Khi nào bạn cần đi nội soi dạ dày?
Hình 1: Nội soi đường tiêu hóa trên
Khi nào tôi nên đi nội soi đường tiêu hóa trên? - Bạn nên đi làm nội soi đường tiêu hóa nếu bạn bị một số bệnh lí dưới đây:
- Đau bụng không rõ nguyên nhân
- Tình trạng trào ngược acid dạ dày
- Nôn và buồn nôn kéo dài liên tục
- Tiêu chảy kéo dài
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen
- Khó nuốt, thường hay mắc nghẹn
- Các xét nghiệm hệ tiêu hóa chỉ ra những dấu hiệu bất thường
- Nuốt phải dị vật
- Nghi ngờ hoặc xuất hiện các khối u trong đường tiêu hóa
Trước khi nội soi, tôi nên chuẩn bị những gì? - Các bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên chuẩn bị những gì trước khi tiến hành nội soi. Ngừng ăn uống trước khi nội soi: Có thể bạn phải ngừng ăn hoặc uống 6-8 giờ trước khi nội soi để đảm bảo dạ dày sạch. Ngưng dùng thuốc nhất định: Nếu bạn đang dùng một số loại thuốc (thuốc loãng máu, thuốc tiểu đuòng, thuốc tim…) bạn sẽ phải ngừng dùng thuốc trước 1 tuần. Hãy trao đổi, tham khảo ý kiến các bác sĩ nếu như bạn có bất kì vấn đề gì, bạn chưa sẵn sàng để tiến hành nội soi hoặc bạn có những thắc mắc gì về thủ thuật.
Thủ thuật nội soi được tiến hành như thế nào? - Trước tiên bạn sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch, sau đó các bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc an thần, giúp thư giãn trong quá trình nội soi. Bác sĩ cũng có thể phun một chất gây mê trong miệng để làm tê cổ họng chuẩn bị để đưa các ống dài linh hoạt (nội soi) vào để xem đường tiêu hóa. Bạn có thể sẽ phải ngậm một dụng cụ bằng nhựa để bảo vệ răng và giữ miệng luôn mở trong suốt quá trình làm thủ thuật. Tiếp theo, các bác sĩ sẽ luồn một ống nhỏ linh hoạt có gán camera và đèn qua miệng, xuống thực quản, dạ dày và tá tràng. Các bác sĩ sẽ nhìn trên màn hình để phát hiện ra những tổn thương (sưng nề, chảy máu, khối u, loét…) trong hệ tiêu hóa.
Trong quá trình nội soi, các bác sĩ có thể kết hợp làm một số thủ thuật:
- Lấy mẫu bệnh phẩm để làm sinh thiết: Các bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ trên thành biểu mô của ống tiêu hóa, sau đó tiến hành nhuộm và soi dưới kính hiển vi
- Điều trị một số vấn đề, bệnh lí đường tiêu hóa: Ví dụ: nếu bạn bị xuất huyết ở một số vị trí trên ống tiêu hóa, các bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu ngay khi đang nội soi. Nếu bạn khó nuốt, hay mắc nghẹn do nguyên nhân hẹp tắc ống thực quản, các bác sĩ sẽ có thể làm rộng những vị trí bị hẹp tắc đó.
Sau khi nội soi tôi nên làm gì? - Sau khi nội soi, bạn sẽ được theo dõi trong vòng 1-2 tiếng cho đến khi thuốc an thần hết tác dụng. Bạn không nên lái xe hoặc làm việc nga sau khi nội soi. Tuy nhiên, bạn có thể trở lại sinh họat và lao động bình thường vào ngày hôm sau.
Những rủi ro của nội soi là gì? - Tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi nội soi là cảm giác chướng hơi, đầy bụng, khó tiêu. Một số người do tác dụng của thuốc an thần sẽ cảm thấy buồn nôn và nôn mửa. Tuy nhiên, những triệu chứng khó chịu này sẽ dần biến mất và nếu cần thiết, các bác sĩ sẽ cho bạn sủ dụng thuốc để giảm nôn và buồn nôn. Sau khi nội soi, bạn hoàn toàn có thể ăn uống bình thường.
Một số tác dụng phụ hiếm gặp sau nội soi có thể bao gồm:
- Thúc ăn tù dạ dày trào ngược vào phổi
- Xuất huyết đường tiêu hóa
- Vết rách trên niêm mạc ống tiêu hóa
- Sưng tấy, phù nề ở vị trí đặt đường truyền
Khi nào tôi nên gọi cho bác sĩ hoặc điều dưỡng? - Hãy gọi ngay cho các bác sĩ hoặc điều dưỡng nếu bạn có bất kì dấu hiệu bất thường sau khi nội soi:
- Đau quặn bụng cùng cảm giác chướng bụng, đầy hơi
- Cứng bụng, khó tiêu
- Nôn
- Sốt
- Khó nuốt, đau họng
- Đi ngoài phân đen
- Cảm giác "lạo xạo" ở vùng da cổ.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội.