Phân biệt loại đau đầu, cách chữa và những thông tin cần thiết
Có nhiều loại đau đầu khác nhau? – Đúng vậy. Có nhiều loại đâu đầu. Có 2 loại hay gặp phổ biến nhất là:
Đau đầu căng thẳng – Loại đau đầu này gây ra triệu chứng như bóp chặt vào 2 bên đầu.
Đau đầu migraine – Loại đau đầu này thường khởi đầu đau nhẹ sau đó nặng dần lên. Đau thường chỉ 1 bên đầu. Chứng này có thể gây buồn nôn và nôn hoặc làm cho người bệnh khó chịu với ánh sáng và tiếng ồn.
Có cách nào có thể làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn khi lại đau đầu không? – Có. Một số người cảm thấy dễ chịu hơn nếu họ:
Nằm ở phòng mát, ít ánh sáng, yên tĩnh (nhất là đối với đau đầu Migraine).
Uống thuốc giảm đau không kê đơn (nhưng phải tư vấn với bác sỹ của mình trước khi dùng bất kỳ thuốc mới nào nếu bạn có bệnh kèm theo hoặc đang uống thuốc theo đơn).
Có cách nào có thể giúp bệnh nhân tránh bớt các cơn đau đầu không? – Có. Một số người thấy rằng họ bị kích thoạt cơn đau do một vài loại thức ăn hay hoạt động nào đó.
Để tránh xảy ra các cơn đau về sau, bạn có thể cần đến một “nhật ký dành cho người đau đầu”. Trong nhật ký này, cần ghi chép lại thông tin mỗi khi đau đầu và bạn đã dùng thức ăn gì, hoạt động gì trước khi khởi phát đau đầu. Bằng cách đó, bạn có thể tìm ra hoạt động hay laoij thức ăn nào nên tránh.
Một số yếu tố kích hoạt đau đầu thường gặp gồm:
Bỏ bữa hoặc ăn quá ít.
Uống quá ít hoặc quá nhiều chất caffeine (cà phê).
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.
Một số loại đồ ăn, đồ uống như: rượu vang đỏ, pho mát và xúc xích.
Một số phụ nữ có cơn đau đầu Migranne ngay trước khi họ đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu điều đó xảy ra với bạn hãy cho thấy thuốc của bạn biết. Có nhiều thuốc có thể hữu ích.
Bạn nên đi khám bác sỹ không? – Hãy đi khám bác sỹ ngay nếu:
Cơn đau đầu xảy ra đột ngột, đau nặng, dữ dội ngay từ ban đầu hay có thể mô tả như “cơn đau đầu tồi tệ nhất trong đời bạn”.
Đau đầu có kem theo sốt hoặc cứng gáy cổ.
Đau kèm theo co giật, thay đổi tính cách hoặc lú lẫn hoặc mất ý thức.
Đau đầu ngay sau khi hoạt động thể lực hoặc gắng sức.
Bạn chưa từng bị đau đầu như lần này trước đây và còn kèm theo tê, yếu hoặc rối loạn thị giác (đau đầu Migrane đôi khi có thể gây ra các triệu chứng như vậy, nhưng bạn vẫn cần đi khám ngay khi thấy những biểu hiện này).
Bạn vẫn nên đi khám bác sỹ nếu đau đầu thường xuyên hoặc đau đầu mức nặng.
Đau đầu được điều trị thế nào? – Có nhiều loại thuốc kê đơn và không kê đơn có thể làm dịu đau đầu. Đông thời, có nhiều thuốc kê đơn giúp phòng đau sau cơn.
Thuốc nào phù hợp cho bạn sẽ phụ thuộc vào loại đau đầu bạn mắc, mức độ thường xuyên và cường độ đau.
Nếu đau đầu thường xuyên, hãy tư vấn bác sỹ để chọn giải pháp điều trị phù hợp. Đừng cố tự điều trị cơn đau đầu đã kéo dài, lặp lại nhiều lần bằng thuốc giảm đau không kê đơn.
Uống thuốc không kê đơn kéo dài, thường xuyên có thể sẽ làm cho đau đầu trầm trọng hơn.
Bạn cần biết gì nếu con bạn bị đau đầu? – Trẻ em có thể mắc các loại đau đầu giống như người lớn. Tuy nhiên trẻ em có thể xuất hiện cơn đau trong những tình huống mà người lơn không bị tác động. Ví dụ như, trẻ em thường xuất hiện cơn đau khi chúng bị cảm cúm.
Hãy đưa trẻ đến khám bác sỹ ngay (không tự dùng thuốc) nếu trẻ đau đầu trong các trường hợp sau:
Xuất hiện sau chấn thương vùng sọ não
Đau nặng hoặc kèm theo triệu chứng khác như:
Sốt (nhiệt độ trên 380C)
Nôn
Rối loạn thị giác hoặc nhìn đôi (1 thành 2)
Đau hoặc cứng gáy cổ
Lú lẫn hoặc không tỉnh táo
Mất thăng bằng hay loạng choạng.
Bạn cũng cần đưa trẻ đến khám bác sỹ nếu con bạn đau đầu kéo dài hơn 1 tháng.
Thông tin dành cho bệnh nhân (và người thân): Đau đầu ở trẻ em (kiến thức cơ bản).
