Những lợi ích và tác hại của rượu
Những lợi ích của rượu là gì?
Uống rượu là thói quen rất lâu đời của con người từ thời cổ đại, cách đây 2800 năm người ta đã biết uống rượu và dùng rượu. Rượu là thức uống không thể thiếu trong nghi thức, cuộc sống và trong đời thường. Vậy, lợi ích của rượu là gì?
Thực sự rất khó để có thể đưa ra một câu trả lời chính xác và đầy đủ cho câu hỏi trên. Uống quá nhiều rượu là nguyên nhân gây ra rất nhiều các tai nạn, chấn thương, gây ra các bệnh lí làm tổn hại đến gan, thận và các cơ quan khác. Lạm dụng rượu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lí tim mạch, cao huyết áp, gây tăng mỡ máu, ung thư và các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Quan trọng hơn phụ nữ uống rượu trong quá trình mang thai có thể gây sinh non, thai chết lưu, gây ra các dị tật bẩm sinh cho đứa trẻ.
Tuy nhiên, nếu uống rượu một cách điều độ và có kiểm soát thì sẽ mang lại những lợi ích vô cùng tuyệt vời. Một số công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng uống rượu vừa phải làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lí tim mạch. Tuổi thọ được nâng cao ở những người uống vừa phải so với những người nghiện rượu nặng hoặc không uống rượu.
Chính vì vậy, hiểu biết về lợi ích cũng như tác hại của rượu là một việc làm vô cùng cần thiết, giúp chúng ta có thể tự kiểm soát lượng rượu đưa vào cơ thể.
Một ly rượu tiêu chuẩn thì chứa bao nhiêu ml rượu?
Bởi vì mỗi ly/cốc/chén rượu có hình dạng, kích thước khác nhau nên nó cũng sẽ chứa nồng độ rượu nguyên chất khác nhau. Ở Mỹ, một ly rượu tiêu chuẩn chứa khoảng 10-15g ethanol, tương đương với:
- 330 ml bia
- 150 ml rượu vang
- 50 ml rượu chưng cất
Uống rượu vừa phải là khi lượng rượu đưa vào cơ thể mỗi tuần chỉ khoảng 3-9 ly, tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi, giới... của người uống. Ví dụ , theo Hiệp Hội Lạm Dụng và Nghiện Rượu Quốc Gia ở Mỹ, họ định nghĩa: đối với nữ giới, uống rượu điều độ là khi không quá 3 ly rươụ mỗi ngày và không quá 7 ly mỗi tuần; còn đối với nam giới thì là không quá 4 ly mỗi ngày và 14 ly mỗi tuần.
Trên thế giới, định nghĩa về “một ly rượu tiêu chuẩn” rất khác nhau giữa các quốc gia, khu vực. Ví dụ, ở Mỹ một ly rượu tiêu chuẩn là chứa 8 gam ethanol nguyên chất nhưng ở Nhật Bản thì nó lại chứa 19.75 gam ethanol
Rượu và các vấn đề sức khỏe
Ngày nay, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng uống rượu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lí nguy hiểm:
Bệnh lí tim mạch: Các bệnh lí liên quan đến tim và mạch máu là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh được rằng uống rượu vừa phải làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lí mạch vành.
Cao huyết áp: Những người uống hơn 200ml rượu mỗi ngày có nguy cơ mắc chứng cao huyết áp gấp 2 lần so với người không uống rượu. Tuy nhiên, ảnh hưởng của việc uống ít hơn 200 ml rượu mỗi ngày lên vấn đề tăng huyết áp thì vẫn còn chưa được làm sáng tỏ.
Cơn đau tim: Uống rượu ở mức độ vừa phải làm giảm các nguy cơ bị các cơn đau tim
Bệnh động mạch ngoại biên: Bệnh động mạch ngoại biên là một vấn đề tuần hoàn phổ biến trong đó thu hẹp động mạch làm giảm lưu lượng máu đến tay chân. Khi phát triển bệnh động mạch ngoại biên, tứ chi - thường là đôi chân, không nhận được lưu lượng máu đủ để theo kịp với nhu cầu. Điều này gây ra các triệu chứng, đặc biệt là đau vùng bắp chân khi đi bộ. Tuy nhiên, uống rượu ở điều độ, có kiểm soát lại là yếu tố làm giảm nguy cơ mắc các bệnh động mạch ngoại biên.
Đột quỵ não: Uống rượu làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng đột quỵ não, tuy nhiên còn tùy thuộc vào lượng rượu đã uống mà có thể gây ra những kiểu đột qụy khác nhau. Đột quỵ não là tình trạng giảm đột ngột việc cấp máu và oxy đến não do vỡ hoặc tắc một hoặc nhiều động mạch lớn của não. Có hai dạng chính của đột quỵ là tắc mạch não và xuất huyết não.
Lạm dụng rượu sẽ làm tăng nguy cơ bị tắc mạch và xuất huyết não. Tuy nhiên, uống rượu ở mức độ vừa phải thì lại làm giảm nguy cơ bị tắc mạch não. Ngược lại, thậm chí chỉ uống rượu ở mức độ rất ít vẫn có nguy cơ cao bị xuất huyết não.
Ung thư vú: Rất nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ uống rươụ có liên quan mật thiết đến việc làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Theo đó, nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ uống 2 ly rượu/ngày cao hơn 51% những phụ nữ không bao giờ uống rượu và dù chỉ uống một lượng rất nhỏ thì nguy cơ gia tăng ung thư vú ở nhóm phụ nữ này vẫn cao hơn rất nhiều so với những người không uống.
Bổ sung acid folic và các Vitamin cần thiết có thể góp phần làm giảm tác hại của rượu đối với ung thư vú.
Ung thư vòm họng, hầu, thanh quản và đường tiêu hóa: Việc sử dụng đồ uống có cồn hàng năm gây ra cái chết của 3.5% các trường hợp bệnh nhân ung thư. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các đồ uống có cồn dù chỉ với lượng rất nhỏ, trong thời gian dài đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Các loại ung thư chính liên quan đến việc dùng đồ uống có cồn bao gồm: ung thư miệng, vòm họng, thanh quản, thực quản, gan, đại tràng, trực tràng... Đặc biệt, những người vừa uống rượu vừa hút thuốc thì nguy cơ mắc các bệnh ung thư này còn cao hơn rất nhiều so với những người chỉ uống rượu
Uống rượu còn là nguyên nhân chính gây nên tình trạng xơ gan - trong đó mô gan được thay thế dần bằng các mô xơ làm thay đổi cấu trúc bình thường của gan dẫn đến suy giảm nhiều chức năng quan trọng của gan. Xơ gan trong thời gian dài và không được điều trị sẽ nhanh chóng dẫn đến ung thư gan. Tuy nhiên, ngày nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề liệu uống rượu vừa phải, điều độ và có kiểm soát thì có làm tăng nguy cơ bị xơ gan hay không.
Đối với những người đã mắc sẵn các bệnh lí về gan (xơ gan, viêm gan mạn tính ...) thì phải hoàn toàn không được sử dụng rượu dù chỉ một lượng rất nhỏ
Xơ gan: Nghiện rượu là nghiên nhân hàng đầu gây ra tình trạng xơ gan. Mặc dù, việc
Sỏi mật: Uống rượu vừa phải sẽ làm giảm nguy cơ bị sỏi mật nhưng ngược lại, uống rượu quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi mật và các bệnh lí khác liên quan đến mật
Viêm tụy: Uống nhiều rượu sẽ làm tăng cả nguy cơ bị viêm tụy cấp và viêm tụy mạn
Loãng xương: Nghiện rượu là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ gãy cổ xương đùi bởi vì uống quá nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ bị loãng xương, đồng thời làm tăng tỉ lệ bị chấn thương do té, ngã
Mang thai: Uống rượu khi mang thai có thể gây ra tình trạng quái thai, dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Lạm dụng rượu khi mang thai gây ra hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi sau sinh, gây chậm phát triển trí tuệ, trẻ chậm lớn, dị dạng hộp sọ và các bất thường khác
Khi mang thai, bất kể uống rượu điều độ hay uống ít đều gây hại cho cả mẹ và thai nhi. Hơn nữa, chưa có bất kì một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được lợi ích của việc uống rượu khi mang bầu. Chính vì vậy, khi mang thai phụ nữ nên hoàn toàn “đoạn tuyệt” với rượu để bảo vệ cho bản thân và con trẻ.
