Các nguyên nhân dẫn tới polyp Đại Tràng và cách chữa trị hiệu quả
Khi nói đến các polyp đại tràng, chúng ta cần quan tâm một số điều sau đây:
- Polyp rất phổ biến (xảy ra ở 30 – 50% người trưởng thành)
- Không phải tất cả các polyp sẽ trở thành ung thư
- Sẽ mất rất nhiều năm để một polyp phát triển thành ung thư.
- Các polyp có thể được loại bỏ hoàn toàn và vô cùng an toàn.
Phương án giải quyết tốt nhất khi phát hiện ra polyp: phụ thuộc vào số lượng, loại polyp, kích thước và vị trí của polyp. Những người có polyp tuyến đã được loại bỏ sẽ vẫn phải theo dõi và khám định kỳ, các polyp mới có thể phát triển và cần được loại bỏ sớm.
CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA POLYP ĐẠI TRÀNG
Polyp rất phổ biến ở cả nam và nữ, không phân biệt chủng tộc, điều đó gợi ý rằng chế độ ăn uống và các yếu tố môi trường cũng đóng vai trò trong sự hình thành polyp.
Lối sống: Mặc dù điều này vẫn chưa được lý giải rõ ràng, nhưng các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống bao gồm:
- Chế độ ăn nhiều chất béo
- Chế độ ăn nhiều thịt đỏ
- Chế độ ăn ít chất xơ
- Hút thuốc
- Béo phì
Mặt khác, việc sử dụng Aspirin và một số thuốc NSAIDS và chế độ ăn giàu canxi có thể giúp ngăn chặn việc phát triển ung thư đại tràng.
Tuổi: Ung thư đại trực tràng không xảy ra phổ biến trước tuổi 40. 90% các trường hợp xảy ra từ sau 50 tuổi, xu hướng xảy ra ở nam giới phổ biến hơn ở nữ giới. Vì thế, sàng lọc ung thư đại tràng luôn luôn được khuyến cáo nên bắt đầu từ tuổi 50 cho cả nam và nữ. Sẽ mất khoảng 10 năm để một polyp nhỏ phát triển thành ung thư.
Tiền sử gia đình và di truyền: Các polyp và ung thư đại tràng có xu hướng di truyền trong gia đình, điều này gợi ý rằng các yếu tố về gen cũng đóng một phần vai trò quan trọng trong nguy cơ phát triển ung thư.
Bất kỳ tiền sử polyp đại tràng hay ung thư đại tràng nào trong gia đình nên được thảo luận với nhân viên y tế, đặc biệt nếu ung thư xảy ra khi còn trẻ, có quan hệ thân thiết hoặc nhiều thành viên trong gia đình mắc. Sàng lọc ung thư đại tràng nên bắt đầu từ khi còn trẻ với những người có tiền sử gia đình ung thư hoặc polyp đại tràng này.
Các bệnh về gen hiếm khi là nguyên nhân dẫn đến ung thư đại trực tràng ở những người trẻ. Bệnh polyp tuyến trong gia đình (FAP) và MYH liên quan polyp (MAP) gây nên các polyp đại tràng. Mặt khác, ung thư đại tràng không polyp di truyền (HNPCC) hoặc Hội chứng Lynch làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nhưng phần lớn không gây ra các polyp. Việc kiểm tra các gen này nên được khuyến cáo cho những gia đình có tỷ lệ ung thư cao, nhưng không khuyến cáo cho các nhóm đối tượng khác.
CÁC LOẠI POLYP ĐẠI TRÀNG
Loại polyp đại tràng phổ biến nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Các loại khác cũng có thể được tìm thấy trong đại tràng, mặc dù ít phổ biến và không được đề cập trong bài này.
Polyp tăng sản: Các polyp tăng sản thường nhỏ, khu trú ở phần cuồi của đại tràng (trực tràng và đại tràng sigma), không có khả năng trở thành ác tính và không gây lo lắng (Hình 1). Thường thì không phải lúc nào cũng phân biệt được polyp tăng sản và polyp tuyến dựa vào nội soi đại tràng, có nghĩa rằng các polyp tăng sản thường được lấy ra hoặc được sinh thiết để kiểm tra.
Hình 1: Hình ảnh đại tràng và trực tràng
Polyp tuyến: 2/3 các polyp đại tràng là polyp tuyến. Mặc dù chúng có khả năng trở thành ung thư, nhưng hầu hết chúng không phát triển thành ung thư. Polyp tuyến được phân loại dựa vào kích thước, hình dạng và những đặc điểm đặc biệt khi quan sát dưới kính hiển vi.
Nhìn chung, các polyp tuyến lớn thường dễ có xu hướng phát triển thành ung thư. Vì thế, các polyp lớn (kích thước trên 5mm, khoảng 3/8 inch) luôn được loại bỏ để ngăn chặn ung thư và xét nghiệm hiển vi để có các hướng dẫn xét nghiệm tiếp theo.
Polyp ác tính: Các polyp có chứa các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư được gọi là các polyp ác tính. Phương pháp điều trị tối ưu cho những polyp ác tính này phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư (khi thăm khám bằng kính hiển vi) và các yếu tố cá nhân.
