Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh đau dạ dày
Triệu chứng của đau dạ dày là gì?
Khi bị đau dạ dày, đôi khi bạn chỉ cảm thấy đau tức và khó chịu ở vùng thượng vị (vùng bụng phía trên rốn) nhưng đôi khi có thể kèm theo một vài triệu chứng dưới đây:
- Nóng rát vùng ngực
- Sôi bụng
- Chướng hơi
- Đầy bụng
Tôi có nên đi khám bác sĩ hay điều dưỡng khi có các dấu hiệu của đau dạ dày không?
Đa số mọi người khi mới chỉ xuất hiện các triệu chứng của đau dạ dày thì không cần đến khám bác sĩ hoặc điều dưỡng. Tuy nhiên, bạn nên đi khám khi có các dấu hiệu dưới đây:
- Đi ngoài ra máu, kèm theo tiêu chảy, nôn mửa
- Đau bụng dữ dội, số lượng các cơn đau ngày càng tăng lên và kéo dài trên 1 tiếng
- Không thể ăn/uống
- Sốt cao (> 390C)
- Chán ăn, giảm cân không kiểm soát
Nguyên nhân của đau dạ dày là gì?
Trong một vài trường hợp, đau dạ dày là kết quả của một số bệnh lí đường tiêu hóa (loét dạ dày, viêm tá tràng). Tuy nhiên, trong rất nhiều các trường hợp khác chúng ta không thể tìm được nguyên nhân chính xác gây đau dạ dày mà chỉ điều trị các triệu chứng của đau dạ dày.
Điều trị triệu chứng đau dạ dày như thế nào?
Nếu như đau dạ dày do các nguyên nhân liên quan đến đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày, tá tràng) thì chỉ cần điều trị “tận gốc” các nguyên nhân này, triệu chứng của đau dạ dày cũng giảm hoặc tự biến mất. Tuy nhiên, trong những trường hợp không thể tìm được nguyên nhân, các bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ cho bạn dùng những loại thuốc để làm giảm lượng acid trong dạ dày. Những loại thuốc này có tác dụng giảm đau và giảm các triệu chứng của đau dạ dày. Trong nhóm thuốc điều trị dạ dày, một số thuốc có thể dùng mà không cần kê đơn của bác sĩ.
Tôi có thể tự phòng chứng đau dạ dày không?
Bạn hoàn toàn có thể tự đề phòng chứng đau dạ dày bằng việc kiểm soát loại thức ăn mà bạn tiêu thụ.
Ngoài ra, để làm giảm nguy cơ bị đau dạ dày, bạn nên:
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo: thịt đỏ, đồ chiên rán, bơ, phomat
- Chia nhỏ bữa ăn
- Ăn đa dạng các loại thức ăn
- Không được tự ý sử dụng các thuốc mà có thể làm nặng thêm các triệu chứng của đau dạ dày (aspirin, ibuprofen)
Có một số người - đặc biệt là trẻ nhỏ - sau khi uống sữa, ăn kem, ăn phomat hoặc các sản phẩm từ sữa mà cảm thấy bao tử của mình đang co thắt đi kèm với đầy hơi thì rất có thể họ bị mắc chứng “không dung nạp Lactose”. Lactose là lượng đường chính trong sữa và hầu hết các sản phẩm từ sữa khác. Ruột non sẽ tạo ra enzyme lactase để giúp tiêu hoá lượng đường đó. Khi mắc phải bệnh không dung nạp lactose, cơ thể sẽ không tạo ra đủ lactase để tiêu hoá lượng lactose một cách tốt nhất.
Chính vì vậy, đối với những người không thể dung nạp lactose, các bác sĩ sẽ cho họ sử dụng một loại thuốc có tên gọi là lactase (tên biệt dược là Lactaid) để giúp cơ thể tiêu hóa đường lactose.
Trong trường hợp đau dạ dày của bạn có nguyên nhân do táo bón thì bạn nên bổ sung thêm vào chế độ ăn của mình những thực phẩm giàu chất xơ, dễ tiêu hóa (rau củ, trái cây, uống nhiều nước) hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng
Bổ sung thêm các thức ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn đi ngoài dễ dàng hơn. Ngoài bổ sung chất xơ qua đường ăn uống, bạn còn có thể:
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt
- Sử dụng các thuốc/thực phẩm chức năng giàu chất xơ
Liệu có phải đau dạ dày ở trẻ em và người lớn đều như nhau?
Nói chung là giống nhau. Một số nguyên nhân gây đau dạ dày ở trẻ nhỏ thì cũng gây đau dạ dày ở người lớn. Giống như ở người lớn, rất nhiều trường hợp đau dạ dày ở trẻ mà không thể xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp đau dạ dày ở trẻ con thường là do tâm lí sợ hãi, lo lắng. Chính vì vậy, chúng ta nên chú ý đến yếu tố tâm lí khi thấy trẻ kêu đau bụng.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội