Cách phòng tránh bệnh loãng xương
Bệnh loãng xương là gì?
Loãng xương là một tình trạng bệnh trong đó xương yếu và dễ bị gãy. Ở bệnh nhân mắc bệnh loãng xương, xương có thể bị gãy sau khi ngã.
Gãy xương gây ra tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân đặc biệt là trong trường hợp gãy xương đùi. Một số bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ không thể tự mình đi lại được nữa và phải nhận sự chăm sóc tại viện dưỡng lão. Do đó, đối với bệnh nhân bị loãng xương thì việc tránh để bị gãy xương là vô cùng quan trọng.
Làm thế nào để tôi biết là mình có đang bị loãng xương hay không?
Bệnh loãng xương thường không có nhiều triệu chứng lâm sàng đặc trưng cho đến khi bệnh nhân bị gãy xương. Tuy vậy, bác sỹ của bạn vẫn nên kiểm tra xem liệu bạn có bị loãng xương hay không. Xét nghiệm tốt nhất là đo mật độ xương thông qua chụp X quang (phương pháp DXA).
Các chuyên gia khuyến cáo nên tiến hành đo mật độ xương cho phụ nữ trên 65 tuổi bởi đây là nhóm nguy cơ cao mắc loãng xương. Ngoài ra thì cũng được khuyến cáo cho một số đối tượng khác. Bạn nên tới bác sỹ tư vấn xem liệu mình có cần làm xét nghiệm đo mật độ xương hay không.
Một vài trường hợp bệnh nhân loãng xương bị gãy xương sau khi ngã hay va chạm nhẹ. Tình trạng này được gọi là gãy xương do yếu xương.
Tôi phải làm gì để xương được chắc khỏe?
Để xương được chắc khỏe bạn nên:
●Ăn những thực phẩm giàu canxi như sữa, sữa chua, rau xanh (hình 1)
●Ăn thức ăn giàu vitamin D như sữa có chứa vitamin D, cá biển
●Dùng thêm viên uống canxi và vitamin D nếu thực phẩm bạn ăn không cung cấp đủ lượng canxi và vitamin D
●Tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần
●Không hút thuốc lá
●Hạn chế uống bia rượu (nhiều nhất là từ 1-2 ly một ngày)
Các biện pháp phòng tránh để không bị ngã
●Dùng thảm chống trượt
●Cuốn gọn dây cắm các thiết bị điện để không vướng vào người bạn khi di chuyển
●Lối đi được chiếu ánh sáng đầy đủ
●Tránh đi vào nền nhà trơn trượt
●Đi giày đế cao su vững chắc và thoải mái
●Kiểm tra thị lực thường xuyên
●Hỏi bác sỹ xem có loại thuốc nào bạn đang dùng có tác dụng phụ gây chóng mặt hay không
Bệnh loãng xương có chữa được không?
Hiện nay có một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh loãng xương và giúp làm giảm nguy cơ gãy xương.
Các bác sỹ thường kê sử dụng các thuốc bisphosphonate đầu tiên. Nếu như những thuốc biphosphonate không có tác dụng trong điều trị hay có nhiều tác dụng không mong muốn thì lúc đó sẽ chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác.
Làm sao tôi biết được việc điều trị có hiệu quả hay không?
Các bác sỹ của bạn sẽ cho bạn làm các xét nghiệm mật độ xương xem các thuốc điều trị loãng xương bạn đang dùng có thật sự mang lại hiệu quả hay không. Xét nghiệm này được ưu tiên sử dụng đầu tiên. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần làm thêm các xét nghiệm máu hoặc nước tiểu.
Phạm Thị Lệ Huyền
Cử nhân tiên tiến, Đại học Y Hà Nội