CHẨN ĐOÁN POLYP ĐẠI TRÀNG
Các polyp thường không gây ra triệu chứng gì nhưng có thể được phát hiện trong quá trình khám sàng lọc ung thư đại tràng (ví dụ như nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng) (Hình 2) hoặc sau một xét nghiệm máu ẩn trong phân dương tính. Các polyp cũng có thể được phát hiện qua thụt bari chụp x-quang đại tràng, mặc dù các polyp nhỏ thường khó nhìn trên phim x-quang hơn.
Hình 2a: Polyp đại tràng
Trên 95% các polyp đại tràng là polyp tăng sản hoặc polyp tuyến. Mặc dù 2 loại này có các đặc điểm khác biệt nhau về hình thái, nhưng chúng không dễ để nhận biết trong khi nội soi đại tràng. Hình bên trái: một polyp tăng sản nhỏ không cuống, kích thước nhỏ hơn 5mm. Bên phải: một polyp tuyến có cuống điển hình
Hình 2b: Hình ảnh đại tràng sigma bình thường
Nội soi đại tràng là cách tốt nhất để đánh gia đại tràng vì nó cho phép bác sỹ quan sát toàn bộ niêm mạc đại tràng và loại bỏ hầu hết các polyp được tìm thấy (đôi khi, những polyp lớn cần được loại bỏ theo một quy trình riêng biệt). Trong khi nội soi đại tràng, bác sỹ sỹ đưa một ống nhỏ, mềm, có gắn camera ở đầu vào hậu môn. Ống này sẽ được đưa đi khắp toàn bộ chiều dài ruột.
Bên trong đại tràng là một cấu trúc hình ống với bề mặt bằng phẳng, có các nếp gấp. Một polyp hình thành sẽ giống như một khối u cục nhô vào trong lòng đại tràng (Hình 2). Các mô bao phủ quanh polyp có thể nhìn giống các mô bình thường hoặc có thể có những sự thay đổi, từ những sự thay đổi tinh vi về màu sắc đến vết loét hoặc chảy máu. Một số polyp bằng phẳng (polyp không cuống) và một số khác lại chồi ra ngoài một cái thân (polyp có cuống).
Nội soi đại tràng cũng là xét nghiệm tốt nhất để kiểm tra theo dõi polyp. CT đại tràng cũng là một xét nghiệm khác được sử dụng để phát hiện polyp.
LOẠI BỎ POLYP ĐẠI TRÀNG
Ung thư đại trực tràng có thể được phòng ngừa nếu các polyp tiền ung thư (ví dụ polyp tuyến) được phát hiện và loại bỏ trước khi chúng trở thành ác tính (ung thư). Theo thời gian, các polyp nhỏ có thể thay đổi cấu trúc và trở thành ung thư. Các polyp thường được loại bỏ khi được phát hiện trong quá trình nội soi đại tràng, điều này làm giảm khả năng chuyển thành ung thư của những polyp này.
Thủ thuật: Thuật ngữ được sử dụng đối với việc loại bỏ các polyp là phẫu thuật cắt polyp. Hầu hết các phẫu thuật cắt polyp có thể được thực hiện qua phẫu thuật nội soi đại tràng. Những polyp nhỏ có thể được cắt bỏ bằng một dụng cụ được gắn vào đầu nội soi và cắt những mảnh mô nhỏ. Các polyp lớn hơn thường được loại bỏ bằng cách đặt một cái thòng lọng xung quanh chân polyp và đốt nóng bằng dao đốt điện (Hình 3). Đốt điện cũng giúp ngừng chảy máu sau khi cắt bỏ polyp.
Hình 3: Phẫu thuật cắt polyp đại tràng
Polyp được cắt bỏ không đau bởi vì niêm mạc đại tràng không có khả năng cảm nhận đau. Thêm vào đó, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc an thần trước khi nội soi đại tràng để tránh đau do co thắt đại tràng.
Các biến chứng: Mặc dù an toàn, nhưng phẫu thuật cắt polyp vẫn có những nguy cơ và biến chứng. Biến chứng thường gặp nhất là chảy máu và lỗ thủng (tạo thành 1 lỗ trong đại tràng). May mắn là điều này xảy ra không thường xuyên (1/1000 bệnh nhân nội soi đại tràng). Chảy máu thường có thể được kiểm soát trong quá trình nội soi đại tràng bằng đốt điện (dùng nhiệt) tại chỗ chảy máu, phẫu thuật thường được áp dụng đối với các lỗ thủng.
Các thuốc sử dụng: Các thuốc chống viêm phi steroid (NSAIDS) bao gồm aspirin, ibuprofen (các nhãn cùng tên: Advil, Motrin) và naproxen (nhãn thuốc cùng tên: Aleve) thường có thể tiếp tục sử dụng trước khi nội soi đại tràng.
Acetaminophen (nhãn thuốc cùng tên: Tylenol) cũng rất an toàn khi sử dụng. Những người đang sử dụng các thuốc chống đông như warfarin (nhãn thuốc cùng tên: Coumadin) nên thảo luận với bác sỹ xem như thế nào và khi nào nên dừng và tiếp tục sử dụng thuốc.
