Triệu chứng nhiễm trùng H.pylori là gì?
Nhiễm H. pylori xảy ra khi loại vi khuẩn gọi là Helicobacter pylori (H. pylori) lây nhiễm vào dạ dày hay một phần đầu của ruột non (hình 1).
Hình 1: Hệ tiêu hóa
Đối với nhiều người, nhiễm H. pylori không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và không dẫn đến bất kỳ biến chứng. Nhưng đối với những người khác, H. pylori có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Loét dạ dày, tá tràng
- Ung thư dạ dày
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích vì sao một số người bị vi khuẩn H.pylori hoạt động và gây ra các biến chứng nguy hiểm, trong khi đó những người khác thì không bị.
Triệu chứng nhiễm trùng H.pylori là gì? - Hầu hết những người nhiễm H.pylori sẽ không có triệu chứng. Tuy nhiên, với những người bị loét dạ dày, tá tràng do H.pylori, họ sẽ có những dấu hiệu dưới đây:
- Đau dạ dày
- Chướng hơi, đầy bụng
- Khó tiêu
- Nôn, buồn nôn
- Phân đen, màu bã cà-phê
- Mệt mỏi
Không phải trường hợp loét dạ dày, tá tràng nào cũng do vi khuẩn H.pylori. Ví dụ: một số người có thể bị viêm loét dạ dày, tá tràng do sử dụng thuốc giảm đau. Nếu bạn có các triệu chúng kể trên, hãy đến khám các bác sĩ / điều dưỡng để nhận những lời tư vấn từ họ.
Các xét nghiệm đoán H.pylori là gì? - Các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm để chẩn đoán, bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm thở: Phương pháp xét nghiệm này dựa vào cacbon đánh dấu: C13 hoặc C14. Trong trường hợp có nhiễm H.P tại dạ dày thì vi khuẩn sẽ tiết ra urease. Men urease sẽ phân hủy urê trong dạ dày thành amoniac và CO2. Vì vậy khi cho uống C13 hoặc C14, nếu người đó có nhiễm H.P thì sẽ thu được CO2 có chứa cacbon đánh dấu trong khí thở ra.
- Xét nghiệm phân
- Xét nghiệm sinh thiết qua nội soi dạ dày: Bệnh nhân được tiến hành nội soi dạ dày và lấy mẫu bệnh phẩm từ niêm mạc dạ dày. Xác định H.P bằng kính hiển vi: quan sát thấy vi khuẩn trên mẫu bệnh phẩm sau khi nhuộm Giemsa hoặc nhuộm bạc.
Khi nào tôi nên làm các xét nghiệm để chẩn đoán? - Bạn nên đi làm các xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng dưới đây:
- Loét dạ dày hoặc tá tràng
- Tiền sử có các vết loét đường tiêu hóa
Đôi khi, để làm biện pháp loại trừ các bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm tìm vi khuẩn H.pylori dù bạn không có bất kì triệu chứng gì nhưng có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày. Hoặc bạn có các triệu chứng kể trên nhưng chưa bao giờ bị viêm loét đường tiêu hóa thì bạn vẫn nên làm những xét nghiệm để chẩn đoán.
Điều trị nhiễm H.pylori như thế nào? - Hầu hết mọi người sẽ phải dùng kết hợp ít nhất 3 loại thuốc trong vòng 2 tuần để điều trị H.pylori. Các loại thuốc đó bao gem:
- Thuốc làm giảm dịch acid dạ dày: Thuốc này giúp nhanh lành các vết loét và điều trị nhiễm trùng
- Nhiều thuốc kháng sinh kết hợp
Những bệnh nhân nhiễm H.pylori cần phải được điều trị nhằm mục đích:
- Làm lành các vết loét đường tiêu hóa
- Ngặn chặn hình thành các vết loét mới
- Làm giảm tình trạng tổn thương nặng hơn của các vết loét
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc, bạn thấy xuất hiện bất kì tác dụng phụ, dấu hiệu bất thường, hãy báo ngay cho bác sĩ / điều dưỡng để kịp thời xử trí.
Tôi nên làm gì sau khi đã được điều trị? - Sau khi điều trị, bạn nên thường xuyên tái khám để đảm bảo đã loại bỏ được H.pylori. Các xét nghiệm khi tái khám bao gồm:
- Xét nghiệm thở
- Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn H.pylori
Hầu hết sau khi được điều trị, vi khuẩn H.pylori sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu chúng không đáp ứng với điều trị và vẫn tồn tại thì bạn sẽ phải dùng thêm thuốc để khống chế H.pylori.
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội