Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo tuần tuổi thay đổi như thế nào
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh từ khi sinh ra hầu như ngủ suốt ngày và chỉ thức dậy mỗi khi bú sữa, thường ngủ từ 14 đến 18 giờ mỗi ngày trong tuần đầu tiên, và vào thời điểm trẻ được một tháng tuổi sẽ ngủ từ 12 đến 16 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, hầu hết trẻ đều không chịu nằm ngủ quá 2 – 4 giờ mỗi giấc ngủ, bất kể ngày hay đêm.
Sự thay đổi thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo tuần tuổi:
Vào tuần thứ 6 – 8, hầu hết trẻ bắt đầu ngủ trong khoảng thời gian ngắn hơn vào ban ngày và kéo dài hơn vào ban đêm.
Vào khoảng 3 – 6 tháng, hầu hết trẻ đều có thể ngủ một mạch đến sáng (không có nghĩa là trẻ ngủ tám tiếng mỗi đêm, nhưng thường thường trẻ ngủ khoảng sáu tiếng và kéo dài đến sáng).
Một số trẻ sơ sinh có thể ngủ dài hơn vào ban đêm khi vừa được sáu tuần tuổi, ngược lại, nhiều trẻ đến 5 – 6 tháng vẫn tiếp tục tỉnh giấc giữa đêm. Điều này là tùy thuộc vào từng trẻ cũng như thói quen chăm con của các mẹ.
Giấc ngủ ban đêm giúp trẻ phát triển
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, trẻ càng nhỏ càng cần được ngủ ngon, ngủ đủ giấc. Khoa học đã chứng minh vào thời điểm 23 giờ hàng đêm, lúc trẻ ngủ sâu, hócmôn tăng trưởng sẽ được phóng thích, trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Ngược lại, nếu rối loạn giấc ngủ vào ban đêm, trẻ không chỉ chậm lớn mà còn hay quấy khóc, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Chính vì vậy, các mẹ cần thay đổi thói quen sinh hoặc cho bé nếu bé ngủ ngày thức đêm.
Hướng dẫn bé ngủ theo đúng giấc ngủ
Dạy trẻ biết phân biệt ngày và đêm bằng cách là khi bé tỉnh vào ban ngày, hãy cố gắng tác động đến bé càng nhiều càng tốt. Ví dụ như: mở cửa ra cho ánh sáng vào phòng, không cần để ý đến việc giảm thiểu tiếng ồn thường xuyên vào ban ngày như tiếng điện thoại, tivi, … nếu bé định ngủ trước giờ ăn, hãy đánh thức bé dậy.
Ngược lại, vào ban đêm, không nên chơi với bé khi bé tỉnh giấc, giữ ánh sáng và nhiệt độ trong phòng thấp, không nên nói chuyện với con quá nhiều. Cứ như vậy một thời gian dài, bé sẽ tự nhận ra rằng ban đêm là để ngủ. Trước khi bé ngủ, mẹ có thể hát một bài hát ru và hôn chúc bé ngủ ngon để hình thành thói quen, khi mẹ hát ru là đến giờ đi ngủ cho bé.
Nên cho bé ngủ riêng: Các mẹ nên cho bé ngủ trong nôi hay giỏ mây được đặt trong phòng ngủ của bố mẹ hoặc nôi ngủ chung giường gắn vào bên cạnh giường ngủ của vợ chồng bạn cho đến khi bé được 6 tháng tuổi. Cách này giúp mẹ vừ có thể cho bé ngủ riêng vừa giúp bé được an toàn hơn là để bé ngủ một mình trong phòng riêng của bé. Các mẹ cũng không nên cho bé ngủ trên giường của bố mẹ vì với các bé dưới 8 tháng tuổi ngủ trên giường người lớn thay vì nôi của bé có nguy cơ bị ngộp thở hoặc mắc kẹt giữa tường và nôi gấp 40 lần.
Khắc phục chứng “bẹp đầu” cho trẻ: Nhiều trẻ phải nằm nhiều dẫn đến “bẹp đầu” mà dân gian vẫn hay gọi là đầu cá trê, cá chốt. Để tránh điều này, các mẹ nên thay đổi vị trí và tư thế ngủ cho bé. Tránh để bé nằm lâu trên bất kỳ mặt phẳng nào có thể gây chứng “bẹp đầu”, kể cả nôi di động, xích đu, giỏ đựng hay xe đẩy. Đồng thời thay đổi vị trí cho bé trong suốt cả ngày để bé ngủ ở nhiều tư thế sẽ tốt hơn. Các bác sỹ cũng khuyên khi trẻ bắt đầu cứng cổ, các mẹ có thể dành nhiều thời gian để bé nằm sấp khi bé tỉnh giấc.
Tạo thời khóa biểu và giúp bé thức – ngủ theo thời khóa biểu đó. Không cần dỗ dành ngay khi bé vừa thức giấc, bạn hãy coi việc tỉnh giấc của trẻ là hoàn toàn bình thường. Nếu bé có la khóc, bạn cũng không việc gì phải hấp tấp. Vì thường thì do vẫn còn chịu ảnh hưởng của giấc ngủ, bé sẽ dịu lại và ngủ thiếp đi. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy cần phải đến xem bé ra sao, thì hãy đến thủ thỉ nhẹ nhàng để trấn tĩnh bé, chứ đừng bật đèn cũng như ẵm bé lên tay ngay.