Trẻ em mắc những chứng đau đầu nào? – Đau đầu thường gặp ở trẻ em. Hai loại đau đầu thường gặp nhất là:
Đau đầu kiểu căng thẳng – Đau đầu kiểu căng thẳng gây ra triệu chứng đau như ép chặt cả 2 bên đầu – bên trái và bên phải. Chứng đau này thường không đau nặng đến mức buộc trẻ phải bỏ các hoạt động thường ngày, ví dụ như đi học.
Đau đầu Migraine – Loại đau đầu này thường khởi phát đau nhẹ sau đó đau nặng hơn. Có thể chỉ đau 1 bên đầu hoặc cả hai. Chứng này có thể làm cho trẻ thấy khó chịu hoặc nôn hoặc khó chịu với ánh sáng và tiếng ồn. Nó cũng có thể gây ra rối loạn thị giác tạm thời. Ví dụ, trước khi khởi phát cơn migraine, một số trẻ nhìn thấy các điểm đen hoặc tia sáng. Khi có cơn migraine, trẻ thường không thể tham gia các hoạt động hàng ngày một cách bình thường được, chẳng hạn như đi học.
Trẻ em có xu hướng khởi phát cơn kèm với mắc cảm cúm, bệnh cúm, viêm họng hoặc nhiễm trùng xoang.
Trong những trường hợp đau đầu hiếm gặp ở trẻ là do nhiễm trùng nguy hiểm (như viêm màng não), tăng huyết áp rất cao hoặc u não.
Nên đưa trẻ đi khám bác sỹ khi nào? – Bạn nên đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay (không tự ý dùng thuốc) nếu con bạn đau đầu có kèm các biểu hiện sau:
Cơn xuất hiện sau chấn thương sọ não (vùng đâu).
Đau làm cho trẻ phải thức giấc.
Đau đột ngột, đau nhiều và kèm với các triệu chứng sau:
Nôn
Đau và cứng gáy cổ
Nhìn đôi hoặc rối loạn thị giác
Lú lẫn hoặc mất tỉnh táo
Mất thăng bằng
Sốt trên 380C.
Bạn cũng nên đưa trẻ đi khám bác sỹ nếu:
Đau đầu nhiều hơn 1 lần/tháng
Đau đầu ở trẻ nhỏ hơn 3 tuổi
Đau đầu ở trẻ mắc một số bệnh liên quan như hồng cầu hình liềm, bệnh về đông máu, bệnh hệ miễn dịch, bệnh về tim, rối loạn gen hoặc ung thư.
Bạn có cách nào để tự giúp con mình đỡ cơn đau không? – Có. Nếu cơn đau của trẻ không phù hợp với các mô tả ở trên, bạn có thể:
Cho trẻ nằm nghỉ ở phòng yên tĩnh, ít ánh sáng và đắp khăn mát lên trán trẻ.
Dỗ cho trẻ ngủ nếu trẻ muốn. Giấc ngủ có thể làm dịu cơn đặc biệt đau đầu migraine.
Cho trẻ uống thuốc giảm đau như Acetaminopinen dành cho trẻ em (như biệt dược Tylenol) hoặc Ibuprofen dành cho trẻ em (như biệt dược: Advil, motrin). Không được dùng Aspirin. Ở trẻ em, Aspirin có thể gây ra biến chứng nguy hiểm tính mạng gọi là hội chứng Reye (hội chứng não cấp).
Trẻ có cần làm xét nghiệm gì không? – Có thể không. Hầu hết đau đầu ở trẻ em không phải do các bệnh nguy hiểm. Thông thường bác sỹ có thể chẩn đoán vấn đề của trẻ bằng thăm khám và hỏi triệu chứng. Nhưng nếu bác sỹ nghi ngờ nhiễm trùng nguy hiểm hoặc vấn đề quan trọng thì bác sỹ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm thăm dò như chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính. Hình ảnh chụp cho ta biết cấu trúc bên trong cơ thể.
Đau đầu ở trẻ em điều trị thế nào? – Có nhiều loại thuốc dùng để điều trị và dự phòng đau đầu. Bác sỹ sẽ chọn loại phù hợp nhất đối với con của bạn.
Có cách nào giúp trẻ tránh cơn đau đầu không? – Có. Một số loại cơn đau đầu bị kích hoạt do các thức ăn, đồ uống hoặc một hoạt động nào đó. Nên lập một “nhật ký về đau đầu” cho con bạn. Trong nhật ký, hãy ghi lại tên loại thực phẩm trẻ dùng hoặc và hoạt động của trẻ trước khi có cơn đau. Bằng cách đó, bạn có thể biết được trẻ cần phải tránh thức ăn hay hoạt động gì.
Một số yếu tố có thể kích hoạt đau đầu gồm:
Bỏ bữa ăn
Không uống đủ nước
Uống qúa nhiều cà phê hoặc giảm quá nhiều (so với trước đó)
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít
Căng thẳng
Đồ ăn như xúc xích
Thông tin dành cho bệnh nhân: Đau đầu ở trẻ em (kiến thức nâng cao)
Tổng quan về đau đầu – Đau đầu là chứng thường gặp ở trẻ em, đến 90% trẻ ở độ tuổi đến trường từng mắc chứng này. Khi trẻ càng lớn thì cơn đau đầu càng dày hơn. Có nhiều nguyên nhân có thể gây đau đầu, từ thông thường và lành tính cho đến các nguyên nghiêm trọng hơn nhưng hiếm gặp.