Chất lượng cuộc sống: Uống nhiều rượu trong một thời gian dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của cá nhân người uống, của gia đình và mọi người xung quanh họ. Nghiện rượu làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập và sức khỏe bản thân
Tai nạn và chấn thương: Uống rượu làm gia tăng tần suất và mức độ nguy hiểm của các tai nạn giao thông.
Thông thường, để xác định số lượng rượu đã uống, ta thường hay dùng đơn vị đo nồng độ cồn trong máu. Tại hầu hết các bang ở Mỹ, khi tham gia giao thông nồng độ cồn trong máu tối đa ở mức cho phép là 0.08%, tương đương với 4 ly rượu cho một người nam giới 90 kilogram và 2.5 ly cho nữ giới 45 kilogram. Tuy nhiên, dù khi nồng độ cồn trong máu mới chỉ ở mức 0.05% thì nguy cơ gây ra các tai nạn giao thông đã tăng lên gấp đôi và giảm khả năng điều khiển các phương tiện khi nồng độ cồn trong máu ở 0.02%
Uống rượu cũng làm tăng nguy cơ tai nạn liên quan đến các phương tiện giao thông khác. Ví dụ, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: uống rượu gây ảnh hưởng xấu đến khả năng tập trung của các phi công, khả năng vận hành các phương tiện khác như thuyền bè, xe đạp, xe trượt tuyết...Hơn nữa, nhiều tai nạn nghề nghiệp như trượt ngã, bỏng, cháy nổ hoặc chết đuối cũng có liên quan mật thiết đến việc uống rượu và thường xảy ra ở những người đặc biệt nghiên rượu
Bạo lực: Uống rượu là nguyên nhân gây ra ¼ các vụ lạm dụng tình dục, ít nhất ½ các vụ tấn công và ½ đến 2/3 các vụ giết người
Tự tử: Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào đề cập đến việc uống rượu vừa phải có làm gia tăng số lượng các vụ tự tử không nhưng chắc chắn một điều rằng nghiện rượu sẽ làm tăng nguy cơ, tần suất vầ mức độ nguy hiểm của các vụ tự tử
Vậy sử dụng rượu thế nào là an toàn?
Thật sự rất khó để có thể “cân đo” giữa lợi ích và tác hại của rượu. Vì vậy, trước khi sử dụng rượu chúng ta nên lưu ý những vấn đề sau:
- Những người chưa từng sử dụng rượu thì tốt nhất không nên thử dùng chúng. Chưa có bất kì bằng chứng khoa học nào chứng minh được việc uống rượu muộn (tuổi trung niên hoặc tuổi già) có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lí kể trên.
- Uống rượu ở mức độ vừa phải, có kiểm sóat sẽ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh lí (bệnh mạch vành, nhồi máu não). Tuy nhiên, tác dụng này thường chỉ phát huy trên nhóm người cao tuổi, nam giới và đặc biệt trên những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các bệnh lí mạch vành (cao huyết áp, tăng lipid máu, hút thuốc, đái tháo đường)
- Đối với nhóm người trẻ và trung niên, đặc biệt là phụ nữ, uống rượu kể cả ở mức độ vừa phải cũng làm tăng nguy cơ tử vong liên quan đến các bệnh lí thường gặp như ung thư vú, các tai nạn, chấn thương. Ở nhóm người trẻ (dưới 45 tuổi) thì nguy cơ tử vong hoặc mắc các bệnh lí càng cao hơn nếu như họ sử dụng các đồ uống có cồn.
Sử dụng ít hơn 1 ly rượu mỗi ngày có thể tạm coi là an toàn (trong trường hợp không sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị hoặc điều khiển phương tiện giao thông). Tuy nhiên, mức độ này còn phải tùy thuộc vào thể trạng của từng người vì có thể đối với người này uống ít hơn 1 ly rượu mỗi ngày là an toàn nhưng đối với người khác thì không an toàn. Chính vì vậy, trước khi sử dụng rượu chúng ta nên lắng nghe cơ thể của chính mình để có thể kiểm soát tốt lượng rượu đưa vào.
Những đối tượng nào không nên uống rượu?
Những người dưới đây nên tránh sử dụng rượu hoặc các đồ uống có cồn:
- Những người chưa đủ tuổi sử dụng rượu (Ở Mỹ, những ngươi trên 21 tuổi mới được sử dụng rượu)
- Phụ nữ mang thai
- Người nghiên rượu/có tiền sử gia đình nghiện rượu
- Người mắc các bệnh lí về gan, tụy do sử dụng rượu
- Người mắc các tiền ung thư đường tiêu hóa
- Người vận hành các thiết bị, máy móc nguy hiểm (lái ô tô, thuyền, máy bay hoặc các máy móc trong xây dựng)
Rượu vang và các thức uống có cồn khác
Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng rượu vang là thức uống tuyệt vời nhất trong “công cuộc” chống lại các bệnh lí tim mạch. Trong rượu vang có chứa các hợp chất tự nhiên được gọi là Flavonoids - một chất chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể chống lại các tổn thương do sự oxy hóa và các gốc tự do một cách hữu hiệu. Nhờ vậy flavonoid có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch, giảm nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch như thiếu máu cơ tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch,… nhờ khả năng chống sự ôxy hóa không hoàn toàn cholesterol (cũng giống như các chất chống ôxy hóa khác như vitamin C, E,…). Một nghiên cứu tại Pháp đã đưa ra kết quả: tỉ lệ tử vong do các bệnh lí mạch vành ở những người hút thuốc và mỡ máu cao giảm hơn hẳn nếu như họ thương xuyên sử dụng rượu vang đỏ.
Ngày nay, một số nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng điều độ tất cả các đồ uống có cồn khác cũng có tác dụng trong việc bảo vệ hệ tim mạch. Tuy nhiên, ngoài việc giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lí mạch vành thì liệu các đồ uống có cồn đó có giúp phòng chống các bệnh lí nào khác không thì vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi, chúng ta cần có thêm nhiều nghiên cứu để làm sáng tỏ điều trên.
Uống bao nhiêu rượu là an toàn?
Như đã đề cập ở trên, tùy vào thể trạng của mỗi người để xác định lượng rượu như thế nào là an toàn. Đối với một số người họ không thể uống rượu dù chỉ một giọt, tuy nhiên, với hầu hết những người khỏe mạnh, không mắc các bênh lí nguy hiểm thì ½ đến 1 ly rượu mỗi ngày được coi là an toàn
Rượu và giới:
Chưa có một hứơng dẫn nào về việc sử dụng rượu an toàn đưa ra chính xác lượng rượu “lí tưởng” có thể uống là bao nhiêu bởi vì nó còn tùy thuộc vào từng giới:
- Đối với phụ nữ không nên uống quá 1 ly mỗi ngày
- Đối với nam giới không nên quá 2 ly mỗi ngày
Vậy tôi nên làm gì trước khi sử dụng rượu?
Trước khi sử dụng rượu, bạn nên cân nhắc theo những hướng dẫn dưới đây:
- Tham khảo ý kiến của các nhân viên y tế để có thể hiểu rõ những lợi ích và tác hại của việc sử dụng rượu. Có rất nhiều các yếu tố mà bạn cần cân nhắc kĩ càng trước khi quyết định có nên uống rượu hay không, bao gồm: tuổi, giới, tình trạng sức khỏe, tiền sử gia đinh, chế độ ăn, hoạt động thể lực, lối sống (hút thuốc) và các yếu tố khác
- Phụ nữ tuyệt đối không nên uống rượu trong khi mang thai, đặc biệt, nhiều chuyên gia còn khuyên rằng trước khi có ý định mang bầu, người mẹ nên hoàn toàn không sử dụng rượu
- Không được phép sử dụng rượu hoặc các đồ uống có cồn khi tham gia giao thông, điều khiển tàu xe hoặc vận hành các máy móc nguy hiểm
Tôi có thể tìm thêm các thông tin cần thiết về việc sử dụng rượu ở đâu?
Nếu bạn có bất kì thắc mắc hay câu hỏi nào liên quan đến việc sử dụng rượu, hãy đến gặp các nhân viên y tế - họ sẽ là những người cung cấp chính xác và đầy đủ nhất các thông tin mà bạn cần
Đào Thị Nhung
Chương trình tiên tiến - Đại Học Y Hà Nội