PHÒNG NGỪA UNG THƯ ĐẠI TRÀNG
Nội soi đại tràng kiểm tra định kỳ: Bệnh nhân nên thảo luận các kết quả phân tích mô sinh thiết sau khi có kết quả để quyết định liệu có cần và khi nào nên tiến hành khám kiểm tra. Người có polyp tuyến có nguy cơ cao phát triển nhiều polyp hơn nữa. Khoảng 25 – 30% khả năng polyp tuyến sẽ lại được tìm thấy trong nội soi đại tràng lặp lại 3 năm sau phẫu thuật cắt polyp. Một số polyp đã có từ lần kiểm tra đầu nhưng quá nhỏ để có thể phát hiện ra. Hoặc một số polyp mới xuất hiện.
Sau khi các polyp được loại bỏ, bệnh nhân nên tiến hành nội soi đại tràng lại để kiểm tra, thường 3 – 5 năm sau lần nội soi ban đầu. Tuy nhiên, khoảng thời gian cho lần kiểm tra này phụ thuộc vào một số yếu tố:
- Các đặc điểm vi thể của polyp
- Số lượng và kích thước của các polyp
- Khả năng quan sát đại tràng trong quá trình nội soi. Chuẩn bị ruột rất cần thiết trước khi nội soi. Nếu chuẩn bị ruột không tốt, phân sẽ vẫn còn trong đại tràng làm cho việc quan sát các polyp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong trường hợp này, nội soi đại tràng lặp lại sẽ có thể được khuyến cáo sớm hơn so với khoảng thời gian 3 – 5 năm như đã nói.
- Liệu có khả năng khám toàn bộ đại tràng hay không
Những người tiến hành sàng lọc (và sàng lọc lại) ung thư đại tràng có tỷ lệ tử vong do ung thư đại tràng thấp hơn. Vì vậy, tuân thủ các hướng dẫn về sàng lọc là rất quan trọng để phòng ngừa ung thư đại tràng.
Thay đổi lối sống: Các hướng dẫn được ban hành bởi một trong các viện y học lớn nhất nước Mỹ (American College of Gastroenterology) đã gợi ý như sau:
- Ăn chế độ ăn ít chất béo và nhiều hoa quả, rau xanh và chất xơ
- Duy trì cân năng ổn định
- Tránh hút thuốc và uống quá nhiều rượu
CÁC GỢI Ý CHO GIA ĐÌNH
Các thành viên thuộc thế hệ thứ nhất (bố mẹ, anh chị hoặc con cái) của người được chẩn đoán polyp tuyến (hoặc ung thư đại trực tràng) trước 50 tuổi có nguy cơ cao phát triển polyp tuyến và ung thư đại trực tràng so với nhóm quần thể khác. Vì vậy, các thành viên trong gia đình nên biết liệu người đó được chẩn đoán là polyp tuyến hay ung thư đại tràng.
Trong khi việc sàng lọc cho polyp và ung thư được khuyến cáo cho tất cả mọi người (nên bắt đầu từ tuổi 50) thì những người có nguy cơ cao này nên tiến hành sàng lọc sớm hơn. Xét nghiệm tốt nhất trong sàng lọc cho những người có nguy cơ ung thư cao này vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên một xét nghiệm nhạy cảm (ví dụ nội soi đại tràng) vẫn luôn được khuyến cáo.
Các thành viên trong gia đình có thể được yêu cầu theo dõi, dựa trên các hướng dẫn cụ thể cho việc sàng lọc cho những người có tiền sử gia đình ung thư đại trực tràng:
- Người có 1 thành viên thuộc thế hệ thứ nhất (bố mẹ, anh chị, con cái) mắc ung thư đại trực tràng hoặc polyp tuyến tiến triển từ khi còn trẻ (trước 60 tuổi), hoặc 2 thành viên thuộc thế hệ thứ nhất được chẩn đoán ở bất kỳ tuổi nào, nên bắt đầu sàng lọc ung thư đại tràng sớm, cụ thể là từ tuổi 40, hoặc trẻ hơn 10 năm so với người được chẩn đoán sớm nhất trong gia đình. Việc sàng lọc luôn bao gồm nội soi đại tràng, và nên được lặp lại mỗi 5 năm.
- Người có 1 thành viên thuộc thế hệ thứ hai (ông bà, cô hoặc bác) hoặc thế hệ thứ ba (cụ hoặc cháu họ) mắc ung thư đại trực tràng nên được sàng lọc ung thư đại tràng giống như những người có nguy cơ trung bình.
- Một vài trường hợp, như ung thư đại trực tràng không polyp di truyền (Hội chứng Lynch), bệnh polyp tuyến trong gia đình, bệnh MYH liên quan polyp, và bệnh viêm đường ruột (viêm loét đại tràng, bệnh Crohn) làm tăng đáng kể nguy cơ polyp hoặc ung thư đại tràng cho các thành viên trong gia đình.
Dương Thùy Linh
Cử nhân Điều dưỡng tiên tiến - ĐHYH