Làm sao khi trẻ nghiện thiết bị số
Khi bước vào một quán nước, ngồi trên xe buýt, chúng ta thường thấy các em từ 3 tuổi đến vị thành niên, dù đi với bạn bè hay gia đình, đều có thú tiêu khiển riêng là chăm chú máy tính hoặc điện thoại.
Việc trẻ em sử dụng các phương tiện điện tử sớm và nhiều giờ trong ngày, kéo dài liên tục, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các em. Thực trạng cho thấy, đa số trẻ em dưới 4 tuổi đến khám vì lý do chậm nói tại các viện nhi đều có số giờ coi ti vi tại nhà là hơn 2 giờ/ngày, các trẻ trong giai đoạn học lớp Một gặp vấn đề kém thích nghi, không tuân theo kỹ luật, có hành vi không yên ở trường hoặc khi học tại nhà đều đã có một thời gian coi ti vi hoặc chơi game rất nhiều. Những trẻ vị thành niên nghiện game, internet đều được tìm thấy có yếu tố trầm cảm, hạn chế mối quan hệ xã hội.
Vậy, yếu tố nào dẫn đến tình trạng nghiện các thiết bị số này?
1. Yếu tố nguy cơ:
a. Yếu tố bên ngoài:
Sự hấp dẫn của các thiết bị số: So với những đồ chơi như lắp ráp, đá banh… thì các thể loại game có vẻ hấp dẫn hơn nhiều, thu hút sự chú ý của trẻ em và cả người lớn, vì vậy, nó sẽ có sự tác động mạnh và lôi cuốn, khiến người sử dụng phải dành nhiều thời gian để chơi nếu không có sự can thiệp của ý chí.
b. Yếu tố bên trong:
Sự cô đơn, thiếu sự quan tâm đúng của gia đình:
Ngày nay, với áp lực học tập quá lớn của trường học, các bậc phụ huynh chỉ dành thời gian cùng con làm bài tâp ở nhà, cùng với sự bận rộn công việc cũng khiến cha mẹ ít thời gian hơn để chơi cùng con. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là phụ huynh ít quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc, mong muốn của con em mình, nên chỉ đáp ứng những nhu cầu vật chất, khiến có không ít trẻ hạn chế sự chia sẻ khi gặp vấn đề khó khan, dần dần hình thành sự cô đơn trong tâm hồn các em và không ít các em đã tìm đến game như một cách giải toả cảm xúc tiêu cực của mình.
Thiếu kỹ năng:
Giai đoạn trẻ dưới 3 tuổi, các trẻ cần học những kỹ năng như ngôn ngữ, vận động, kỹ năng xã hội. Giai đoạn 3-6 tuổi, cũng những kỹ năng trên, kết hợp với kỹ năng giải quyết vấn đề, tự lập là cần thiết với các trẻ. Giai đoạn cấp Một, các trẻ rèn luyện kỹ năng học tập, thích nghi và giai đoạn vị thành niên, các em học kỹ năng thể hiện bản thân và nhiều kỹ năng xã hội khác. Những kỹ năng trên cần đươc hướng dẫn và thực hành trong thực tế hàng ngày, nên nếu đa phần thời gian các em dành cho phim ảnh, game trên thiết bị số, các em sẽ bỏ mất thời gian để rèn luyện các kỹ năng
Mong muốn được thể hiện bản thân và được sự ghi nhận của người khác:
Sự thật cho thấy, các bậc phụ huynh thiếu kỹ năng khen ngợi hoặc có phản hồi hợp lý với những hành vi tốt của trẻ. Nhiều thống kê đã ghi nhận rằng hang ngày trẻ em nhận được lời chê bai, chỉ trích nhiều hơn khen ngợi. Khi nhận được lời khen, trẻ sẽ hiểu được hành vi của mình khiến người khác hài lòng và có xu hướng tiếp tục hành vi đó. Những trẻ thường bị chê bai, chỉ trích sẽ có xu hướng đi tìm lời khen bằng cách thử mọi hoạt động và nhiều trẻ đã tìm thấy trong game với sự chiến thắng đối thủ, trở thành siêu anh hung hoặc sự tưởng tượng trở thành siêu nhân như trong phim hoạt hình đối với những trẻ nhỏ.
2. Giải pháp phòng ngừa:
- Dành thời gian cho con mỗi ngày: thời gian này là để chơi cùng trẻ, trò chuyện, tạo cho trẻ sự yên tâm, vui vẻ.
- Cùng con lao động: Cha mẹ hãy cùng con mình làm việc nhà với những phân công phù hợp với tuổi của từng trẻ. Điều này giúp trẻ có ý thức sớm về lao động, sự chia sẻ công việc và hình thành tính trách nhiệm cho trẻ.
- Khen ngợi những hành vi tích cực của con: đây chính là sự ghi nhận những điều tốt mà phụ huynh thấy ở trẻ, điều này giúp trẻ có nhìn nhận tốt về hình ảnh bản thân mình và có mong muốn làm điều người khác mong đợi.
- Hướng dẫn trẻ kỹ năng: những kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, tự lập, kết bạn… được thực hành đầu tiên tại gia đình với sự hướng dẫn của người lớn, sẽ giúp trẻ biết cách thích ứng khi ra môi trường xã hội.
- Quy định thời gian sử dụng các thiết bị điện tử rõ ràng và cương quyết.
- Làm gương cho trẻ.
Vui lòng gọi điện đến tổng đài EasyCare (028) 7300 7115 (không tính phí) ngay hôm nay để được tư vấn, đặt lịch tầm soát và khám chuyên khoa phù hợp.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh
Khoa tâm lý - Bệnh viện Nhi Đồng 1