Bệnh cúm - Chẩn đoán và điều trị
ĐIỀU TRỊ BỆNH CÚM:
Khi nào thì cần gặp bác sĩ: Hầu hết những người bị cúm sẽ tự khỏi trong vòng 1đến 2 tuần mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, những biến chứng nghiêm trọng của cúm có thể xảy ra. Hãy gọi bác sĩ hoặc điều dưỡng ngay nếu bạn thấy những triệu chứng sau:
- Khó thở hoặc thở nông
- Đau hoặc tức vùng ngực hoặc bụng
- Có các dấu hiệu của mất nước như chóng mặt khi đứng lên hoặc không đi tiểu.
- Kém tỉnh táo.
- Không thể ngừng nôn hoặc không thể uống đủ dịch.
Ở trẻ em, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ có bất kỳ biểu hiện nào ở trên hoặc nếu trẻ:
- Da chuyển sang màu xanh hoặc tái
- Kích động và không muốn người khác bế
- Không có nước mắt khi khóc (ở trẻ sơ sinh)
- Sốt kèm với ngứa
- Khó đánh thức
Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị các biến chứng của cúm; bao gồm: phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (dưới 5 tuổi và đặc biệt là dưới 2 tuổi), người trên 65 tuổi, và những người bị một số bệnh như bệnh phổi mãn tính (ví dụ như bệnh hen), bệnh tim, đái tháo đường, những bệnh gây ức chế miễn dịch (như HIV hoặc cấy ghép tạng), và một số bệnh khác. Nếu bạn hoặc con bạn có các biểu hiện của cúm và có nguy cơ cao bị biến chứng của bệnh, thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Điều trị triệu chứng: Việc điều trị các triệu chứng của cúm có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn nhưng không làm cho bệnh khỏi nhanh hơn.
- Nghỉ ngơi cho đến khi bệnh cúm khỏi hoàn toàn, đặc biệt là khi bệnh nặng
- Dịch. Uống đủ dịch để cơ thể bạn được cung cấp đủ nước. Có một cách để bạn biết mình có uống đủ dịch hay không là nhìn vào màu nước tiểu. Thông thường, nước tiểu có màu từ vàng nhạt đến không màu. Nếu bạn uống đủ dịch, bạn thường sẽ đi tiểu 3-5 giờ/lần.
- Acetaminophen (ví dụ Tylenol hoặc các tên khác) có thể hạ sốt, giảm đau đầu, và đau cơ. Aspirin, và các loại thuốc khác có chứa aspirin (ví dụ, Bismuth subsalicylate; PeptoBismol) không nên dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi vì có thể gây ra một hội chứng nguy hiểm có tên là Hội chứng Reye.
- Thuốc ho thường không có hiệu quả, vì ho thường tự khỏi mà không cần điều trị gì. Chúng tôi không khuyên dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Thuốc kháng virus: Các thuốc kháng virus có thể giúp phòng hoặc điều trị bệnh cúm. Khi sử dụng để điều trị, các thuốc này không làm giảm được triệu chứng, mặc dù nó làm giảm được mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài của các triệu chứng. Không phải ai bị cúm cũng cần phải dùng các thuốc kháng virus, nhưng một số người lại cần, việc quyết định có sử dụng hay không cần dựa vào một số yếu tố. Nếu bạn bị ốm nặng và/hoặc có các yếu tố nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh, bạn sẽ cần các thuốc kháng virus. Những người chỉ bị ốm nhẹ và không có các yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng thường được điều trị với thuốc kháng virus nếu họ mới có các biểu hiện trong vòng 48 giờ hoặc ít hơn, nhưng họ sẽ không được điều trị bằng thuốc này nếu các biểu hiện đã kéo dài trên 48 giờ.
