nhân sẽ có đợt chảy máu nặng và có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Khoảng 15% bệnh nhân chảy máu trong giãn tĩnh mạch thực quản sẽ tử vong nên cần nhấn mạnh vai trò của phòng chảy máu và điều trị bệnh gan.
Giãn tĩnh mạch thực quản không gây triệu chứng cho tới khi bị rò hay vỡ gây chảy máu ồ ạt. Triệu chứng chảy máu giãn tĩnh mạch thực quản gồm nôn máu, đi ngoài phân đen hay sẫm màu và choáng nhẹ. Nếu chảy máu nặng bệnh nhân có thể bất tỉnh.
Chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản là một cấp cứu. Nếu không điều trị kịp thời, có thể làm mất lượng máu lớn và gây tử vong. Nếu thấy một trong các triệu chứng trên thì cần gọi cho trung tâm y tế ngay.
Các chuyên gia khuyến nghị rằng tất cả bệnh nhân xơ gan cần kiểm tra xem có giãn tĩnh mạch không. Nếu phát hiện có giãn thì phải điều trị dự phòng tránh chảy máu.
Phát hiện giãn tĩnh mạch thực quản như thế nào? — Do hậu quả của chảy máu nghiêm trọng và nếu điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ đi nhiều nên chuyên gia cho rằng tất cả bệnh nhân xơ gan cần làm xét nghiệm xem có giãn tĩnh mạch không.
Nội soi — Phương pháp phổ biến nhất để phát hiện giãn tĩnh mạch là nôi soi. Trong quá trình làm thủ thuật, bệnh nhân được an thần và bác sĩ sẽ đưa một ống mềm, mỏng, nhẹ có gắn camera qua miệng để nhìn thấy cấu trúc của dạ dày, thực quản.
Nếu không thấy giãn tĩnh mạch, chuyên gia khuyên nên khám lại sau 3 năm. Nếu thấy giãn thì nên nội soi định kỳ 1 đến 2 năm để xem mức độ giãn. Nếu bệnh nhân đã dùng thuốc để giảm nguy cơ chảy máu thì không cần thiết phải nội soi lại.Thời điểm nội soi lại phụ thuộc vào sự xuất hiện giãn tĩnh mạch, nguyên nhân bệnh gan và tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Nội soi viên nang— Phương pháp ít phổ biến hơn để thay thế nội soi ống, bằng cách nuốt viên nang có chứa một camera nhỏ. Bệnh nhân nuốt viên nang khi đang nằm nghiêng phải rồi uống nước mỗi 30 giây. Viên nang sẽ truyền hình ảnh bên trong thực quản, dạ dày ra các thiết bị bên ngoài. Bác sĩ xem hình ảnh thu được để phát hiện bất thường. Nội soi viên nang thì đắt hơn nội soi thông thường và không phải sẵn có ở mọi trung tâm y tế.
Xác định nguy cơ chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản? —Một số yếu tố nguy cơ chảy máu do giãn tĩnh mạch như kích thước, hình dạng, vị trí và sự xuất hiện của giãn tĩnh mạch , bên cạnh đó có mức độ nặng bệnh gan và tiền sử chảy máu do giãn tĩnh mạch. Điều trị để giảm nguy cơ chảy máu được tiến hành trên bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản.
Điều trị ngăn chặn chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản— Nếu thấy giãn tĩnh mạch thì cần điều trị để giảm nguy cơ chảy máu. Nguy cơ của việc điều trị phải cân nhắc với lợi ích từng bệnh nhân. Ví dụ, beta blocker có thể làm giảm khả năng sống trên bệnh nhân cổ trướng không đáp ứng điều trị thông thường. Beta blocker cũng có thể làm cổ trướng khó điều trị hơn.
Không sử dung rượu — Một trong những biện pháp làm giảm nguy cơ chảy máu do giãn tĩnh mạch là ngừng uống rượu. Rượu làm nặng thêm xơ gan, tăng nguy cơ chảy máu, tăng đáng kể tỷ lệ tử vong. Thật khó để bỏ rượu, đặc biệt với người nghiện rượu nhiều năm. Những người nghiện rượu cần có sự trợ giúp và điều trị của nhân viên y tế.
Giảm cân — Nhiều người xơ gan có gan nhiễm mỡ do béo phì. Béo phì có thể là yếu tố trực tiếp hay góp phần gây hủy hoại gan. Giảm cân có thể làm giảm mỡ trong gan và giảm tổn thương. Điều trị hỗ trợ giảm cân sẽ được thảo luận riêng.
Beta blockers — Đây là những thuốc truyền thống điều trị tăng huyết áp và cũng là thuốc phổ biến ngăn chảy máu do giãn tĩnh mạch. Beta blockers làm giảm áp lực trong TM, làm giảm nguy cơ chảy máu 45 đến 50%. Có rất nhiều dạng beta blockers, phổ biến là propranolol (Inderal®) and nadolol (Corgard®). Liều thuốc được điều chỉnh theo huyết áp nền và nhịp tim. Điều quan trọng là dùng thuốc hàng ngày. Một số dạng beta blockers khác (như, labetalol, atenolol, metoprolol) không hiệu quả với giảm nguy cơ chảy máu.
Tác dụng phụ của beta blockers — hay gặp là mạch chậm, hạ huyết áp, chóng mặt và mệt mỏi. Theo dõi mạch, huyết áp thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Beta blockers cũng có thể gây mất ngủ, giảm khả năng hoạt động, nhịp tim chậm, bất lực và tay chân lạnh. Beta blockers dùng trong xơ gan có thể làm nặng triệu chứng hen phế quản, bệnh phổi khác hay bệnh mạch máu (như bệnh mạch máu ngoại biên). Do đó, thuốc không được dùng cho những bệnh nhân này. Khi có tác dụng phụ cần thảo luận kỹ với nhân viên y tế xem có ngừng thuốc không.
Như đề cập ở trên, beta blockers có thể làm giảm khả năng sống ở người cổ trướng kháng trị và nó cũng làm cổ trướng khó điều trị hơn.
Thắt tĩnh mạch bằng vòng cao su— Thắt tĩnh mạch bằng vòng cao su là thủ thuật được thực hiện trong khi nội soi. Bác sĩ đặt một vòng nhỏ quanh tĩnh mạch để ngăn chảy máu. Nội soi được thực hiện lại mỗi 2 tuần để xem liệu phải thắt thêm vòng. Một số thuốc để giảm acid dạ dày như ức chế bơm H+ ( omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, esomeprazole, dexlansoprazole) được dùng 2 lần/ngày để liền chỗ loét trợt do vòng cao su gây ra.
Thắt tĩnh mạch bằng vòng cao su thường tiến hành ở người đã chảy máu do giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, nó cũng được dùng ở những người có nguy cơ chảy máu, đặc biệt có tĩnh mạch giãn to cũng như không dung nạp beta blockers.