Phần này sẽ tổng hợp nguyên nhân, đánh giá và điều trị đau đầu ở trẻ em. Có chủ đề riêng bàn về đau đầu ở người lớn.
Nguyên nhân đau đầu: - Có một số nguyên nhân có thể gây đau đầu ở trẻ em. Các nguyên nhân hay gặp nhất bao gồm:
Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc virus (gồm nhiễm khuẩn tai, cảm cúm, dị ứng, viêm xoang, viêm họng).
Đau đầu liên quan đến căng thẳng hoặc do căng thẳng làm đau đầu nhiều hơn (ví dụ, vấn đề trong gia đình hoặc ở trường).
Chấn thương vùng đầu mức nhẹ
Đau đầu chuỗi hoặc Migraine
Đau đầu căng thẳng.
Chấn thương vùng đầu (sọ não) có thể xảy ra lúc ở nhà, ỏ trường hoặc khi chơi thể thao là nguyên nhân hay gặp gây đau đầu. Trẻ bị chấn thương vùng đầu mà có kèm buồn nôn, nôn, mất sự tỉnh táo hoặc các biểu hiện đáng lo ngại khác thì cần phải thăm khám, đánh giá của thầy thuốc.
Đau đầu căng thẳng: Đau đầu căng thẳng gây ra triệu chứng đau như bóp chặt, thường ở vùng đỉnh hoặc cũng có khi cảm giác như bị bóp chặt xung quanh đầu. Mức độ đau thường nhẹ đến vừa, không đau kiểu thành nhịp đập và có thể kéo dài từ 30 phút đến nhiều ngày. Một số ít trẻ đau đầu căng thẳng thấy khó chịu với ánh sáng, tiếng ồn hoặc có cảm giác như trống rỗng trong đầu hoặc thấy mệt mỏi. Đau đầu căng thẳng thường không gây ra buồn nôn hoặc nôn và không nặng lên bởi hoạt động hàng ngày.
Đau đầu Migraine: Triệu chứng của Migraine thay đổi theo tuổi. Migraine ở trẻ em có thể khác một chút so với người lớn.
Ở trẻ em mới biết đi, người chăm sóc bé có thể nhận thấy da bé xanh tái và hoặc ít hoạt động hơn thường lệ. Ở trẻ lớn hơn có thể nôn, khóc, nằm yên một chỗ hoặc tìm chỗ khuất nằm để nằm. Đôi khi, trẻ nhỏ bị Migraine trở nên mất thăng bằng tạm thời và cứ như là sợ bước chân đi.
Ở trẻ lớn, đau đầu thường khởi phát vào cuối buổi chiều. Đau thường theo kiểu nhịp mạch đập, kéo dài 1 đến vài giờ và có thể đỡ đau dần 1 bên hoặc toàn bộ. Đau đầu thường kèm với buồn nôn, và khó chịu với ánh sáng, tiếng ồn. Trẻ có thể nôn 1 vài lần.
Ở trẻ vị thành niên, đau đầu thường khới phát dần dần đau nặng lên sau 1 vài giờ và đỡ dần vào cuối cơn cho đến khi hết cơn đau. Triệu chứng đau đầu điển hình là âm ỉ, đau sâu, ổn định lúc ban đầu và có thể đau như nhịp mạch đập nếu đau nặng. Migraine có thể đau nặng lên do ánh sáng, hắt hơi, gắng sức, đi lại hoạt động liên tục, hoặc rung lắc đầu. Cơn đau có thể vài giờ, thậm chí kéo dài đến 7 giờ.
Các triệu chứng khác có thẻ có, như nôn, đau bụng và hoa mắt, chóng mặt. Người nhà có thể không chẩn đoán được, nhầm lẫn (ví dụ, chẩn đoán đau đầu do xoang thay vì Migraine).
Các triệu chứng báo trước: Một số trẻ đau đầu Migraine lại có cảm nhận thay đổi về thị giác trước khi đau đầu vài phút. Đây được coi như triệu chứng báo trước. Triệu chứng báo trước có thể gồm tia chớp, điểm sáng, đường zigzig (dích dắc) hoặc mất một phần thị giác.
Đau đầu chuỗi: Đau đầu chuỗi rất dữ dội, rất tồi tệ, cơn lặp đi lặp lại hàng tuần đến hàng tháng mỗi đợt, sau đó là giai đoạn không đau. Rất may là, đau đầu chuỗi hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi và chỉ xảy ra khoảng 0,1% trẻ em từ 10 đến 18 tuổi. Đau đầu chuỗi hay gặp ở con trai hơn con gái.
Cơn đau thường có cảm giác trong sâu, rất đau đớn, liên tục và có tính bùng nổ. Đau đầu chuỗi thường gây ra đỏ mắt, tiết nhiều nước mắt bên phía đau, nhảy mũi, ngạt mũi, toát mồ hôi, mặt xanh tái và có thể sụp mi mắt. Cơn đau đầu thường ngắn (từ 15 phút đến 3 giờ). Cũng có khi cơn đau đầu ngắn hơn, vẫn có cùng tính chất và các đặc điểm liên quan nhưng chỉ kéo dài từ 1 đến hơn vài phút.
Đau đầu mạn tính hàng ngày: Khi đau đầu xảy ra hơn 15 ngày mỗi tháng trong ít nhất 3 tháng liên tiếp, khi đó nó được coi như đau đầu mạn tính hàng ngày. Thông thương, đau đầu mạn tính hàng ngày xuất hiện hàng ngày, và một số người phàn nàn rằng cơn đau liên tục trong hàng tháng. Đau đầu mạn tính hàng ngày không phải là một loại đau đầu thực sự, về mặt phân loại nó thuộc về các dạng đau đầu hay gặp khác nhau. Hầu hết trẻ em mắc đau đầu mạn tính hằng ngày bị chứng đau đầu migraine hoặc đau đầu căng thẳng tiềm ẩn. Một số trẻ đau đầu dày cơn, thường xuyên, sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều, điều này có thể dẫn đến phát sinh “đau đầu do lạm dụng thuốc”.
Đánh giá đau đầu: Đau đầu có thẻ điều trị tại nhà. Nếu trẻ vẫn khỏe và không có các dấu hiệu hay triệu chứng đáng lo sợ thì cứ điều trị trước khi tìm sự giúp đỡ y tế.
Khi nào tìm sự giúp đỡ: Nếu trẻ có hơn một biểu hiện sau đây thì trẻ nên được đưa đến bác sỹ khám trước khi điều trị:
Nếu đau đầu xảy ra sau chấn thương sọ não
Nếu đau dữ dội hoặc có các biểu hiện đi kèm như nôn, thay đổi thị giác, nhìn đôi, đau gáy cổ, cứng gáy, lú lẫn, mất thăng bằng và hoặc sốt (nhiệt độ trên 380C).
Nếu đau đầu đến mức làm cho trẻ thức giấc hoặc xuất hiện ngay khi ngủ dây.
Nếu đau đầu xảy ra trên 1 lần mỗi tháng
Nếu trẻ nhỏ hơn 3 tuổi
Nếu trẻ đã/đang mắc các bệnh như hồng cầu hình liềm, suy giảm miễn dịch, bệnh dễ chảy máu, u xơ thần kinh hoặc bệnh xơ củ.
Hỏi bệnh và thặm khám: Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân đau đầu của trẻ có thể xác định được thông qua hỏi bệnh và thăm khám. Trong vài trường hộp, bác sỹ sẽ yêu cầu cha mẹ hoặc bản thân trẻ ghi chép nhật ký về cơn đau trong nhiều tháng. Nhật ký có thể cung cấp thông tin chi tiết về thời gian, thời điểm và tính chất đau đầu.
Chẩn đoán hình ảnh: Sự cần thiết về chẩn đoán hình ảnh phụ thuộc vào triệu chứng và dấu hiệu của từng trẻ, việc thăm khám và bệnh sử. Tuy nhiên, hầu hết trẻ bị đau đầu mà thăm khám không thấy dấu hiệu gì bất thường thì không cần chẩn đoán hình ảnh như chụp CT scan (cắt lớp vi tính) hoặc MRI (cộng hưởng từ). Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về thần kinh, như đau đầu dữ dội mới xuất hiện hoặc các dấu hiệu hay triệu chứng đáng lo sợ khác thì lúc đó chẩn đoán hình ảnh là cần thiết.
Điều trị đau đầu: Điều trị đau đầu phụ thuộc vào lứa tuổi của trẻ, loại đau, tần suất cơn đau và các đặc điểm khác.
Điều trị đau đầu do chấn thương hoặc bệnh lý thông thường: Trẻ bị đau đầu do bệnh lý thông thường hoặc chấn thường sọ não nhẹ có thể điều trị tương tự như với đau đầu căng thẳng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nhận biết các dấu hiệu hoặc triệu chứng chỉ điểm một bệnh nguy hiểm cần phải được bác sỹ thăm khám.
Điều trị đau đầu căng thẳng.
Đau đầu căng thẳng không thường xuyên: Đau đầu căng thẳng không thường xuyên được định nghĩa khi nó xảy ra ít hơn 1 lần mỗi tháng. Trẻ đau đầu dạng này có thể điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen dành cho trẻ em (như biệt dược Tylenol) hoặc Ibuprofen (như biệt dược: Advil, Motrin). Aspirin không nên dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi do nguy cơ dẫn đến hội chứng hiếm nhưng nguy hiểm gọi là hội chứng Reye. Liều của Actaminophen là Ibuprofen nên dựa vào trọng lượng của trẻ hơn là tuổi.
Những khuyến cáo khác bao gồm:
Xác định và giảm hoặc loại bỏ bất kỳ yếu tố nào gây ra hoặc làm trầm trọng hơn cơn đau đầu, dựa vào thông tin từ nhật ký đau đầu (ví dụ: stress, thiếu ngủ, yếu tố thức ăn).
Thông báo cho bác sỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào mới xuất hiện, bao gồm sốt, gáy cứng, nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
Nghỉ ngơi: Yêu cầu trẻ nằm nghỉ ngơi và chườm mát lên trán. Nói chuyện với trẻ để xem trẻ có lo sợ phải tham gia các hoạt động ở nhà hoặc ở trường không.
Xoa bóp và làm thư giãn: Xoa bóp và làm thư giãn cơ vùng cổ nếu cơ bị căng hoặc cứng.
Thức ăn: Nếu trẻ chưa ăn thì cho ăn nhẹ. Bỏ bữa đôi khi làm đau đầu nhiều hơn.
Đau đầu căng thẳng thường xuyên hoặc mạn tính: Nếu trẻ bị đau thường xuyên hoặc mạn tính, lựa chọn đầu tiên là thuốc chống đau loại không cần kê đơn, chẳng hạn như Acetaminophen trẻ em (biệt dược Tylenol) hoặc Ibuprofen (biệt dược: Advil, motrin). Aspirin không khuyên dùng cho trẻ dưới 18 tuổi do nguy cơ gây ra hội chứng nguy hiểm nhưng hiếm gặp gọi là hội chứng Reye.
Để tránh đau đầu do lạm dụng thuốc (hay còn gọi là “đau đầu bật lại”), thuốc giảm đau không kê đơn không nên dùng quá 2 ngày trong 1 tuần trừ khi có lời khuyên của bác sỹ. Thêm vào đó, liều thuốc hàng ngày không được phép quá mức khuyến cáo của nhà sản xuất.
Các chương trình giúp làm giảm nhẹ căng thẳng có thể giúp ích cho trẻ bị đau đầu dạng căng thẳng. Nó có thể bao gồm tư vấn tâm lý, liệu pháp thư giãn hoặc điều hòa sinh học.
Điều hòa sinh học dạy cho trẻ cách kiểm soát các chức năng cơ thể như nhịp tim, huyết áp và căng cơ.
Nếu đau đầu không cải thiện bằng thuốc, bác sỹ có thể sẽ khuyên nên đưa trẻ đến chuyên gia thăm khám (như chuyên gia thần kinh). Chuyên gia có thể khuyến cáo dùng thuốc bằng các liều nhỏ hàng ngày một loại thuốc chống trầm cảm 3 vòng như Amitriptylin (Elavil). Liều của thuốc được dùng điều trị đau mạn tính thường thấp hơn rất nhiều liều dùng để chữa trầm cảm. Người ta tin rằng thuốc chống trầm cảm dạng này làm giảm tiếp nhận đau khi dùng liều thấp, mặc dù vậy cơ chế của lợi ích này vẫn còn chưa được biết rõ.
Điều trị đau đầu Migraine.
Các biện pháp chung: Nhiều yếu tố kích hoạt có thể gây cơn đau đầu hoặc làm nặng cơn đau có sẵn. Các yếu tố kích hoạt này có thể khác nhau giữa người này và người khác. Có một bản danh sách các yếu tố riêng. Đối với trẻ có cơn đau dày hoặc nặng thì nên ghi chép nhật ký đau đầu. Việc này có thể giúp xác định xem cái gì là yếu tố kích hoạt để tránh nhằm phòng các cơn đau đầu về sau.
Có 2 loại điều trị Migraine: Cắt cơn và dự phòng cơn. Điều trị cắt cơn là điều trị triệu chứng Migraine hiện có (như đau, buồn nôn...), trong khi điều trị phòng cơn là điều trị phòng xảy ra cơn trong tương lai.
Điều trị cắt cơn: thông thường, thuốc đầu tay khuyên dùng để cắt cơn đau Migraine là thuốc chống đau không kê đơn, như Acetaminophen (biệt dược Tylenol) hoặc Ibuprofen (biệt dược Advil, Motrin). Thuốc này nên uống càng sớm càng tốt, ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của Migraine.
Nếu trẻ có biểu hiện thêm buồn nôn, nôn thì cần kê đơn thuốc để giảm các triệu chứng này. Một trong những thuốc chống nôn thông dụng nhất cho trẻ trên 2 tuổi là promethazine (biệt dược: phenergan). Promethazine có thể dùng đường uống hoặc thụt hậu môn. Nếu đau đầu không cải thiện hoặc nếu trẻ nôn trước khi uống Acetaminophen hoặc Ibuprfen thì có thể khuyên dùng loại thuốc gọi là Triptan. Ở trẻ trên 5 tuổi, Triptan thường được dùng bằng đường xịt mũi. Thuốc được nghiên cứu nhiều nhất ỏ trẻ em là Sumatiptan (tên biệt dược là Imitrex) và Zolmitriptan (biệt dược: Zomig). Các bậc cha mẹ nên thảo luận về nguy cơ và lợi ích của Triptan với các thầy thuốc.
Tác dụng phụ hay gặp nhất của Sumatriptan xịt mũi là vị khó chịu ở miệng. Làm giảm cảm giác này bằng cách cúi đầu và hoặc ngậm viên kẹo cứng sau khi xịt. Zolmitriptan dạng xịt không có cảm giác khó chịu này.
Điều trị dự phòng: Tính hiệu quả và an toàn của điều trị dự phòng đối với trẻ chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng. Một số chuyên gia thấy rằng các thuốc sau đây có hiệu quả, mặc dù điều trị hiệu quả nhất sẽ phụ thuộc vào tuổi và đặc điểm của từng trẻ.
Cyproheptadine (biệt dược: Periactin) là một thuốc kháng histamin đôi khi được dùng dự phòng đau đầu Migraine ở người lớn. Nó có thể được khuyên dùng cho dự phòng Migraine ỏ trẻ em. Tác dụng phụ có thể là buồn ngủ và tăng cảm giác thèm ăn.
Propranolol (biệt dược: Inderal) là một thuốc huyết áp nhưng lại được sử dụng thường xuyên để phòng Migraine ở người lớn. Đôi khi nó được dùng để phòng Migraine ở trẻ em. Nhịp tim và huyết áp của trẻ nên được theo dõi trong quá trình điều trị vì cả 2 chỉ số này đều có thể bị giảm bởi thuốc. Propranolol không nên dùng cho trẻ bị bệnh hen hoặc tiểu đường typ I.
Amitriplylin (biệt dược: Elavil) là một thuốc chống trầm cảm 3 vòng mà khi dùng với liều thấp, có thể làm giảm số lần, mức độ nặng và thời gian của cơn đau Migraine. Thuốc này thường uống vào trước khi đi ngủ vì nó có thể gây buồn ngủ. Liều dùng nên tăng từ từ nếu cần.
Mặc dù các nghiên cứu khoa học vẫn chưa cho thấy thảo dược hoặc bổ sung vitamin có hiệu quả trong tất cả các trường hợp, nhưng một số bệnh nhân lại thấy rằng Riboflavin hoặc Coenzyme Q10 có hiệu quả trong dự phòng Migraine. Những chất này hầu như không có hại. Tuy nhiên các bậc cha mẹ nên thảo luận với thầy thuốc điều trị trước khi sử dụng cách điều trị này.
Điều trị đau đầu Migraine theo chu kỳ kinh nguyệt: Một số trẻ gái vị thành niên có cơn đau đầu Migraine vào thời gian ngay gần hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Nếu cơn xảy ra không thường xuyên, thì thông thường chỉ cần điều trị cắt cơn đau như mô tả ở trên.
Nếu đau đầu Migraine theo chu kỳ kinh nguyệt mà có thể dự báo được theo lịch trình, thì có thể nên điều trị dự phòng. Việc này thường bắt đầu trước chu kỳ vài ngày cho đến khi kết thúc chu kỳ vài ngày. Điều trị dự phòng có thể gồm thuốc chống viêm không chứa steroid (như Naproxen), thuốc viên tránh thai hoặc Triptan (xem phần “thông tin dành cho bệnh nhân: điều trị đau đầu ở người lớn (nâng cao).
Điều trị đau đầu chuỗi: Đau đầu chuỗi thường phải được xử trí bởi chuyên gia (như chuyên khoa thần kinh). Điều trị đau đầu chuỗi ở trẻ em cũng dựa trên cách điều trị đã thành công ở người lớn. Đau đầu chuỗi ít được nghiên cứu trên trẻ em bởi vì nó quá ít gặp (xem “thông tin dành cho bệnh nhân: điều trị đau đầu ở người lớn (nâng cao)”).
Điều trị đau đầu mạn tính hàng ngày: Điều trị đau đầu mạn tính hàng ngày thường tập trung vào thay đổi lối sống. Vì nhiều trẻ khi mắc chứng này lạm dụng thuốc đau đầu, điều quan trọng là dừng ngay việc lạm dụng thuốc giảm đau (như: Acetaminophen – biệt dược: Tylenol) càng sớm càng tốt. Xử trí đau đầu mạn tính hàng ngày cần giải pháp phối hợp với thầy thuốc của trẻ và nên cá nhân hóa theo từng nhu cầu của trẻ, phải có những hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng thuốc không kê đơn.
Thay đổi lối sống gồm có : uống đủ lượng nước, giảm hoặc không dùng Cafeine, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn và ngủ đúng giờ và dừng hút thuốc lá.
Một số trẻ đau đầu mạn tính hàng ngày nghỉ học hoặc bỏ các hoạt động hàng ngày khác. Điều quan trọng là cần khuyến khích trẻ trở lại các hoạt động này như là một phần của điều trị. Nếu cần thiết, có thể cho phép trẻ nằm nghỉ một lát tại phòng y tế của nhà trường (chẳng hạn 15 phút mỗi ngày) lúc cơn đau nhiều nhất.
Tìm kiếm thông tin ở đâu? – Thầy thuốc của trẻ là nguồn thông tin tốt nhất để hỏi đáp liên quan đến sức khỏe.
Thông tin dành cho bệnh nhân: Nguyên nhân và chẩn đoán đau đầu ở người lớn (kiến thức nâng cao).
Tổng quan đau đầu: Đau đầu có thể khá nặng nề, tuy nhiên hầu hết các cơn đau đầu không phải do các bệnh đe dọa tính mạng. Hầu hết các chứng đau đầu gây ra bởi một trong 4 hội chứng:
Đau đầu dạng căng thẳng
Đau đầu Migraine
Đau đầu mạn tính hàng ngày
Đau đầu chuỗi
Nguyên nhân và chẩn đoán đau đầu dạng không phải Migraine được đề cập ở đây. Đau đầu Migraine được trình bày riêng.
Đau đầu dạng (kiểu) căng thẳng.
Triệu chứng: Triệu chứng của đau đầu căng thẳng bao gồm:
Đau như ép hoặc bóp chặt xung qunh 2 bên đầu hoặc cổ
Đau nhẹ đến vừa, khá ổn định và không theo nhịp mạch
Đau không nặng lên do hoạt động
Đau có thể tăng hoặc giảm mức độ trong đợt đau.
Có thể có căng cơ vùng đầu, cổ hoặc vai
Những người đau đầu kiểu căng thẳng thường cảm thấy căng thẳng trước khi đau đầu. Không giống như Migraine, đau đầu căng thẳng xảy ra không kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, khó chịu với ánh sáng, tiếng ồn hoặc các triệu chứng báo trước khác. Tuy nhiên, một số người có triệu chứng của cả 2 loại đau đầu căng thẳng và Migraine.
Đau đầu Migraine: Đau đầu Migraine là loại đau đầu mức vừa đến nặng và đau nặng thêm bởi các tác động như ánh sáng, tiếng ồn và hoạt động. Một số người có buồn nôn và nôn. Đau đầu Migraine cơn điển hình kéo dài vài giờ nhưng có thể lâu hơn đến 3 ngày. Migraine sẽ được đề cập chi tiết ở phần riêng.
Đau đầu chuỗi: Đau đầu chuỗi rất dữ dội, cơn đau lặp đi lặp lại cả tuần đến cả tháng mỗi đợt, sau đó là giai đoạn hết đau. Đau đầu chuỗi tương đối ít gặp, có ít hơn 1% dân số mắc chứng này. Nam hay mắc hơn nữ, tuổi thường gặp nhất từ 25-50 tuổi.
Triệu chứng – Đau đầu chuỗi
Khởi phát nhanh không có báo trước, đau lên đỉnh điểm chỉ sau vài phút.
Có cảm giác đau sâu, rất đau đớn, liên tục và như bùng nổ, mặc dù đôi khi có thể đau kiểu như mạch đập và theo nhịp.
Cơn có thể xuất hiện lên đến 8 lần mỗi ngày thường là cơn ngắn (từ 15 phút đến 3 giờ).
Cơn đau điển hình bắt đầu ở mắt hoặc thái dương, ít gặp hơn nó bắt đầu ở mặt, cổ, tai hoặc 1 bên đầu.
Cơn đau luôn luôn chỉ ở 1 bên.
Hầu hết những người trong cơn đau đầu chuỗi không thể nằm yên và thường đứng ngồi không yên, như phát cuồng.
Đau đầu chuỗi thường kèm với đỏ mắt, chảy nước mắt bên phía bị đau, ngạt mũi, chảy mũi, toát mồ hôi và da tái nhợt.
Một số người khó chịu với ánh sáng bên mắt bị đau.
Đau đầu chuỗi có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi. Những người bị chứng đau này nhiều khả năng có các thành viên khác trong gia đình có thể mắc. Uống rượu bia có thể kích hoạt cơn đau.
Đau đầu mạn tính hàng ngày: Một số người đau đầu rất thường xuyên, trong số đó có người đau hàng ngày. Khi cơn đau xuất hiện hơn 15 ngày mỗi tháng trong ít nhất 3 tháng liên tiếp, lúc đó nó được coi như đau đầu mạn tính hàng ngày.
Đau đầu mạn tính hàng ngày không phải một dạng đau đầu điển hình thực sự mà trong phân loại nó thuộc dạng đau đầu thường gặp của các loại khác nhau. Hầu hết những người đau đầu mạn tính hàng ngày mắc chứng Migraine hoặc đau đầu căng thẳng tiềm ẩn sẵn có.
Những người này thỉnh thoảng phát cơn đau Migraine hoặc đau đầu căng thẳng, nhưng cơn đau trở nên thường xuyên hơn hàng tháng đến hàng năm. Một số người đau đầu thường xuyên nên sử dụng thuốc giảm đau đầu quá nhiều, có thể dẫn đến “đau đầu do lạm dụng thuốc”.
Đau đầu do lạm dụng thuốc: Đau đầu do lạm dụng thuốc có thể xảy ra ở những người đau đầu Migraine, đau đầu chuỗi hoặc đau đầu căng thẳng thường xuyên buộc họ lạm dụng thuốc giảm đau. Vòng luẩn quẩn xảy ra ở những người đau đầu thường xuyên làm cho họ phải uống thuốc thường xuyên (thường là thuốc không kê đơn), việc này sau đó gây ra tình trạng đau đầu bật lại khi thuốc hết tác dụng làm cho họ càng dùng nhiều thuốc hơn, và cứ thế.
Lạm dụng bất kỳ thuốc giảm đau nào đều có thể làm tăng nguy cơ tạo ra đau đầu do lạm dụng thuốc. Để tránh đau đầu do lạm dụng thuốc, chúng tôi khuyên nên:
Nếu có thể, tránh kết hợp butalbital (Fiorinal, Fioricet, Esgie) và các thuốc gây nghiện.
Không sử dụng triptan (Imitrex và biệt dược khác) hoặc thuốc kết hợp Aspirin / Acetaminophen / Ceffein (Excedrin) hơn 9 ngày trong 1 tháng.
Không dùng thuốc giảm đau chống viêm không sterbid (như: Ibuprofen, Advil, Motrin, Aspirin) hơn 15 ngày/tháng.
Không dùng Acetaminophen (như Tylenol) hơn 2 lần/tuần.
Nếu bạn đau đầu thường xuyên, bạn có thể cần đến thuốc dự phòng đau (xem phần “thông tin cho bệnh nhân: điều trị đau đầu ở người lớn (kiến thức nâng cao).
Các dạng đau đầu khác: Có một số nguyên nhân đau đầu khác.
Đau đầu do xoang: Đau đầu lặp đi lặp lại do xoang bị nhiễm khuẩn không phải loại thường gặp. Nhiều, nếu không nói là hầu hết, những người được chẩn đoán đau đầu do viêm xoang thực chất họ bị đau đầu Migraine (xem “thông tin dành cho bệnh nhân Migraine).
Đau liên quan đến xoang thường kéo dài nhiều ngày (không giống như Migraine điển hình) và không gây ra buồn nôn, nôn hoặc khó chịu với ánh sáng hoặc tiếng ồn (xem phần Migraine).
Đau đầu sau chấn thương: Đau đầu xảy ra trong vòng 1-2 ngày sau chấn thương sọ não khá thường gặp. Hầu hết những trường hợp này mô tả cơn đau âm ỉ lan tỏa, khó chịu liên tục và có nhưng thời điểm đau nặng lên.
Các triệu chứng thường gặp khác gồm chóng mặt (cảm giác quay tròn), đầu như mất trọng lượng, khó tập trung, giảm trí nhớ, dễ bị mệt và khó chịu.
Đau đầu sau chấn thương có thể tiếp diễn đến vài tháng, mặc dù vậy bất kỳ ai đau đầu không cải thiện trong 1 đến 2 tuần sau chấn thương cũng nên thăm khám, đánh giá chuyên môn (xem “chấn động não và chấn thương sọ não nhẹ).
Chẩn đoán đau đầu: Về nguyên tắc, thầy thuốc khai thác mô tả đặc điểm cơn đau đầu của bệnh nhân kết hợp với thăm khác để xác định loại đau đầu. Một số người mắc nhiều chứng đau đầu.
Hầu hết những người mắc đau đầu không cần đến chẩn đoán hình ảnh. Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) có thể chỉ định trong một số trường hợp, ví dụ, nếu triệu chứng khác thường, nếu có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào (xem “dấu hiệu nguy hiểm của đau đầu”) hoặc nếu có bất kỳ bất thường nào phát hiện được khi thăm khám. Các lý do khác để chụp sọ não gồm:
Đau đầu dần dần tồi tệ hơn mặc dù đã và đang điều trị
Đột ngột thay đổi tính chất đau
Các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý một bệnh khác có thể gây ra đau đầu.
Dấu hiệu đau đầu nguy hiểm: Tuyệt đại đa số đau đầu không gây nguy hiểm tính mạng. Bạn nên tìm sự giúp đỡ y tế ngay nếu đau đầu có tính chất sau đây:
Xảy ra đột ngột, trở nên dữ dội chỉ trong vài giây đến vài phút hoặc khi nó có thể được mô tả như “cơn đau đầu tồi tệ nhất trong đời”
Đau đầu dữ dội và kèm theo sốt hoặc cứng gáy cổ
Xuất hiện kèm cơn động kinh, thay đổi tính cách, lú lẫn hoặc không còn tỉnh táo.
Khởi phát nhanh, ngay sau khi gắng sức hoặc chấn thương nhẹ.
Đau đầu mới xuất hiện và xảy ra đi kèm với tê, yếu hoặc nhìn kém. Dù đau đầu Migraine có thể đôi khi gây ra các triệu chứng như vậy, song bạn nên đi khám nếu lần đầu tiên những triệu chứng này xuất hiện.
Nếu bạn bị đau đầu thường xuyên hoặc dai dẳng, đau làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày hoặc cơn đau trở nên trầm trọng hơn, bạn nên đến gặp bác sỹ để tư vấn trong giờ làm việc.
Đau đầu và u não: Đau đầu xuất hiện ở khoảng 50% số người bị u não. Tuy nhiên, đau đầu rất thường gặp và u não thì hiếm khi phát hiện thấy ỏ những người đi khám vì đau đầu. Nhiều người bị u não có đau đầu mạn tính có biểu hiện đau hơn khi cúi xuống hoặc kèm nôn và buồn nôn, mặc dù vậy những triệu chứng này có thể gặp ở các chứng đau đầu chẳng liên quan gì tới u não.
Điều trị đau đầu: Điều trị đau đầu được đề cập riêng (xem “thông tin dành cho bệnh nhân: điều trị đau đầu ở người lớn (nâng cao)”).
Tìm thêm thông tin ở đâu – Thầy thuốc của bạn là nguồn thông tin tốt nhất để hỏi đáp về mối quan tâm liên quan đến các vấn đề sức khỏe.