Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tim mạch
Giảm lượng muối ăn vào
Là yêu cầu đầu tiên đối với bệnh nhân mắc bệnh tim mạch phải điều trị dài ngày. Trong giai đoạn bệnh ổn đinh, có thể chỉ cần giảm lượng muối dùng khi chế biến thức ăn và tránh sử dụng những thức ăn chứa nhiều muối như dưa muối, cà muối, trứng muối, cá biển, thực phẩm đóng hộp, mì gói, lạp xưởng, ... Lượng muối mà người bệnh sử dụng 1 ngày chỉ nên trong khoảng 2-4 gam, tức là không chấm thêm nước chấm hay muối, nêm nếm thức ăn …
Hạn chế thức ăn có nhiều chất béo
Hạn chế sử dụng các loại thịt, cá xuống còn 150-200 gam/ngày. Sử dụng thịt thăn, thịt bắp không dính mỡ. Loại bỏ tất cả những phần mỡ nhìn thấy trước khi chế biến và lượng mỡ được tạo ra trong quá trình đun nấu. Không ăn nước xào, nước ninh xương ống, xương cục; không ăn da, đầu, cổ, cánh, chân của các loại gia cầm; hạn chế ăn phủ tạng động vật. Không ăn quá 2-3 quả trứng trong một tuần và phải cách ngày. Uống sữa tách béo. Ăn ít nhất 3- 4 bữa cá/tuần và sử dụng dầu thực vật trong chế biến thức ăn để cung cấp các acid béo không no có lợi cho tim mạch.
Tăng cường chất xơ và chất chống oxi hóa
Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe được gọi là các flavonoid, hoạt động như các chất chống oxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch các hoa quả như: chuối, nho, cam… rất giàu vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, hoa quả và rau xanh chứa rất nhiều chất xơ hòa tan giúp tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể, nhờ đó giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Một số loại rau lá xanh thẫm (rau muống, dền,…) có chứa folate và vitamin B9, đóng vai trò quan trọng bảo vệ tim mạch khỏe mạnh và làm giảm homocysteine trong máu, ngăn ngừa bệnh đột quỵ, giảm huyết áp....
Hạn chế đồ ngọt
Đường là chất cung cấp một lượng lớn gluxit và calo, không có vitamin và khoáng nên được gọi là chất chứa "calo rỗng". Khi hấp thụ chất đường, cơ thể phải tiêu tốn một lượng lớn vitamin nhóm B. Người thường xuyên ăn nhiều đường sẽ phát triển bệnh xơ vữa động mạch, tiểu đường, ung thư.
Hạn chế uống rượu, bia
Với hệ tim mạch, rượu gây tổn thương cơ tim, tăng kích thước tim, giảm khả năng đẩy máu của tim và khi đó, những công việc nhẹ có thể gây khó thở. Rượu làm giãn các mạch máu ngoại vi, máu dồn ra ngoài da nhiều hơn, bởi vậy người uống rượu dễ bị nhiễm lạnh (mất nhiệt), nhất là vào mùa đông.
Bỏ thuốc lá
Thuốc lá là một trong các nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch vành. Bên cạnh đó, nó ảnh hưởng rất xấu đối với những người đã mắc bệnh tim mạch nói chung do chất nicotin trong thuốc lá có thể gây xơ vữa mạch, gây co thắt động mạch vành. Do đó người bệnh tim mạch phải cố gắng bằng mọi cách bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt.