Dị ứng lạc có thể dẫn tới tử vong
Dị ứng lạc là khi hệ miễn dịch phản ứng với lạc như một chất gây hại cho cơ thể. Như vậy, nếu ăn, ngửi hoặc tiếp xúc với lạc, phản ứng dị ứng có thể xuất hiện.
Các triệu chứng phổ biến của phản ứng dị ứng bao gồm:
- Phát ban: nổi ban sần, đỏ, ngứa (hình 1)
- Sưng húp vùng mặt, mí mắt, tai, miệng, chân tay.
- Sưng lưỡi (hình 2)
- Khó thở, thở rít, ho
- Nôn, buồn nôn và tiêu chảy
- Chóng mặt
- Tử vong (hiếm gặp)
Phản ứng dị ứng ở mức độ nghiêm trọng gọi là “phản vệ”, chúng diễn ra một cách nhanh chóng và nghiêm trọng. Mặc dù hiếm gặp, nhưng dị ứng lạc có thể gây ra:
- Chàm Eczema: Da bị ngứa và bong tróc.
- Viêm thực quản tăng bạch cầu Eosin: Tình trạng khó nuốt thức ăn và gây ra ợ nóng.
Để xác định xem bạn có dị ứng với lạc không, bác sỹ sẽ hỏi một số thông tin về loại thực phẩm đã ăn và các triệu chứng sau đó. Sau đó họ làm xét nghiệm để kiểm tra, bao gồm:
- Xét nghiệm da: Bác sỹ hoặc điều dưỡng nhỏ một giọt tinh dầu lạc vào da bạn và chích một mũi nhỏ vào da. Sau đó họ quan sát vùng da đó có bị đỏ và ngứa không.
- Xét nghiệm máu để tìm kháng thể IgE đặc hiệu với lạc.
Ngoài ra, còn có thể kiểm tra bằng cách dùng trực tiếp lạc và theo dõi xem có triệu chứng gì không. Tuy nhiên cách này chỉ sử dụng trong phòng khám hoặc bệnh viện dưới sự kiểm soát của bác sỹ.
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị triệt để dị ứng lạc. Phản ứng dị ứng gây ra bởi lạc có thể điều trị bằng thuốc Epinephrine. Có thể sử dụng Epinephrine trong máy chích tự động. Bác sỹ sẽ hướng dẫn cách dùng cụ thể khi kê đơn cho bạn. Hãy ghi nhớ luôn giữ máy chích tự động bên người, nếu phản ứng dị ứng do lạc xảy ra, sử dụng nó ngay lập tức trước khi gọi cấp cứu. Nếu bạn không có máy chích tự động Epinephrine khi bị phản ứng dị ứng, hãy gọi cấp cứu, không được cố gắng tự đến bệnh viện.
Cách duy nhất để ngăn ngừa phản ứng dị ứng là tuyệt đối không ăn lạc và các thực phẩm làm từ lạc. Việc đọc kỹ thành phần của thực phẩm trước khi sử dụng là một việc vô cùng quan trọng. Một vài loại thực phẩm có dán kèm nhãn cảnh báo dị ứng thực phẩm, chẳng hạn “Chú ý thành phần bao gồm lạc”. Các loại thực phẩm có thể có thành phần là lạc như các sản phẩm nướng, đồ ăn châu Á, châu Phi, Mexico. Nếu bạn dùng bữa tại nhà hàng, tiệm bánh… hãy chú ý thông báo với người phục vụ về dị ứng lạc của bạn.
Một số chú ý khác về dị ứng lạc, bao gồm:
- Có thể bị phản ứng dị ứng nếu họ tiếp xúc hoặc trao đổi nước bọt (hôn) với người đã ăn lạc hoặc chưa đánh răng sau khi ăn lạc.
- Chỉ ngửi mùi bơ lạc thì không thể gây ra phản ứng dị ứng.
- Ngửi bụi, bột lạc hoặc các loại protein lạc có thể dẫn đến phản ứng dị ứng. Chẳng hạn như khi nấu đồ ăn có lạc (nếu họ bị dị ứng lạc nghiêm trọng).
- Có thể bị dị ứng với các thức ăn khác, do đó họ cũng cần tránh các loại thức ăn đó.
Nếu con bạn bị dị ứng với lạc, hãy thông báo với người chăm sóc, trường học biết. Cụ thể:
- Thông báo với họ loại thực phẩm con bạn có thể và không thể ăn.
- Lên kế hoạch để họ biết đối phó với tình huống khi phản ứng dị ứng xảy ra.
- Đảm bảo họ biết chỗ lấy và cách dùng máy chích tự động.
- Đảm bảo họ biết cách thông báo với bạn và bác sỹ trong trường hợp khẩn cấp.
Hầu hết dị ứng lạc không biến mất cùng với sự phát triển của trẻ nhỏ, nhưng trong một số ít trường hợp có thể hết dị ứng lạc khi đứa trẻ lớn lên. Bác sỹ sẽ theo dõi sức khỏe của đứa trẻ để xác định liệu dị ứng lạc có biến mất khi đứa trẻ lớn lên.
Hình 1
Hình 2
Cấn Thị Hoa – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến khóa 1
Đại học Y Hà Nội.