Bệnh Glôcôm góc mở
Hình 1. Tăng nhãn áp là nguyên nhân gây ra bệnh Glôcôm
Triệu chứng bệnh?
Thông thường ở giai đoạn đầu, bệnh Glôcôm góc mở không gây ra bất kì triệu chứng nào. Khi triệu chứng giảm thị lực xuất hiện, vùng bị ảnh hưởng đầu tiên là các góc thị trường (tầm nhìn của mắt). Nói cách khác hình ảnh bệnh nhân nhìn thấy vẫn rõ nét phần trung tâm, nhưng ở các góc mờ và khó nhìn rõ. Hiện tượng này còn được gọi là “thị lực đường ống”. Một khi bệnh trở nên trầm trọng hơn, toàn bộ thị trường sẽ bị ảnh hưởng.
Hình 2. Bên trái: thị trường người bình thường. Bên phải: thị trường mờ các góc ở bệnh nhân Glôcôm
Các phương pháp chẩn đoán bệnh Glôcôm góc mở?
Để đưa ra chẩn đoán bệnh Glôcôm góc mở, bác sĩ có thực hiện những thăm khám, xét nghiệm sau:
-
Soi đáy mắt để phát hiện những dấu hiệu tổn thương thần kinh thị giác.
-
Kiểm tra thị lực, phần trung tâm và cả các góc của thị trường.
-
Kiểm tra áp lực nội nhãn bằng cách dùng dụng cụ chuyên biệt đẩy hoặc thổi vào mắt bệnh nhân (Bệnh nhân Glôcôm góc mở thường bị tăng nhãn áp do đó không chịu được áp lực lớn lên mắt).
Mọi người dân trên 40 tuổi nên được tiến hành khám sàng lọc G lô côm góc mở ít nhất một lần. Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn, từ đó có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình suy giảm thị lực. Tuy nhiên việc chữa khỏi những thương tổn đã xảy ra là không thể.
Biện pháp chữa trị bệnh Glôcôm góc mở?
Tất cả các phương pháp điều trị bệnh Glôcôm góc mở đều dựa trên mục đích giảm áp lực nội nhãn. Ba phương pháp chính đó là: dùng thuốc nhỏ mắt, tia laze và phẫu thuật.
-
Thuốc nhỏ mắt – gồm hai loại chính là Prostagladin và chẹn kênh Bêta
-
Phương pháp tia laze – cải thiện việc tiết dịch trong mắt
-
Phẫu thuật – mở một lỗ nhỏ hoặc đặt một đường ống nhỏ bên trong mắt để việc bài tiết dịch từ mắt dễ dàng hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo tất cả các bệnh nhân Glôcôm góc mở nên bắt đầu điều trị bằng thuốc nhỏ mắt. Khi được bác sĩ sẽ kê đơn, người bệnh cần nhỏ thuốc đều đặn mỗi ngày. Thực hiện đúng chỉ dẫn giúp sẽ ngăn chặn việc suy giảm thị lực.
Hình 3. Nhỏ thuốc đúng chỉ dẫn hàng ngày giúp ngăn chặn việc suy giảm thị lực
Trong trường hợp bệnh nhân đã sử dụng qua một vài loại thuốc nhỏ mắt nhưng áp lực nội nhãn vẫn không giảm về mức an toàn, bác sĩ sẽ tư vấn về việc dùng tia laze, và phẫu thuật là phương án lựa chọn cuối cùng.
(Biên dịch: Lê Thùy Linh – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến K1 – ĐH Y Hà Nội)