Viêm ruột thừa ở trẻ em
Viêm ruột thừa là gì? — Viêm ruột thừa là khi ruột thừa bị nhiễm trùng và sưng lên. Khi đó, ruột thừa có thể bị vỡ , làm cho nhiễm trùng lan rộng ra ổ bụng.
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Đối với trẻ em, viêm ruột thừa xảy ra ở trẻ lớn, trẻ vị thành niên nhiều hơn so với trẻ nhỏ.
Triệu chứng của viêm ruột thừa là gì? — Triệu chứng xảy ra khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
● Đau bụng – Ở trẻ lớn, đau bụng thường là triệu chứng xuất hiện đầu tiên. Cơn đau có thể bắt đầu quanh rốn rồi lan ra bụng dưới bên phải. Trẻ có thể đau bụng dữ dội hơn khi ho hoặc vận động mạnh.
● Nôn
● Sốt – thường bắt đầu sau 1-2 ngày.
● Chán ăn
Có nên đưa trẻ đi khám? — Có, nếu trẻ có những triệu chứng nêu trên.
Trẻ có cần làm xét nghiệm gì không? — Có thể. Bác sĩ hoặc điều dưỡng đầu tiên sẽ hỏi về triệu chứng của trẻ, sau đó sẽ thăm khám. Họ có thể đưa ra được chẩn đoán viêm ruột thừa mà không cần phải làm xét nghiệm.
Nếu chẩn đoán đưa ra chưa chắc chắn, một số xét nghiệm sau có thể được yêu cầu:
● Xét nghiệm máu
● Xét nghiệm nước tiểu
● Siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính.
Không có xét nghiệm nào đưa ra kết quả chắc chắn trẻ có bị viêm ruột thừa hay không. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sẽ kết hợp các kết quả xét nghiệm, triệu chứng và thăm khám để chẩn đoán.
Điều trị viêm ruột thừa như thế nào? — Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật để loại bỏ ruột thừa. Phẫu thuật có thể tiến hành theo hai cách:
● Mổ mở – Bác sĩ sẽ rạch một đường trên bụng gần vị trí của ruột thừa rồi lấy ruột thừa ra khỏi qua vết mổ đó..
● Mổ nội soi – Bác sĩ sẽ rạch một vài vết nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với mổ mở. Dụng cụ nội soi nhỏ và dài được đưa qua đó. Một trong số dụng cụ đó có gắn camera ở đầu dưới, ghi và đưa hình ảnh lên màn hình. Bác sĩ sẽ nhìn vào hình ảnh trên màn hình để biết vị trí cắt và loại bỏ ruột thừa.
Nếu ruột thừa của trẻ bị vỡ, bác sĩ sẽ làm phẫu thuật để lấy ruột thừa ra. Trong quá trình phẫu thuật, họ sẽ phải làm sạch phần ổ bụng xung quanh ruột thừa, rửa đi các chất dịch bị chảy ra ngoài khi ruột thừa vỡ để tránh nhiễm trùng lan rộng. Khi ruột thừa đã vỡ thì phẫu thuật sẽ phức tạp hơn rất nhiều.
Nếu ruột thừa của trẻ đã vỡ vài ngày rồi, trẻ có thể sẽ không phải làm phẫu thuật ngay. Bởi, cơ thể đôi khi có khả năng hình thành một lớp mạc bao quanh, bọc lấy vị trí bị nhiễm trùng khi ruột thừa vỡ. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ cho dùng thuốc kháng sinh và theo dõi thêm. Họ có thể đưa một đầu kim vào vị trí đó để rút dịch nhiễm trùng ra. Cách này thường được thực hiện đồng thời với xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để bác sĩ có thể định hình vị trí đưa kim vào.
Sau khi điều trị được nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyến nghị thực hiện phẫu thuật lấy bỏ ruột thừa cho trẻ.
(Biên dịch: Lê Thân Phương – Cử nhân điều dưỡng tiên tiến K1 – ĐH Y Hà Nội)