Các thuốc kháng virus thường được dùng để phòng và điều trị bệnh cúm bao gồm: oseltamivir (Tamiflu), zanamivir (Relenza), và peramivir (Rapivab). 2 loại thuốc kháng virus khác là rimantadine (Flumadine) và amantadine (Symmetrel) được sử dụng trước đây nhưng nhìn chung bây giờ không còn hiệu quả, vì hầu hết các loại virus đã kháng những loại thuốc này. Việc điều trị kháng virus là hiệu quả nhất đối với cúm theo mùa khi triệu chứng của bệnh mới xuất hiện trong vòng 48 giờ.
Loại thuốc kháng virus tốt nhất phụ thuộc vào loại virus cúm và một số yếu tố cá nhân. Bác sĩ sẽ là người đưa ra quyết định về loại thuốc phù hợp với bạn.
Tác dụng phụ: Zanamivir và oseltamivir có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như nôn và buồn nôn. Zanamivir khi được hít qua đường mũi, có thể gây ra khó thở trong một số trường hợp. Tiêu chảy là tác dụng phụ phổ biến nhất của peramivir. Nhưng hầu hết mọi người đều vẫn có thể tiếp tục sử dụng thuốc dù các tác dụng phụ này xảy ra.
Kháng sinh: Kháng sinh không có tác dụng trong việc điều trị các bệnh do virus gây ra như bệnh cúm. Kháng sinh chỉ nên được sử dụng khi có biến chứng do vi khuẩn của bệnh cúm như viêm phổi do vi khuẩn, nhiễm trùng tai, hoặc viêm xoang. Kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ và dẫn đến sự phát triển của sự kháng thuốc ở vi khuẩn.
Các điều trị thay thế và bổ sung: Có rất nhiều các biện pháp điều trị thay thế và bổ sung như thảo dược, phép vi lượng đồng căn đối với bệnh cúm. Nhưng thật không may là hiện nay có rất ít các nghiên cứu đáng tin câỵ về đánh giá sự hiệu quả và tính an toàn của các phương pháp này.
CÚM LỢN H1N1: Một loại cúm mới có tên là cúm H1N1, nó chứa các đặc điểm của virus cúm lợn, cúm gia cầm và cúm người, được phát hiện lần đầu tiên ở loài người vào tháng 3 năm 2009 ở Mexico. Sau đó bệnh lây lan nhanh trên khắp thế giới và gây ra dịch cúm cho đến tận tháng 8 năm 2010.
Những biểu hiện của nhiễm cúm H1N1 và phương pháp điều trị nhìn chung là giống với những loại cúm theo mùa khác.
CÚM GIA CẦM: Cúm gia cầm gây ra bởi một loại virus cúm có nguồn gốc nhiễm bệnh từ gia cầm. Những loài gia cầm có thể bị nhiễm bệnh bao gồm: gà, vịt, ngỗng và một số loài khác.
Có một số loại cúm gia cầm khác nhau, cúm gia cầm H5N1 là nguyên nhân của những mối quan tâm vì nó dẫn đến cái chết của một số người, chủ yếu là ở châu Á. Một loại cúm gia cầm khác cũng gây bệnh ở người là H7N9. Đến bây giờ, cúm gia cầm vẫn chủ yếu là lây bệnh từ gia cầm sang gia cầm và ít khi gây bệnh từ gia cầm sang người; sự truyền bệnh từ người sang người cũng hiếm khi xảy ra. Hầu hết những người bị cúm gia cầm đều là do có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị ốm hoặc chết hoặc các loài chim hoang dã hoặc mới đến thăm chợ gia cầm sống. Không có trường hợp nào bị nhiễm cúm gia cầm được thống kê ở Mỹ hoặc Bắc Mỹ.
Cúm gia cầm thường rất nặng, và có rất ít miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng loài người. Có ít nhất một loại thuốc kháng virus (oseltamivir) có thể cải thiện được cơ hội sống sót khi bị bệnh.
Hiện nay đã có vacxin phòng bệnh cúm gia cầm. Vacxin này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi nhưng đã được chính phủ Mỹ dự trữ để sử dụng trong trường hợp cần thiết trong tương lai.
NGÔ THI THỦY
Tốt nghiệp Cử nhân tiên tiến khóa I Trường Đại học Y Hà Nội