Sau khi bé đã ngoài 6 tháng tuổi, các mẹ đừng nên cho bé ăn trước hoặc sau khi vừa ngủ dậy, điều này sẽ tạo thành thói quen xấu cho bé uống vào mọi lúc sẽ kéo theo sự tiêu hóa thức ăn vào mọi thời điểm và như thế sẽ làm mất cân bằng việc bài tiết của các tuyến hormone, xáo trộn nhịp tim và chu kỳ nhiệt độ cơ thể của bé.
Cách giữ ấm quấn khăn giúp bé ngủ ngon
Cách quấn khăn ủ, quấn tã cho bé sơ sinh được chuyên gia hướng dẫn cụ thể và rõ ràng trong clip dưới đây sẽ giúp các mẹ tự tin hơn trong quá trình chăm sóc bé yêu. Lưu ý đầu tiên khi bắt đầu tập quấn tã cho bé: Đặt bé trên mặt phẳng vững chãi, lót khăn hoặc chăn mềm để đảm bảo an toàn và giúp bé thấy dễ chịu, không để bé bị quá nóng Xem xét nhu cầu muốn được quấn tã của bé hay không. Một số bé lớn hơn một chút sẽ không cần quấn tã. Các mẹ có thể làm theo từng bước sau đây:
Bước 1: Trải rộng một tấm tã lên mặt phẳng đã chuẩn bị từ trước. Gấp mép trên của tã xuống để tạo thành hình tam giác. Đặt bé lên tấm tã vừa gập, lưu ý đầu bé phải nằm trên mép gấp, mép tã ngang với phần vai của bé. Sau đó nhấc 1 đầu tã trùm cánh tay bé và quấn quanh người của bé. Nhét đầu tã dưới lưng bé.
Bước 2: Gấp phần dưới của tã lên phía trên, trùm toàn bộ chân của bé. Cuối cùng, một tay bạn giữ bé nằm yên, một tay nâng mép còn lại của tã lên và quấn kín người bé. Chú ý không quấn quá chặt. Phần đầu tã cài dưới người của bé.
6 bí quyết giúp trẻ sơ sinh ngủ nhanh nhất
Nếu bố mẹ đang khổ sở “điên đầu” vì mỗi lần dỗ con đi ngủ, hãy thử ngay những mẹo nhỏ ít ai ngờ tới nhưng cực hiệu quả dưới đây:
- “Bàn tay thần kì”: Khi đặt bé xuống giường đi ngủ, mẹ hãy nhẹ nhàng đặt tay lên bụng, cánh tay và đầu của bé để dỗ dành và vỗ về bé. Hành động cực nhỏ và đơn giản vậy thôi nhưng sẽ có tác dụng “kì diệu” giúp bé cảm thấy an tâm, êm ái và nhanh đi vào giấc nồng.
- Dùng tinh dầu thơm: Một số em bé rất thích thú khi được ngửi hương thơm thanh khiết, tinh tế từ tinh dầu hoa oải hương, bưởi, hoa hồng,… và vì thế dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, tốt nhất chỉ nên để tinh dầu phảng phất quanh khu vực bé ngủ và chỉ dùng tinh dầu khi bé đã được 6 tháng tuổi trở lên. Lưu ý, tinh dầu phải là loại chiết xuất từ thiên nhiên, không nên dùng các loại hương thơm nhân tạo, khăn ướt có mùi hương hay thậm chí là nước xả vải quần áo có mùi hương cho bé vì chúng có thể gây kích ứng và khiến bé khó ngủ.
- Cho bé đi tắm: Làn nước ấm mềm mại, dễ chịu cùng những động tác vuốt ve, lau rửa nhẹ nhàng của mẹ sẽ làm bất cứ em bé nào thư giãn, sảng khoái. Nên nhớ tránh để bé nghe thấy tiếng ồn, âm thanh lớn và hoạt động mạnh như chơi đùa, nghịch nước,… làm não bộ của bé tỉnh táo. Hãy làm mọi thứ thật khẽ khàng, đủ để bé cảm thấy thoải mái và dễ đi vào giấc ngủ.
- Mát xa cho bé: Nghiên cứu của đại học Miami (Mỹ) cho thấy 15 phút mát-xa cho bé trước khi đi ngủ còn giúp bé nhanh đi vào giấc mộng hơn cả đọc truyện cho bé nghe. Mẹ hãy dùng những loại dầu an toàn cho bé (chẳng hạn như dầu dừa) để xoa bóp cho con yêu khoan khoái, dễ chịu, ngủ ngon.
- Ôm hôn bé: Để bé cảm nhận được tình yêu thương ngập tràn của mẹ, sự an tâm, yên bình khi có mẹ ở bên là một trong những cách hiệu quả giúp bé mau ngủ. Vì thế, mẹ đừng quên những cái ôm, hôn thắm thiết tình cảm cho con giấc ngủ thật lâu và thật sâu.
- Đưa bé đi dạo: Đi dạo làm những bé hiếu động bình tĩnh và dễ đi vào giấc ngủ hơn. Mẹ có thể đặt con lên xe đẩy và đưa bé đi quanh nhà hoặc ra ngoài trời hít thở không khí trong lành một chút. Chuyển động của xe đẩy, kết hợp với khung cảnh mới, không khí mới và âm thanh xung quanh đều có tác dụng làm bé thư giãn và dễ ngủ ngay trên xe đẩy.