Nguyên nhân và cách phòng chữa tiêu chảy ở người lớn
Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy (ỉa chảy) là tình trạng đi ngoài nhiều lần (thường trên 3 lần/ngày), phân lỏng và nhiều nước. Tiêu chảy là một bệnh khá phổ biến ở người lớn và hầu hết mọi người đều có thể mắc tiêu chảy với tần suất khoảng 3-4 lần/năm.
Nguyên nhân gây tiêu chảy?
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy, dưới đây là một số “thủ phạm” chính:
- Nhiễm khuẩn các loại virus, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng từ thức ăn, nước uống
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Do cơ thể không thể tiêu hóa một số thực phẩm nhất định (cơ thể không có men để tiêu hóa lactose trong sữa...)
- Ăn phải những loại thức ăn khó tiêu, thức ăn bị ôi thiu, bị nhiễm bẩn
- Các bệnh lí gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa
Tôi có thể tự điều trị tiêu chảy tại nhà không?
Bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện tình trạng tiêu chảy của mình bằng cách thực hiện theo một số lời khuyên dưới đây:
- Bù nước bằng cách uống thật nhiều dung dịch nước muối đường. Các dung dịch tự làm ở nhà như nước hoa quả, súp gà... cũng có thể được dùng để bù nước. Khi bạn bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể thì nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng nhạt và khá trong
- Trong giai đoạn này chỉ nên ăn vừa phải, không nên ăn quá nhiều các loại thực phẩm, nên ăn những loại như cơm, bún, khoai tây, chuối, súp và các loại rau củ đã nấu chín. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc ăn những loại thức ăn chứa nhiều muối rất tốt trong việc cải thiện tình trạng tiêu chảy.
- Nếu như bạn không bị sốt hoặc bị đi ngoài ra máu thì bạn có thể sử dụng các thuốc làm giảm nhu động ruột như Loperamid (tên biệt dược: Imodium)
Khi nào thì nên đến khám bác sĩ hoặc điều dưỡng?
Trong các trường hợp dưới đây, bạn nên đến gặp các bác sĩ hoặc điều dưỡng để được nhận những lời tư vấn từ họ :
- Các triệu chứng tiêu chảy nặng lên sau 48 giờ
- Đi ngoài hơn 6 lần/24 giờ
- Đi ngoài nhiều lần, phân màu đen có lẫn máu hoặc mủ
- Sốt cao trên 38 độ
- Đau bụng dữ dội
- Người già trên 70 tuổi
- Sau khi dùng các thuốc kháng sinh thì xuất hiện tình trạng tiêu chảy
- Cơ thể bị mất nước trầm trọng với những dấu hiệu sau:
- Đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước
- Mệt mỏi
- Khát nước
- Khô môi, miệng, da và các màng nhầy
- Dễ bị chuột rút
- Hoa mắt, chóng mặt
- Lơ mơ, lú lẫn, trong các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến mê sảng hay bất tỉnh
- Đi tiểu ít hoặc không có, nước tiểu màu vàng đậm hoặc màu hổ phách
Những xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán là gì?
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân không cần làm bất kì xét nghiệm nào để chẩn đoán. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh làm một số kiểm tra,xét nghiệm dưới đây:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm nước tiểu
- Cấy phân để tìm nguyên nhân
Những xét nghiệm trên sẽ giúp các bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh và đưa ra hướng xử trí. Hơn nữa, các xét nghiệm này cũng giúp đánh giá tình trạng mất nước của bệnh nhân
Điều trị bệnh tiêu chảy như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân thì các bác sĩ sẽ có những hướng điều trị thích hợp. Trong một số trường hợp, người bệnh không cần bất kì biện pháp điều trị nào mà có thể tự khỏi, tuy nhiên trong trường hợp tiêu chảy nặng, tình trạng mất nước nghiêm trọng thì có thể:
- Kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng
- Các thuốc làm giảm tình trạng tiêu chảy như: loperamide (tên biệt dược: Imodium), diphenoxylate (tên biệt dược: Lomotil), hoặc bismuth subsalicylate (tên biệt dược: Pepto-Bismol, Kaopectate).
- Bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch
- Dừng một số thuốc nếu gây tác dụng phụ là tiêu chảy
- Thay đổi chế độ ăn và một số thực phẩm
Làm thế nào để phòng tránh tiêu chảy?
Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh tiêu chảy bằng việc thực hiện tốt các nguyên tắc dưới đây:
- Rửa sạch tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi vứt rác, thay bỉm cho trẻ nhỏ, sau khi chơi với vật nuôi
- Khi bị tiêu chảy nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh tiếp tục đi đến cơ quan, trường học
- Lưu ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng cách:
- Không sử dụng nước nhiễm khuẩn
- Không uống nước chưa đun sôi
- Rửa kĩ rau củ quả trước khi sử dụng
- Giữ thực phẩm trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 40C hoặc đông lạnh ở -180C
- Nấu chín các loại thức ăn trước khi sử dụng
- Khi luộc trứng nên luộc đến khi lòng đỏ chín kĩ
- Vệ sinh tay, dao và thớt sau khi dùng để thái các thực phẩm sống.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội