Lợi ích khi ngủ ngon và đủ giấc
Giấc ngủ ngon sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích bất ngờ.
Phục hồi, trẻ hóa và tái tạo da: Ngủ là một nhu cầu thiết yếu của cơ thể chúng ta, không chỉ để nghỉ ngơi mà đồng thời giúp cơ thể giải độc, tái tạo cũng như phục hồi lại làn da bị khô, loại bỏ da chết qua tuyến bã nhờn và mồ hôi. Một giấc ngủ sâu, giúp cơ thể chúng ta tái tạo những thiệt hại ở cấp độ tế bào. Với làn da, giấc ngủ là cơ hội để khôi phục lại những ảnh hưởng từ những căng thẳng, stress, những chất độc hại, tia cực tím hay những gì có hại khi da tiếp xúc vào ban ngày.
Tăng khả năng tập trung: Thiếu ngủ không chỉ làm giảm khả năng tập trung vào công việc mà còn khiến chúng ta “lơ đễnh” khi điều khiển xe. Chứng bệnh não sương mù do thiếu ngủ gây ra có thể khiến chúng ta gây ra tai nạn, té ngã và nhiều sự cố không mong muốn. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nguy hiểm đối với một người ngủ gật khi điều khiển xe cũng giống như một người trong tình trạng say rượu. Thống kê của các tổ chức y tế còn cho thấy tỷ lệ người bị chấn thương nặng, tàn phế thậm chí tử vong do tai nạn giao thông trên thế giới ngày càng gia tăng do không kiểm soát được tay lái vì uống rượu và ngủ gật.
Giảm nguy cơ bệnh tật: Hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào giấc ngủ, vì nó có vai trò chiến đấu và bảo vệ cơ thể cũng như những cơ quan khác ngay cả khi chúng ta nghỉ ngơi và ngủ. Thiếu ngủ kéo dài đồng nghĩa với những hoạt động của hệ miễn dịch sẽ ngày càng trì trệ và yếu đi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại xâm nhập cơ thể gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật nguy hiểm tàn phá cơ thể.
Giảm stress, căng thẳng: Khi bắt đầu đi ngủ, cơ thể chúng ta sản sinh ra những kích thích tố serotonin, melatonin (có thể điều chỉnh một số chức năng sinh học). Nếu thiếu 2 loại hormone này có thể gây ra một số biến chứng cho sức khỏe. Ngoài ra, thiếu ngủ còn khiến cơ thể sản sinh ra 2 loại hormone là adrenaline và cortisol, sẽ làm tăng nhịp tim, huyết áp cao, tăng lượng đường trong máu, thay đổi các phản ứng của hệ miễn dịch, ức chế hệ tiêu hóa và thậm chí vô hiệu hóa hệ thống sinh sản.
Cải thiện chức năng bộ nhớ: Não vẫn làm việc cả trong những lúc chúng ta ngủ. Thời gian đó, não vẫn tạo được các liên kết và chắp nối các sự kiện diễn ra trong ngày, thậm chí cả quá khứ. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Chicago (Mỹ) chỉ ra rằng, không có cách nào cải thiện trí nhớ tốt nhất bằng giấc ngủ ngon vào ban đêm. Theo họ, giấc ngủ có ít nhất 2 tác động riêng biệt đối với khả năng học hỏi và tư duy. Đồng thời nó củng cố, bảo vệ và khôi phục trí nhớ khỏi bị nhiễu loạn thông tin sau những suy sụp về tinh thần.
Kiểm soát cân nặng: Sự mất cân bằng của hàm lượng hormone trong cơ thể vì thiếu ngủ, sẽ làm tăng cảm giác ngon miệng khiến chúng ta ăn uống nhiều hơn. Ngoài ra, có nhiều nghiên cứu cho rằng, thiếu ngủ có thể làm thay đổi cách cơ thể tiêu hóa carbonhydrate gây ra tình trạng tăng cân và tiểu đường tuýp 2.
Sống thọ hơn: Các nhà khoa học tại Đại học Harvard cho biết, chỉ cần ngủ thêm một giờ có thể làm giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ và bệnh tim trong khoảng 6 tuần. Ngoài ra, các nhà khoa học còn nhấn mạnh việc ngủ ít hơn 7 tiếng/ngày sẽ làm trầm trọng hơn mức độ các bệnh lý về tim mạch và gia tăng các kích thích tố căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, trầm cảm.